|
Châu Quốc Cường (giữa) trong đêm đăng quang |
Lần đầu tiên tôi gặp Châu Quốc Cường khi anh đang học năm thứ ba Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Bình Định. Khi ấy, năm 1999, Cường đã là một trong những giọng ca sáng giá của trường và anh đang tất bật chuẩn bị tham gia Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Bình Định.
Hỏi lý do Cường chọn vào học thanh nhạc tại Trường Trung học VHNT tỉnh, Cường kể: "Năm 1997, vừa tốt nghiệp phổ thông, Cường đã tham gia cuộc thi giọng hát hay của tỉnh. Nghe mình hát, một giáo viên của Trường Trung học VHNT tỉnh cho biết, Trường đang tuyển sinh và khuyên mình thi vào".
Vậy là chàng trai trẻ (Cường sinh năm 1976), rời quê nhà (thôn Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) để thi vào Trường Trung học VHNT tỉnh. Cường tâm sự: "Lúc đầu, mình cũng không có ý định thi vào thanh nhạc, mình thích học organ cơ. Nhưng vào trường rồi, các thầy thấy mình có chất giọng nên động viên học thanh nhạc".
Khi đó, gương mặt Quốc Cường hãy còn rất trẻ, nhưng đã đầy vẻ chững chạc, tự tin khi bước lên sân khấu. Và chất giọng của Cường sớm tỏ ra phù hợp với những ca khúc cách mạng. Năm đó, Cường đã giật giải nhất cuộc thi.
Sau thành công ban đầu đó, Châu Quốc Cường dần trở nên một giọng hát quen thuộc trên sân khấu ca nhạc trong tỉnh. Vẫn với những bài hát vừa trữ tình, vừa mang chất thép, Cường dần gây một dấu ấn, dù còn hết sức khiêm tốn, trong lòng khán giả. Nhưng anh vẫn không quên miệt mài với từng buổi tập, những giờ luyện giọng. Thầy Nguyễn Thanh Hùng, giáo viên Trường Trung học VHNT tỉnh, nhận xét về người học trò cưng của mình: "Không chỉ có chất giọng khỏe, cái đáng quý ở Cường là sự cầu tiến, ham hiểu biết. Nhờ vậy, qua từng học kỳ, Cường tiến bộ lên trông thấy".
Ra trường, sau gần hai năm làm việc tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh, Cường "đầu quân" vào làm việc tại Phòng Công tác Chính trị - Công an tỉnh Bình Định. Dù ở đơn vị nào, vẫn thấy Cường say mê luyện tập, say mê hát và không nề hà cùng những đêm diễn ở vùng sâu, vùng xa. Kiên trì khổ luyện, đã giúp anh liên tục gặt hái được những thành công: Huy chương vàng Hội diễn các trường VHNT toàn quốc năm 2000; giải nhì Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Bình Định năm 2001; Huy chương vàng Liên hoan nhóm ca khúc cách mạng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức năm 2001… Tiếng hát của Cường ngày càng trở nên đằm thắm, mang sức nặng của sự sâu lắng trong cảm xúc, của cách xử lý kỹ thuật nhuần nhuyễn. 7 năm lăn lộn, thử sức trong phong trào ca nhạc quần chúng, Cường đã gặt hái được không ít kinh nghiệm, và phong cách biểu diễn cũng trở nên nhuần nhị hơn.
Tại vòng chung kết giải Sao Mai tổ chức tại Khu du lịch quốc tế đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cường đã lọt vào tốp 15 thí sinh dự thi đêm chung kết và giật giải ba.
Ngay khi vừa đặt chân đến Tuần Châu (Quảng Ninh), Cường đã bị một trận ốm. Khi đã vào vòng sơ khảo, cơn sốt vẫn chưa dứt, phần nào ảnh hưởng đến chất giọng. Chỉ đến đêm chung kết, Cường mới thật sự bình phục. Và Cường đã trình bày thật xuất sắc ca khúc Đàn T’rưng của Nguyễn Viêm. Khi được nhận xét rằng, trên sân khấu Khu du lịch đảo Tuần Châu, Cường đã tỏ ra khá rất thoải mái, tự tin; anh cười và giải thích: "Bên cạnh mình luôn có sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp, và hơn nữa, còn là niềm tự hào khi được mang "màu cờ sắc áo" của Bình Định góp mặt cùng bè bạn cả nước".
Trò chuyện với chúng tôi về tương lai, chàng chiến sĩ an ninh trẻ tuổi này quả quyết rằng, anh chỉ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp khi không phải từ bỏ công việc mà mình đã chọn.
. Lê Viết Thọ