|
Nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện đang cầm chầu (ảnh:TG) |
Trong sân khấu tuồng truyền thống, âm nhạc luôn có một vị trí quan trọng, vừa tạo không khí sôi động cho đêm diễn, vừa dẫn dắt diễn viên chuyển từ trạng thái tình cảm này sang trạng thái tình cảm khác, và hỗ trợ đắc lực cho người nghệ sĩ thể hiện tốt những tình cảm của nhân vật. Tuy nhiên, có một thực trạng buồn là hầu hết khán giả đều chú ý tới các nghệ sĩ biểu diễn, ít ai coi trọng những nhạc công ngồi khuất sau cánh gà hoặc chìm trong hố nhạc, đang say sưa dồn tâm huyết lên đầu ngón tay để góp phần tạo nên thành công của đêm diễn; ít người nhận thức được giá trị độc đáo của âm nhạc tuồng.
Vừa qua, Sở VH-TT tỉnh đã chỉ đạo cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) thực hiện việc ghi âm, ghi hình tất cả các bài bản âm nhạc trong sân khấu tuồng nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa của âm nhạc trong sân khấu tuồng truyền thống. Đầu tháng 8-2003, công việc này đã được triển khai thực hiện.
Âm nhạc tuồng tuy chỉ có ít bài bản, nhưng cách thể hiện các bài bản này rất phong phú, đa dạng. Nếu đệm cho nói lối có ba – bốn bài thì trong mỗi bài lại có nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ đệm cho nói lối có bài xây tá, xây thượng, bóp… nhưng cách thể hiện các bài này lúc nhanh lúc chậm, lúc vui lúc buồn tùy theo hoàn cảnh của nhân vật. Hoặc cũng lòng bản như vậy, tùy theo khả năng ứng tấu, rung nhấn của nhạc công lại tạo cho mỗi lần tấu là một lần khác nhau vô cùng phong phú.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện – phụ trách dàn nhạc của NHTĐT thì dàn nhạc của nhà hát khá đồng đều về số lượng và chất lượng, nhưng còn thiếu bộ gẩy và còn yếu về ứng tấu. Vì thế nhà hát đã mời nghệ sĩ đàn tranh Mai Nhụy (hơn 70 tuổi) từ TP Hồ Chí Minh ra để góp phần tăng thêm màu sắc cho dàn nhạc khi thực hiện công tác bảo tồn.
Hiện nay, việc ghi âm ghi hình dàn nhạc trình tấu các bài bản nhạc tuồng truyền thống đang đi vào giai đoạn hoàn tất. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực góp phần bảo tồn các bài bản âm nhạc sân khấu tuồng truyền thống của NHTĐT nói riêng và sân khấu tuồng nói chung.
. Thọ Khánh
|