Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm
16:50', 25/8/ 2003 (GMT+7)

Tác phẩm Những đốm sao đêm của Phạm Văn Chai

Tối ngày 15-8, ngày khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định năm 2003, đã diễn ra buổi tọa đàm về nhiếp ảnh nghệ thuật giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, người đã có trên 30 năm cầm máy, với các nghệ sĩ Bình Định. Chúng tôi ghi lại dưới đây một số ý kiến tại buổi tọa đàm này.

* Ảnh đã tinh?

Triển lãm lần này gồm 78 tác phẩm được tuyển chọn từ các bức ảnh tham dự Cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh năm 2003 do Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức. Về số lượng, cuộc thi năm nay chỉ có 282 ảnh của 14 tác giả dự thi. Trong đó, chỉ riêng một tác giả là Ngọc Tuấn đã chiếm tới 105 ảnh. 178 ảnh còn lại là của 13 tác giả. Trong khi đó, tại cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh được tổ chức vào năm 2002, có tới 393 tác phẩm của 32 tác giả tham dự. Như vậy, về số lượng ảnh dự thi và số tác giả cuộc thi lần này ít hơn năm trước cả về số lượng hội viên.

Tuy nhiên, trong nghệ thuật, số lượng không phải là vấn đề quyết định. "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Tác giả Phạm Văn Chai, người đoạt giải nhất cuộc thi năm nay với tác phẩm Những ánh sao đêm, đã nhận xét: "Tuy số lượng ảnh dự thi có ít hơn, nhưng nhìn chung chất lượng ảnh cao hơn so với các năm trước". Bên cạnh những tác phẩm đoạt giải, một số ảnh khác, dù không đoạt giải, nhưng cũng rất đáng chú ý. Đây cũng là đánh giá của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng tại buổi tọa đàm. Chẳng hạn, Bên dòng suối của Duy Quyên tạo hình đẹp; Chuẩn bị cho mùa biển tới của Ngọc Tuấn chân thực, bố cục đẹp, phản ánh được nhiều vấn đề của đời sống, nói nhiều với người xem qua hình ảnh. Ngoài ra, một số tác phẩm tham gia triển lãm bước đầu đã có những tìm tòi trong kỹ thuật. Những ánh sao đêm (của Phạm Văn Chai) nhòe về hình ảnh, tạo độ ảo. Nhờ vậy, không gian thêm chất thơ mà vẫn không làm mất đi tính chân thực. Trong khung cảnh một đêm chợ quê êm đềm, ta như cảm nhận được giọt mồ hôi lam lũ của người lao động, vừa vất vả, vừa rất đỗi cao quý.

Tuy nhiên, theo như nhận xét của tác giả Đặng Ngọc Vân: "Hạn chế lớn nhất của các tác phẩm, cũng là của nhiếp ảnh Bình Định hiện nay, vẫn là sức khái quát chưa cao". Bên cạnh đó, một hạn chế khác là các tác phẩm chưa thể hiện sự đầu tư, tìm tòi trong bố cục, tạo hình, độ tương phản. Có những tác phẩm tuy bố cục tốt nhưng tạo hình yếu, làm hạn chế giá trị của tác phẩm.

Đề cập đến những hạn chế này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng đã có nhận xét rất đáng lưu ý: "Những bức ảnh màu với những cung bậc màu sắc dễ làm ta vừa lòng. Tuy nhiên, nếu chỉ còn đen và trắng, thì tác phẩm đó "chết" ngay. Chất tạo hình, có thể nói, là yếu tố quan trọng với nhiếp ảnh nghệ thuật. Bên cạnh đó, một số ít ảnh tham gia triển lãm vẫn lộ rõ sự dàn dựng".

* Và chuyện ngoài ảnh

Nếu đến Hội VHNT những ngày trước khi khai mạc triển lãm, ta sẽ chứng kiến một không khí thật cảm động. Đó là cảnh các anh em trong Chi hội Nhiếp ảnh cùng xúm xít lo toan cho sự ra mắt phòng triển lãm. Chính tinh thần ấy, trong điều kiện Hội còn nhiều khó khăn, Chi hội Nhiếp ảnh vẫn tổ chức được một phòng triển lãm dày dặn. Bỏ qua những đánh giá đẹp - xấu thông thường, đến với cuộc triển lãm, ta còn bắt gặp rất nhiều ân tình, tâm huyết và công sức mà các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh đã đặt vào trong một triển lãm.

Không thể phủ nhận một thực tế là thời gian gần đây, Hội VHNT tỉnh đã đầu tư để Chi hội tổ chức các buổi đi thực tế sáng tác. Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến những nỗ lực của tự thân các nghệ sĩ. Đã có hội viên đứng ra tổ chức phòng triển lãm riêng. Lại có hội viên đi sâu vào những mảng đề tài cụ thể và gặt hái những thành công bước đầu. Tất cả, là những tấm lòng nhiệt thành với nghệ thuật, rất đáng quý.

Những khung ảnh có thể còn chưa đẹp, cỡ ảnh có thể còn khiêm tốn, nhưng theo nhận xét của nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng, không ít ảnh trong triển lãm có chất lượng. Tuy nhiên, nếu các tác giả này biết chăm chút hơn cho những đứa con tinh thần của mình, từ hình thức: phóng to hơn, dùng bo lớn hơn, vào khung đẹp… đến chuyện đặt tên cho tác phẩm, thì hiệu quả của những tác phẩm này với người xem sẽ còn cao hơn.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)
Bình Định bội thu tại giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 2003   (20/08/2003)
Tôi sẽ hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nền bóng đá VN   (20/08/2003)
Tôi sẽ cố gắng hội tụ các yếu tố để góp phần giúp bóng đá nước nhà phát triển   (17/08/2003)
Châu Quốc Cường: Sáng cùng Sao Mai   (15/08/2003)
Không nên "xây nhà từ nóc"  (14/08/2003)
Những "trái ngọt" đầu mùa của thể thao Bình Định   (13/08/2003)
Ngóng phương trời gởi lại gánh non sông   (12/08/2003)
Thần Siva mang phong cách tháp Mẫm   (11/08/2003)
Sân khấu truyền thống và người chiến sĩ   (10/08/2003)
Địa chí Bình Định: Còn rất nhiều điều phải bổ sung   (08/08/2003)
Đi tìm ký ức bản làng   (07/08/2003)
Võ Bình Định trong hành trình tìm lại chính mình   (06/08/2003)
Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của Việt Nam   (05/08/2003)
U23 Việt Nam đại thắng trận đầu trên đất Áo   (04/08/2003)