Mặn mòi hương biển
16:5', 28/8/ 2003 (GMT+7)

Tác phẩm Dưới ánh nắng vàng của Ngọc Tuấn

Triển lãm ảnh Hoài Nhơn – quê hương tôi (từ 2-8 đến 7-8-2003) của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn được tổ chức tại nhà hàng Hương Biển (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn). Phòng triển lãm ảnh cá nhân hình thành ngoài dự kiến ban đầu của Ngọc Tuấn. Anh dự định chỉ tổ chức trưng bày báo cáo sau 10 năm cầm máy ghi lại những hình ảnh thân quen trên quê hương Hoài Nhơn. Thật bất ngờ, sau khi tuyển chọn, gần 60 tác phẩm trưng bày của anh đã chiếm được cảm tình của Ban tổ chức triển lãm và Ban thẩm định tác phẩm. Triển lãm ảnh cá nhân của Ngọc Tuấn ra mắt trong không gian hữu tình giữa rừng dương, bên bờ biển xanh, phù hợp với chủ đề quê hương mà anh tâm đắc.

Qua ống kính của Ngọc Tuấn, gần 60 tác phẩm trưng bày của anh đã thể hiện khá rõ nét hình ảnh quê hương – con người của vùng đất cực bắc Bình Định, đặc biệt là nghề biển – thế mạnh kinh tế của Hoài Nhơn.

Tuấn thích khai thác vẻ đẹp hồn nhiên vô tư của tuổi học trò thời áo trắng. Ở tác phẩm "Mùa kỷ niệm", anh chọn một góc nhìn thơ mộng bên ghế đá, dưới gốc cây phượng vĩ vào thời điểm hoa nở rực rỡ nhất, làm nổi bật tà áo dài trắng tinh khiết mượt mà của đôi bạn gái, bởi ánh sáng lung linh xuyên qua kẽ lá. Hình ảnh phụ nữ trong tác phẩm của anh cũng không kém phần sinh động. Nổi bật là hình ảnh cô giáo làng dung dị qua tác phẩm "Hình ảnh của cô" (giải nhì cuộc thi ảnh chủ đề "Thầy cô" Báo Mực Tím tháng 1-1997). Anh đã chọn góc nhìn có chủ ý để thấy được cô giáo như một chỗ dựa đáng tin cậy cho các em học sinh. Ở tác phẩm "Vũ điệu truyền thống" (giải nhì cuộc thi ảnh "Đất nước con người Bình Định" lần thứ nhất – tháng 9-1995) hình ảnh ngư dân đứng trên thuyền tung chài rất thân quen đối với cuộc sống sông nước, nhưng chộp được giây phút điển hình ấy không phải là chuyện dễ. Người xem như thấy dòng sông, thuyền, chài và người được tác giả dát bạc trong tác phẩm.

Sự tinh lọc về hình tượng của anh cũng tạo cho người xem tình huống bất ngờ, tiêu biểu là tác phẩm "Chiếc lá và con thuyền". Những chiếc lá cận cảnh ở một góc bức ảnh được đặc tả rõ nét, trong khi con thuyền đơn độc đặt chính giữa bức ảnh lại được xử lý mờ ảo trong làn sương sớm, có lẽ anh muốn thể hiện một tâm trạng, một số phận. Trong tác phẩm "Điểm vàng làng nghề truyền thống" lại bừng lên sức sống mãnh liệt như bếp than hồng đến độ rực lửa nhất, nó như mạch nguồn sáng tạo tiềm tàng ở trong anh. Ở tác phẩm "Mạch nguồn", cái giếng truông nhỏ của làng đã trở thành huyền thoại về sự thủy chung của đôi lứa, là mạch nguồn không bao giờ cạn và anh muốn nhắc nhở mọi người hãy giữ lấy mạch nguồn, giữ lấy tình làng, nghĩa xóm. Điều đó cũng được anh nhắc lại ở tác phẩm "Chợ lá dong" (giải ba cuộc thi ảnh chủ đề "Nếp xưa"- Báo Mực Tím –1-1997). Hình ảnh hai hàng lá dong bày bán san sát nhau, đan xen với những bàn chân của chủ hàng ngồi đối diện ở một góc chợ quê mới gần gũi, thân thương xiết bao.

Đối với tuổi thơ anh cũng dành riêng phần ưu ái. Tác phẩm "Cùng chơi" (giải nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định quí II-2002) rất bắt mắt. Các em chơi trò kéo co, khi mặt trời chuyển đến thời điểm hoàng hôn, tương phản dưới ánh sáng, hình ảnh các em nổi bật lên ở các tư thế rất nghộ nghĩnh; đặc biệt dãy bông lau cận cảnh xôn xao, lấp lánh ánh bạc góp phần làm cho tác phẩm thêm sinh động. Trong hàng loạt bức ảnh khai thác nghề sông nước, nổi bật lên tác phẩm "Đi lên từ nghề cá" (giải ba cuộc thi ảnh "Thời sự- nghệ thuật Bình Định" lần thứ IV/2000). Thông qua kính chiếu hậu của chiếc xe máy làm tiền cảnh, anh cho chúng ta thấy ngôi nhà cao tầng khang trang nhờ nghề đi biển mà ăn nên làm ra. Đây là một cách nhìn có tính khái quát cao. Tác phẩm "Chuẩn bị cho mùa biển mới" (giải khuyến khích Liên hoan ảnh nghệ thuật Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VIII/2003 tại Đắc Lắc) như một điều hứa hẹn ở phía trước, làm động lực thúc đẩy anh hăm hở lên đường đi săn ảnh nghệ thuật. Mới đây, anh cũng đã đạt giải nhì tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định lần thứ 3-2003.

Với Nguyễn Ngọc Tuấn, hành trình đi tìm cái đẹp còn ở phía trước, anh đang đi và tiếp tục khám phá. Chúng ta ghi nhận ở anh một tấm lòng vì nghề, khát vọng nghệ thuật và nặng lòng với quê hương Hoài Nhơn. Ở nơi đó, mỗi ngày đi trên con đường làng anh thầm chịu ơn bóng mát dừa xanh, cảm nhận hương vị mặn mòi của biển đã nuôi dưỡng tâm hồn anh có được cảm xúc chân thành để làm nên những tác phẩm nhiếp ảnh khá ấn tượng.

. Nguyễn Chơn Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định sẽ gặp Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku trong trận khai mạc?   (26/08/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm   (25/08/2003)
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)
Bình Định bội thu tại giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 2003   (20/08/2003)
Tôi sẽ hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nền bóng đá VN   (20/08/2003)
Tôi sẽ cố gắng hội tụ các yếu tố để góp phần giúp bóng đá nước nhà phát triển   (17/08/2003)
Châu Quốc Cường: Sáng cùng Sao Mai   (15/08/2003)
Không nên "xây nhà từ nóc"  (14/08/2003)
Những "trái ngọt" đầu mùa của thể thao Bình Định   (13/08/2003)
Ngóng phương trời gởi lại gánh non sông   (12/08/2003)
Thần Siva mang phong cách tháp Mẫm   (11/08/2003)
Sân khấu truyền thống và người chiến sĩ   (10/08/2003)
Địa chí Bình Định: Còn rất nhiều điều phải bổ sung   (08/08/2003)
Đi tìm ký ức bản làng   (07/08/2003)
Võ Bình Định trong hành trình tìm lại chính mình   (06/08/2003)