|
Làng Sen, quê Bác Hồ (ảnh: TG) |
Năm 1990, theo quyết định của UNESCO, thế giới đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của thời đại. Với góc độ "Nhà văn hóa lớn", Bác Hồ được cả thế giới kính phục và ngưỡng mộ.
Ở Việt Nam, Bác được xem như vị cha chung của dân tộc, Người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương
(Ca dao)
Cũng như trong lĩnh vực văn học, từ những năm đầu cách mạng, đã có nhiều bài hát viết về Bác, ngợi ca bao công đức mà Người đã dành cho dân tộc Việt Nam. Ở bài hát "Đôi dép Bác Hồ", nhạc sĩ Văn An viết:
Đôi dép cao su
Đôi dép Bác Hồ
Bác đi từ thuở chiến khu Bác về…
Chỉ với hình tượng đôi dép cao su, tác giả đã khắc họa được tính cách bình dị của Bác Hồ. Từ những ngày đầu cách mạng ở chiến khu cho đến khi đã là lãnh tụ đứng đầu cả một nước, Bác vẫn đơn sơ trong bộ áo ka-ki và đặc biệt là đôi dép cao su. Từ phố phường đến đồng nội, từ nhà máy đến đồng quê đều in dấu chân của Bác. Nỗi lo của Bác bao trùm lên cả nước, quán xuyến đến mọi công việc từ nông thôn đến thành thị. Bác lo cho chiến sĩ thiếu chăn thiếu áo, lo đồng bào miền Nam đói cơm thiếu gạo, lo cho vận mệnh của Tổ Quốc còn lắm gian nan.
Cùng một ý tưởng với bài hát "Đôi dép Bác Hồ", nhà thơ Thu Bồn có bài "Gởi lòng con đến cùng cha" cùng những câu thơ mang nặng nghĩa tình với Bác:
Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm
Cho quê hương thắm đượm trăm ân tình
Bác là Bác Hồ chí Minh....
Bài thơ đã được các nghệ sĩ dân ca bài chòi Bình Định chuyển thể dân ca và hát thật xúc động trong những ngày lễ nhớ Bác.
Cả cuộc đời của Bác dành cho nước cho dân, Bác nguyện hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc và có một ước mơ to lớn là làm sao cho ai ai cũng được áo ấm cơm no, mọi người ai cũng có quyền hưởng tự do hạnh phúc. Sinh thời, Bác mong chóng đến ngày cả nước thống nhất để vào thăm đồng bào miền Nam. Thế nhưng khi ngày vui đó đến thì Bác đã đi xa. Hàng triệu trái tim Việt Nam và cả thế giới ngậm ngùi nhớ Bác. Viết về Bác trong thời kỳ này có nhiều ca khúc nổi tiếng như "Vầng trăng Ba Đình" của Thuận Yến, "Vào lăng viếng Bác" của Hoàng Hiệp, "Bác Hồ - một tình yêu bao la" của Thuận Yến, "Những bông hoa trong vườn Bác" của Văn Dung… Đặc biệt có nhiều ca khúc viết về Bác được sáng tác sau ngày thống nhất đất nước, như các bài: "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" của Cao Việt Bách phổ thơ Đăng Trung, hoặc bài " Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" của Phạm Tuyên:
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công
Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!
Nội dung bài hát chỉ gói gọn trong 5 câu, nhưng âm hưởng của nó thì không gì chứa đựng hết, bởi trong ấy là niềm vui, niềm tự hào của của triệu triệu trái tim Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, hàng triệu đồng bào miền Nam ra thăm Bác và không khỏi xúc động trước lăng Người. Viết về tâm trạng nầy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã sáng tác bài hát "Vào lăng viếng Bác" và lập tức trở thành quen thuộc với nhân dân cả nước:
Con ở miền Nam
Ra thăm lăng Bác
Đã thấy mênh mông
Hàng tre xanh ngát
… ngày ngày mặt trời
Đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời
Trong lăng rất tỏ..
Mặt trời ấy là Bác Hồ Chí Minh! Bác mãi mãi là niềm tin yêu, là sức mạnh cho toàn dân tộc. Có thể ví tấm gương cao quí của Bác cùng với sự nghiệp mà Người để lại là nguồn năng lượng vô tận cho lớp lớp con cháu. Hình ảnh của Bác không chỉ là niềm kính trọng và tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là sự ngưỡng mộ và mến phục của toàn thế giới.
. Mai Thìn
|