Những ấn tượng tại Lễ hội VHTT miền núi lần thứ 7
16:17', 3/9/ 2003 (GMT+7)

Lễ hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 7 vừa diễn ra tại huyện Vân Canh. Nhiều hoạt động thể thao sôi nổi như bắn ná, phóng lao, chạy, kéo co… và các hoạt động văn hóa văn nghệ như dựng làng đẹp, giao lưu ẩm thực, nấu cơm dệt vải, thi trang phục, thi văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng… lôi cuốn và hấp dẫn người xem. Trong đó có một hoạt động, tuy thầm lặng nhưng gây ấn tượng cho nhiều người dự hội đó là việc tổ chức triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật sinh hoạt đời thường của các dân tộc.

Triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật ở đơn vị huyện Hoài Ân là điểm thu hút số lượng người xem nhiều nhất. Ở đó bộ ảnh thời sự với chủ đề "Ba xã vùng đồng bào thiểu số Hoài Ân xây dựng đời sống văn hóa" được Trung tâm văn hóa Hoài Ân xây dựng công phu, hình ảnh chọn lọc đẹp, nội dung phản ảnh tiêu biểu và được sắp xếp có tiêu đề cụ thể, thể hiện tính tuyên truyền cao. Đặc biệt phòng trưng bày các hiện vật đời thường của dân tộc Ba na rất lạ với hàng chục loại gùi có tên gọi khác nhau, ná, tên, dao, mác, dụng cụ đi rừng, đi rẫy… được viết tên theo tiếng Ba na và dịch nghĩa tiếng Việt rõ ràng dễ hiểu. Trong đó ấn tượng nhất là mô hình nhà rông, nhà sàn, cột cây nêu được các nghệ nhân làm ra rất đẹp bởi các họa tiết, trau chuốt từ nan tre và mây cột… Anh Đinh Văn Mua, cán bộ văn hóa thông tin xã Đakmang – người thuyết minh tại nơi triển lãm cho biết: "Mô hình nhà rông, nhà sàn Bana này được các nghệ nhân ở làng O6 xã Đakmang làm ra. Tuy phải làm rất tỉ mỉ, công phu nhưng các nghệ nhân rất thích vì đây là dịp để giữ nghề, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chứ hiện nay nhân dân trong làng làm nhà trệt bằng xi măng, gạch ngói, nếu làm nhà sàn thì phỏng theo vóc dáng chứ các họa tiết, nút cột, khắc chạm nguyên bản xưa đã bỏ đi nhiều".

Ngoài ra, còn có các hiện vật làm thích thú người xem như 7 thanh gỗ to nhỏ được treo bằng sợi mây trên giá đỡ được gọi là cây đàn Pơlơng khơng; một trái bầu gắn trên ống nứa với những sợi dây – gọi là đàn PơRen; một chiếc cối, chày được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ chỉ dùng để sử dụng trong các dịp hội cốm lúa mới, khi thử nhịp chày, nghe âm thanh rất lạ tai; một bộ trang phục nam và nữ Bana truyền thống lung linh sắc màu, với các họa tiết, hoa văn nhiều loại trên tấm vải sợi đang thô ráp. Em Đinh Hơ Liên, dân tộc Chăm ở Vân Canh, cho biết: "Xem qua phần triển lãm ảnh và trình bày hiện vật của các dân tộc Hrê An Lão, Bana Vĩnh Thạnh, Chăm Vân Canh thì tôi thấy triển lãm của Bana Hoài Ân có cách trưng bày đẹp, hiện vật lạ, tranh ảnh đẹp. Nhất là mô hình nhà rông, nhà sàn và cây nêu rất lạ mắt… giá như có một nhà sàn Hrê, nhà sàn Chăm như thế này để mà so sánh và cảm nhận thì hay biết mấy".

Thiết nghĩ, Lễ hội VHTT các dân tộc thiểu số toàn tỉnh là sân chơi, nơi hội tụ các hạt nhân văn hóa văn nghệ , thể dục thể thao đến thi tài, nơi để đồng bào các dân tộc giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nơi tổ chức tuyên truyền giới thiệu về dân tộc mình với các dân tộc anh em; qua đó gìn giữ phát huy, kế thừa, chọn lọc và sáng tạo ra các yếu tố mới để phục vụ đời sống văn hóa của các dân tộc.

Dưới góc độ người đi xem hội tôi có mấy đề xuất:

Việc xây dựng trại dưới dạng cách điệu, mô phỏng nhưng chắc chắn làm nơi sinh hoạt ăn, ở của VĐV, diễn viên là cần thiết. Song không cần thiết làm như thật vì quá tốn kém, vận chuyển khó khăn. Việc làm nhà rông, nhà sàn theo mô hình làng nên làm dưới hình thức triển lãm vì đó là điều kiện để các nghệ nhân ở các dân tộc thể hiện sự khéo léo, cái tinh tế rất riêng theo nguyên bản nhà truyền thống của dân tộc đó – hơn nữa người xem rất thích thú.

Triển lãm ảnh thời sự nên chú ý dưới dạng là một hình thức tuyên truyền cho nên phải có số liệu nội dung việc làm cụ thể thì mới có sự lôi cuốn người dân đến hội.

. Hà Chí Tân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghe lại những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/09/2003)
Tôi như nhận ra trong mỗi bài hát cái hồn của dân tộc…   (01/09/2003)
Bình Định thâu tóm hầu hết các danh hiệu phụ   (29/08/2003)
Mặn mòi hương biển   (28/08/2003)
Bình Định sẽ gặp Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku trong trận khai mạc?   (26/08/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm   (25/08/2003)
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)
Bình Định bội thu tại giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 2003   (20/08/2003)
Tôi sẽ hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nền bóng đá VN   (20/08/2003)
Tôi sẽ cố gắng hội tụ các yếu tố để góp phần giúp bóng đá nước nhà phát triển   (17/08/2003)
Châu Quốc Cường: Sáng cùng Sao Mai   (15/08/2003)
Không nên "xây nhà từ nóc"  (14/08/2003)
Những "trái ngọt" đầu mùa của thể thao Bình Định   (13/08/2003)
Ngóng phương trời gởi lại gánh non sông   (12/08/2003)
Thần Siva mang phong cách tháp Mẫm   (11/08/2003)