Những chiếc tượng đài ở Bình Định vốn được xây dựng trong một thời gian ngắn nên chất lượng nghệ thuật bị hạn chế; nhỏ và thấp so với không gian xung quanh.
* Tượng đài: thấp, nhỏ về quy mô
|
Tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn (ảnh: VT) |
Tượng đài Chiến Thắng được xây dựng nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Quy Nhơn. Tượng đài đặt bên bờ biển xanh, ở điểm khởi đầu của con đường 31-3. Tượng đài cao 14m, phần đế tượng chiếm 9m, khối hình hộp cách mặt đất 1,2m với mảng phù điêu bao bọc, ghi lại những hình ảnh sống động về những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Phần tượng có 5 nhân vật, đó là anh giải phóng quân với cháu thiếu nhi đang giương cao ngọn cờ như gửi gắm một niềm tin vào tương lai, hướng đến khát vọng hòa bình, hạnh phúc; cô du kích và anh bộ đội đang hướng nòng súng vào quân thù. Nhìn ra biển xanh là hình tượng một anh bộ đội cầm súng, đứng gác cho sự bình yên của đất nước.
Tuy nhiên, trong thời điểm xây dựng tượng đài, không gian xung quanh còn bị nhiều cây xanh bao bọc, đường Xuân Diệu chưa xây dựng nên tượng chỉ có dáng dấp một tượng vườn. Đến nay, tượng lọt thỏm giữa không gian của quảng trường khá rộng lớn, trước mặt là bờ biển xanh mênh mông. Quy mô tượng không còn phù hợp, không tạo được ấn tượng với người xem.
Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu là một trong những chiến công hào hùng của quân và dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Bởi vậy, tượng đài Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu được xây dựng tại Phù Mỹ có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất to lớn. Phù điêu có hình ảnh xe tăng địch bị ta chặn đánh, và cảnh quân ta đang vùng lên tiêu diệt địch một cách mạnh mẽ, gây ấn tượng về một khí thế chiến thắng. Trên đỉnh tượng đài, ở độ cao 20m là hai anh bộ đội giơ súng lên trời xanh và cùng đưa tay ra như muốn vẫy chào. Tuy nhiên, do tọa lạc giữa đồi cao, trong diện tích khá rộng, lại nằm bên Quốc lộ 1A, không gian tuy rộng, nhưng quy mô tượng lại nhỏ, nên đã hạn chế giá trị của tượng đài. Khả năng tiếp cận cận cảnh của người xem trên đường bị hạn chế.
Tượng Ngô Mây được đặt tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát. Tượng tái hiện hình ảnh Anh hùng Ngô Mây đánh Pháp, ôm bom diệt trung đội địch vào ngày 11 tháng 12 năm 1947. Tượng đặt trong khuôn viên một công viên nhỏ, nằm gần Quốc lộ 1A. Nền tam cấp cao khoảng 1,3 m, bục tượng cao 5,9 m; trong khi tượng chỉ cao hơn 3m. Hai chân tượng chùng xuống, tư thế lao về phía trước, lực dồn cả về hai tay ôm quả bom, mắt hướng thẳng; mình trần, chân đất, vạm vỡ. Tất cả toát lên khí thế mạnh mẽ, tuy nhiên, khí thế đó chỉ có thể cảm nhận được khi chúng ta tiến đến gần do quy mô tượng khá nhỏ và thấp.
Vào những năm 70, tượng Quang Trung của tác giả Nguyễn Nam Để được xây dựng, hiện đặt trước Bảo tàng Quang Trung. Không ngoài hạn chế của các tượng đài trên là nhỏ, thấp so với không gian xung quanh, dáng vẻ của tượng lại chưa toát lên được thần thái của một người anh hùng áo vải với những chiến thắng chấn động địa cầu. UBND tỉnh đã ra quyết định cho thể hiện mới tượng này từ nhiều năm nay; tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, mà đến nay công việc thiết kế vẫn còn dang dở.
Như vậy, có thể thấy: nhiều tác phẩm nghệ thuật khi còn ở dạng phác thảo có thể đạt, nhưng khi ra thực tế lại gặp rất nhiều vấn đề. Cân nhắc kỹ từng phương án trước khi xây dựng là vấn đề cần thiết.
Một hạn chế khác, đáng chú ý với những tượng đài nêu trên, là do được xây dựng theo kiểu phong trào, sáng tác với một khoảng thời gian ngắn nên chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm này chưa thật sự độc đáo. Dáng vẻ các công trình vẫn mang những đường nét quen thuộc, cố hữu. Phần sáng tạo, ghi dấu ấn riêng của các tác giả chưa nhiều, nên giá trị thẩm mỹ bị hạn chế. Đây cũng là một phần làm cho tác phẩm không đứng được theo thời gian.
* Cần có quy hoạch
Yêu nước, nhân nghĩa, cần cù trong lao động… là những giá trị hằng xuyên của văn hóa Việt Nam. Tượng và tượng đài sẽ cô đọng hóa các giá trị đó bằng hình hài vật chất, và thông qua việc tiếp cận thường xuyên với thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc; cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo…
Tượng và tượng đài do vậy, không chỉ là công trình nghệ thuật quy mô, mà còn là biểu trưng của một địa phương, dân tộc. Do vậy, tất yếu tượng và tượng đài phải mang bản sắc dân tộc, tuy nhiên, cũng phải có tính nghệ thuật hiện đại để tương ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có như vậy, một tượng đài xây dựng ở thế kỷ XXI mới có thể hy vọng có những đóng góp vào nền nghệ thuật dân tộc so với những tượng đài dựng từ các thế kỷ trước đó.
Dù không có truyền thống làm tượng ngoài trời và tượng đài; dù các nhà điêu khắc của ta chưa có mấy người chuyên hẳn về sáng tác loại tác phẩm này, nhưng đã đến lúc, việc xây dựng tượng đài cần được quan tâm hơn. Những tượng đài đẹp, ở các vị trí thích hợp, sẽ góp phần tạo hồn cho không gian đô thị. Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng tượng đài song song với sự phát triển của không gian đô thị.
Tuy nhiên, việc xây dựng cần được quy hoạch và cân nhắc với từng phương án cụ thể. Không thể để xảy ra tình trạng huyện nào có kinh phí, thích thì xây dựng tượng đài, rồi cuối cùng tượng đài nào cũng nhang nhác tượng đài nào.
. Lê Viết Thọ
|