Nhạc sĩ Châu Đức Khánh - con chim đầu đàn của phong trào văn nghệ quần chúng Bình Định
16:0', 9/9/ 2003 (GMT+7)

Nhạc sĩ Châu Đức Khánh

Trong lần trao giải thưởng VHNT Xuân Diệu - Đào Tấn lần hai (1996-2000), nhạc sĩ Châu Đức Khánh được trao giải B với băng âm thanh "Mùa xuân nho nhỏ". Là hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam nhiều năm, nhưng Châu Đức Khánh phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Hiện anh là chủ cơ sở in MiFa số 64 đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn. Căn hộ tập thề tầng hai không quá 40 m2 với bốn nhân khẩu và một xưởng in hoạt động quá tải vẫn không mai một được chất âm nhạc trong anh. Từ chiếc bàn con với cây đàn và mảnh giấy, bao nhiêu nốt nhạc đã bay lên, say đắm, miệt mài để rồi đọng mãi trong lòng người nghe những giai điệu của quê hương đất nước.

Gần một phần tư thế kỷ qua, những giai điệu ấy đã được vang lên từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nhà và cả nước; các hội thi, hội diễn văn nghệ đến đồng ruộng, xóm làng nơi đã sinh ra anh.

Nhạc sĩ Châu Đức Khánh sinh trưởng từ quê hương Gò Bồi, Tuy Phước. Đây là nơi sinh ra tài thơ Xuân Diệu, và cũng là nơi khởi nguồn của một sự nghiệp vĩ đại - Đào Tấn. Nhờ vun dưỡng tình quê, sông nước của tuổi nhỏ, lại có vốn kiến thức âm nhạc cơ bản từ trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Châu Đức Khánh đã thể hiện khá thành công tình yêu quê hương của mình qua âm nhạc.Và có lẽ sự kiện có tác động lớn đối với cuộc đời sáng tác của Châu Đức Khánh là ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng. Sự rạn vỡ, nỗi hân hoan vui mừng bắt tay vào công việc của những ngày đầu giải phóng được thể hiện ở các bài hát như: Chào Quy Nhơn hòa bình, Bàn tay người thợ xây, Nắng Nghĩa Bình, hoặc Người công nhân trên thành phố buổi sáng.... là nỗi niềm của quê hương, là những thao thức lo toan của cả nước cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Hình ảnh quê hương qua ca khúc Châu Đức Khánh mộc mạc, bình dị nhưng không thiếu sự trăn trở như cả một đời người. Ở bài Phước Quang mảnh đất ân tình, anh viết:

Quê hương tôi ở cuối một dòng sông

Mà ai qua cũng vấn vương trong lòng

Hoặc ở bài Dòng sông thương nhớ, lời ca cứ man mác sâu nặng nghĩa tình:

Dòng sông xanh Gò Bồi

Những con đò như đứng đợi

Ngày chở nặng bao làn nắng

Đêm chở đầy muôn ánh trăng

Từ xa xôi tôi về

Về thăm lại dòng sông

Về thăm lại tháp Bình Lâm

Tôi mang theo tình yêu từ đáy lòng

Bằng tình yêu ấy, nhạc sĩ Châu Đức Khánh đã tham gia tích cực phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà trong suốt gần 30 năm qua và đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Năm 1995, anh vinh dự được Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng. Nhiều ca khúc của anh đã hòa được vào dòng âm nhạc chung của cả nước và giành được nhiều giải thưởng lớn, như giải thưởng âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1997, giải thưởng của Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam năm 1996, giải thưởng VHNT Xuân Diệu Đào Tấn lần thứ nhất (1990-1995) và lần thứ hai (1996-2000).

Với bài hát Tạm biệt Hà Nội, tác phẩm đoạt giải cao nhất trong các ca khúc viết kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô, nhạc sĩ Châu Đức Khánh đã tạo được tiếng vang lớn trong dòng âm nhạc cả nước. Nét độc đáo của bài hát Tạm biệt Hà Nội là trước khi viết bài này, Châu Đức Khánh chưa một lần được đến Hà Nội. Thế nhưng, những cảm xúc, tình cảm của anh dành cho Hà Nội thì lại cháy bỏng và rất thực:

Nay qua giữa phố Hà Nội thân yêu với từng ánh mắt nụ cười

Trong tia nắng sớm nhìn Hồ Gươm in bầu trời trong xanh ngày mới.

Thân yêu sức sống Hà Nội

Tiếng Bác vọng về Thăng Long rộn rã

Tôi nghe biết mấy tự hào trong tim dạt dào thủ đô thiết tha.

Tình yêu Hà Nội trong anh cũng là tình yêu với quê hương đất nước. Mối tình ấy chảy mãi trong anh để rồi tạo nên những ca khúc lắng đọng tình người như những hạt phù sa nên đồng nên bãi từ con sông Gò Bồi của quê hương anh.

Một điều dễ nhận thấy trong ca khúc Châu Đức Khánh là trên khắp mọi nẻo đường của quê hương Bình Định, anh đều dành một tình cảm thật cao quí qua những tên đất, tên làng, tên sông… với giai điệu thật trữ tình sâu đậm. Ngoài con sông Gò Bồi - nơi đã sinh ra anh, còn là những cánh rừng, những luống cày, những cây cầu, dòng sông… tất cả đều lấp lánh trong ca từ của Châu Đức Khánh để cuối cùng mang lại cái hấp dẫn riêng của mỗi bài hát, đó là tình quê hương.

Nhạc sĩ Châu Đức Khánh tự tình với quê hương bằng những nỗi niềm sâu lắng, dạt dào như với một người mẹ, người bạn và như với cả một người yêu. Mối tình ấy ngày càng gắn chặt với sự nghiệp sáng tác của anh, và có lẽ cũng là chất men thôi thúc anh làm nên nhiều tác phẩm hay hơn nữa trên chặng đường tới.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng tượng đài - Hôm qua và hôm nay   (05/09/2003)
Đội bóng Bình Định lặng lẽ chuẩn bị lực lượng   (04/09/2003)
Những ấn tượng tại Lễ hội VHTT miền núi lần thứ 7   (03/09/2003)
Nghe lại những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/09/2003)
Tôi như nhận ra trong mỗi bài hát cái hồn của dân tộc…   (01/09/2003)
Bình Định thâu tóm hầu hết các danh hiệu phụ   (29/08/2003)
Mặn mòi hương biển   (28/08/2003)
Bình Định sẽ gặp Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku trong trận khai mạc?   (26/08/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm   (25/08/2003)
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)
Bình Định bội thu tại giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 2003   (20/08/2003)
Tôi sẽ hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nền bóng đá VN   (20/08/2003)
Tôi sẽ cố gắng hội tụ các yếu tố để góp phần giúp bóng đá nước nhà phát triển   (17/08/2003)
Châu Quốc Cường: Sáng cùng Sao Mai   (15/08/2003)
Không nên "xây nhà từ nóc"  (14/08/2003)