Phong cách Bình Định của nghệ thuật Chăm
16:10', 12/9/ 2003 (GMT+7)

Phù điêu thần Siva

Được đánh giá là viên ngọc "cuối cùng" trong chuỗi ngọc điêu khắc Chăm, phong cách Bình Định (hay Tháp Mẫm, thế kỷ XII-XIV) bao gồm những tác phẩm điêu khắc đẹp, có giá trị nghệ thuật cao…

Phong cách Bình Định của nghệ thuật Chăm có lẽ là phong cách nghệ thuật có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau của các nhà nghiên cứu. Điều này dễ hiểu vì thị hiếu và màu sắc luôn là những điều khó tranh luận. Tuy nhiên có điều không thể phủ nhận là đường nét và hình khối của những tác phẩm ấy đẹp đến ngỡ ngàng.

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hiện sở hữu một bộ sưu tập điêu khắc đá mang phong cách Bình Định với rất nhiều loại hình. Chẳng hạn, các phù điêu: thần Devi, thần Brahman, nữ thần Sarasvati, thần hộ pháp, Apsara, rắn naga, Garuda, tu sĩ; Maraka...; tượng: thần Ganesa, voi, sư tử, bò Nandin…; biểu tượng linga với hàng trăm hiện vật, đủ loại hình dạng, kích cỡ. Bộ sưu tập này được tập hợp từ các huyện trong tỉnh, từ những phát hiện rải rác tại các tháp đổ trên địa bàn, nên khá phong phú và đa dạng. Trong đó, có những hiện vật rất độc đáo. Tuy chưa phải đầy đủ những đề tài của nghệ thuật điêu khắc Chăm lúc bấy giờ nhưng đây là bộ sưu tập thật sự quý giá và phong phú.

Quy tụ những tác phẩm điêu khắc được xem là tiêu biểu nhất của một trong những thời kỳ quan trọng của nghệ thuật Chăm, thời kỳ Vijaya (XI-XV), phòng Bình Định - Tháp Mẫm tại Bảo tàng Điêu khắc Chàm Đà Nẵng ở vào loại phong phú nhất của bảo tàng này. Người ta bắt gặp ở đây, từ những vật trang trí như đài thờ cánh sen đến tượng Phật, rồi những mảng chạm khắc như báo lơn có hình chiến xa, phụ nữ múa (phòng Bình Định, thế kỷ XI-XII); tượng rắn naga, thần Balarama... (phòng Tháp Mẫm, thế kỷ XII-XIV).

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội cũng đang lưu giữ 7 hiện vật điêu khắc thuộc phong cách Bình Định. Đáng lưu ý nhất là tượng thần Siva thể hiện trong điệu múa vũ trụ. Thần đội mũ hình chóp 4 tầng, một tay cầm kiếm, tay kia cầm đinh ba và hai tay chụm giơ khỏi đầu. Đây là một trong những tuyệt tác của phong cách Bình Định. Ngoài ra, bộ sưu tập này còn có tượng sư tử với gần như đủ kiểu sư tử của phong cách Bình Định: đứng, quỳ, chống hai chân sau lên.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện đang sở hữu một số tác phẩm điêu khắc phong cách Bình Định như đôi chim thần Garuda, nhạc công Kinnari, tượng Gajasimba, ngẫu tượng Yoni-Linga… Đặc biệt, đôi chim thần Garuda mang hai dáng vẻ khác nhau, trong hai bố cục khác nhau và đều đang chiến đấu với rắn thần Naga. Đôi chim thần được tạo tác với kích cỡ lớn, hoa văn trang trí công phu, tinh tế.

Bên cạnh đó, tại một số bảo tàng khác, chúng ta cũng có thể tìm thấy những tác phẩm điêu khắc Chăm mang phong cách Bình Định. Số lượng các tác phẩm như vậy là rất phong phú và đa dạng về loại hình, hình thức và nội dung thể hiện.

Qua những tác phẩm này cho thấy, điêu khắc phong cách Bình Định tập trung vào hai mảng lớn là tượng người và động vật. Có sự thống nhất cao trong biểu hiện ở cả hai mảng. Nếu tượng người thống nhất từ y phục, trang sức và hình thù cơ thể, thì tượng động vật lại tập trung nhiều vào chi tiết trang trí. Cả hai ít đi sâu vào chi tiết hình thể mà có xu hướng cách điệu. Do đó, nó hợp thành một phong cách nghệ thuật riêng, liền mạch với những thời kỳ trước nhưng lại có nét độc đáo. Chẳng hạn, cũng là hình tượng Siva nhưng ở các phong cách trước đó, thần đang trong điệu múa vũ trụ Tân-đa-va, vai khuỳnh, những cánh tay tung quanh thân, một chân trụ còn chân kia nhón gót theo nhịp uốn của thân như một trận cuồng phong; thì đến thời kỳ này thần xếp bằng, mắt lim dim hướng vào nội tâm, bình thản như một nét lặng sau những cuồng say - hai khía cạnh của tiết tấu biển cả. Người thưởng ngoạn có cảm giác không chỉ đứng trước một con người vật chất mà còn thấu triệt vào một con người của tâm linh. Cũng vậy, tượng tu sĩ được thể hiện có khuôn mặt hình bầu dục, trán rộng và cao, mũi thẳng hơi lớn, những vòng lông mày cong nổi lên, đôi mắt lớn, miệng rộng, môi dưới giô ra, nở một nụ cười mỉm, thân mình được đơn giản từng bước. Tượng động vật của thời này là sự trở lại của một nghệ thuật hình thành từ phong cách Trà Kiệu sớm (cuối thế kỷ thứ VII). Nhưng nếu ở thời kỳ đầu là những con voi xinh xắn, bò hiền hậu, những con sư tử ngộ nghĩnh, khỏe khoắn trong bút pháp tự nhiên và linh động; thì đến Bình Định những con vật đạt đến kích thước lớn, đi vào chi tiết trang trí và cách điệu để mang tính huyền thoại nhiều hơn là thực tế. Tính kỳ ảo này hơi lạ so với sự trang nhã của phong cách Trà Kiệu.

Điêu khắc phong cách Bình Định như vậy mang vẻ đẹp độc đáo rất riêng biệt và lý thú. Đáng tiếc là sự phong phú, độc đáo đó chưa được giới thiệu và nghiên cứu một cách thật sự đầy đủ, toàn diện. Nên chăng, đã đến lúc, chúng ta nghĩ đến việc hình thành phòng trưng bày có tính chuyên đề về phong cách Bình Định của nền điêu khắc Chăm ngay tại Bình Định và đây cũng sẽ là địa chỉ có sức hút với du khách trong tương lai.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhạc sĩ Châu Đức Khánh - con chim đầu đàn của phong trào văn nghệ quần chúng Bình Định   (09/09/2003)
Xây dựng tượng đài - Hôm qua và hôm nay   (05/09/2003)
Đội bóng Bình Định lặng lẽ chuẩn bị lực lượng   (04/09/2003)
Những ấn tượng tại Lễ hội VHTT miền núi lần thứ 7   (03/09/2003)
Nghe lại những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/09/2003)
Tôi như nhận ra trong mỗi bài hát cái hồn của dân tộc…   (01/09/2003)
Bình Định thâu tóm hầu hết các danh hiệu phụ   (29/08/2003)
Mặn mòi hương biển   (28/08/2003)
Bình Định sẽ gặp Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku trong trận khai mạc?   (26/08/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm   (25/08/2003)
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)
Bình Định bội thu tại giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 2003   (20/08/2003)
Tôi sẽ hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của nền bóng đá VN   (20/08/2003)
Tôi sẽ cố gắng hội tụ các yếu tố để góp phần giúp bóng đá nước nhà phát triển   (17/08/2003)
Châu Quốc Cường: Sáng cùng Sao Mai   (15/08/2003)