Nơi ươm mầm nghệ thuật
21:25', 17/9/ 2003 (GMT+7)

Các học viên của trường VHNT Bình Định trong một buổi tập

Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tọa lạc dưới chân đồi Ghềnh Ráng - TP. Quy Nhơn. Ngôi trường này là vườn ươm nghệ thuật, nơi đào tạo những hạt giống cho ngành văn hóa thông tin tỉnh nhà…

* Ươm mầm nghệ thuật

Trường Trung học VHNT Bình Định bắt đầu đào tạo các lớp trung cấp từ năm 1978 và chính thức được công nhận là trường trung học vào năm 1982. Trường được phép đào tạo 14 ngành học. Từ khi thành lập đến nay, trường đào tạo được 937 học sinh hệ chính quy và 205 học sinh hệ tại chức, trong đó, có khoảng gần 700 học sinh các ngành văn hóa thông tin và bồi dưỡng (sơ cấp) cho 2.410 cán bộ văn hóa cơ sở, là những hạt nhân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đặc biệt, với nghệ thuật truyền thống, Trường đã đào tạo 4 khóa tuồng, dân ca và hiện đang đào tạo khóa V với gần 30 học viên. Năm 2002, tham gia Liên hoan Sân khấu âm nhạc truyền thống các trường VHNT do Bộ VHTT tổ chức tại thành phố Huế, Trường đã đoạt 1 giải tài năng trẻ, 2 giải nhất và 1 bằng khen toàn đoàn. Hầu hết đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cấp huyện; trên 90% diễn viên, nhạc công giữ vai trò nòng cốt của Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định là học sinh do trường đào tạo. Trong đó, không ít người đã đạt nhiều huy chương các loại tại các hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT...

Gần mười năm trở lại đây, trường mở thêm hai chuyên ngành: sư phạm âm nhạc và sư phạm nhạc họa, đào tạo trên 400 giáo viên dạy nhạc, họa bổ sung lực lượng giáo viên cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Bên cạnh đó, từ năm 1993, trường bắt đầu liên kết với Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Nghệ thuật Huế mở các lớp đại học (tại chức) với chuyên ngành mỹ thuật, sáng tác âm nhạc, thông tin thư viện, văn hóa quần chúng, bảo tồn bảo tàng, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt ở Trung tâm VHTT các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Với biên chế hiện nay chỉ 18 người, nhưng trường đã có sự cộng tác của nhiều giáo viên là nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Tất cả các giáo viên của trường đều có trình độ đại học, hiện có 2 giáo viên đang học cao học. 40% giáo viên của trường đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, thầy Nguyễn Văn Cần, giáo viên môn hội họa của trường đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi các trường THCN toàn quốc.

Không chỉ nỗ lực với các hoạt động chuyên môn, trường còn tích cực tham gia các hội diễn và học sinh của trường, dù chưa tốt nghiệp nhưng cũng đã trở thành hạt nhân cho phong trào ca hát, các hội thi, hội diễn văn nghệ của tỉnh và qua đó, dần dần tích lũy kinh nghiệm, vững bước trên đường nghệ thuật.

* Nhìn về tương lai

Trường Trung học VHNT tỉnh đã có những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Ông Nguyễn Hồng Tĩnh, Phó hiệu trưởng cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu thực tế và qua khảo sát của trường tại cơ sở cho thấy, đội ngũ cán bộ làm văn hóa thông tin ở xã, phường còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa – thông tin cho các huyện miền núi; rồi đội ngũ làm thư viện ở các trung tâm văn hóa - thông tin huyện, thành phố. Khu vực miền núi, hải đảo được chúng tôi đặc biệt chú trọng trong định hướng đào tạo. Do vậy, trường xác định: sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm đào tạo cán bộ văn hóa - thông tin cho khu vực miền núi, dân tộc, mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành nghề theo yêu cầu của sự nghiệp giáo dục".

Cụ thể, trong năm học 2004 - 2005, trường sẽ đào tạo hai lớp nhạc họa cho ngành văn hóa - thông tin với thời gian 3 năm rưỡi cho đối tượng là con em đồng bào dân tộc; một lớp trung cấp văn hóa quần chúng cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa xã, phường và một lớp trung cấp thư viện cho cán bộ thư viện các trường, các trung tâm văn hóa huyện, thành phố.

Ngoài ra, trường đang phấn đấu đến năm 2005 có 30 cán bộ, giáo viên, trong đó 5 có trình độ cao học, chuẩn bị nâng thành trường cao đẳng khi có quyết định của Bộ và UBND tỉnh.

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quý Nhất, Bích Sơn - Hai gương mặt dân ca không chuyên xuất sắc   (16/09/2003)
Phong trào văn hóa - thể thao ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ 2003   (14/09/2003)
Phong cách Bình Định của nghệ thuật Chăm   (12/09/2003)
Nhạc sĩ Châu Đức Khánh - con chim đầu đàn của phong trào văn nghệ quần chúng Bình Định   (09/09/2003)
Xây dựng tượng đài - Hôm qua và hôm nay   (05/09/2003)
Đội bóng Bình Định lặng lẽ chuẩn bị lực lượng   (04/09/2003)
Những ấn tượng tại Lễ hội VHTT miền núi lần thứ 7   (03/09/2003)
Nghe lại những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/09/2003)
Tôi như nhận ra trong mỗi bài hát cái hồn của dân tộc…   (01/09/2003)
Bình Định thâu tóm hầu hết các danh hiệu phụ   (29/08/2003)
Mặn mòi hương biển   (28/08/2003)
Bình Định sẽ gặp Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku trong trận khai mạc?   (26/08/2003)
Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ một triển lãm   (25/08/2003)
Bảo tồn âm nhạc tuồng - một việc làm đầy ý nghĩa  (22/08/2003)