|
Nấu bánh tét chiều 30 Tết (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Bình Định là một vùng đất có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời, thường được mệnh danh là chiếc nôi của võ thuật, Hát bội và Dân ca bài chòi. Các hoạt động văn hóa này luôn diễn ra rất phong phú, sôi nổi và hấp dẫn, được nhân dân yêu thích; được lưu truyền, kế thừa từ đời này sang đời khác, như là một món ăn tinh thần quý báu.
Trong dịp lễ, Tết, các hoạt động văn hóa như võ đài, hát bội, bài chòi và một số loại hình văn hóa khác thường được tổ chức quy mô ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tô điểm cho mùa xuân thêm nhiều màu sắc. Cho đến hiện nay, các sinh hoạt văn hóa truyền thống vẫn còn tiếp diễn nhưng cách thức tổ chức có phần thay đổi nhiều hơn. Xin giới thiệu vài loại hình sinh hoạt văn hóa ngày Tết trên đất Bình Định.
* Hát bội mùa xuân
Bình Định là một trong những chiếc nôi hát bội của cả nước. Trước đây, khi chưa có các loại hình nghệ thuật: cải lương, kịch nói, điện ảnh… thì hát bội chiếm lĩnh sân khấu miền Trung. Ngoài các đội hát bội cung đình hoặc do vua, quan tổ chức thì không có các đoàn hát bội ổn định như bây giờ. Một người am hiểu chút ít về hát bội, có lòng say mê nghệ thuật, có điều kiện sắm sửa phương tiện biểu diễn là có thể đứng ra làm bầu gánh, tụ tập nghệ sĩ lập gánh hát, đi biểu diễn từ tháng giêng cho đến đầu mùa mưa thì nghỉ hát để lo việc đồng áng, chờ mùa hát năm sau. Trước khi chia tay ai về nhà nấy, gánh hát tổ chức một buổi diễn gọi là "hát bỏ đồ" nhằm tế cáo thần thánh bỏ qua cho các nghệ sĩ đã "mạo phạm" đóng vai vua, quan, thánh thần, ma quỷ…
Sáng mùng một Tết, các diễn viên hát bội tập trung về làng, xã đã "ký tờ" (hợp đồng biểu diễn) lo dựng rạp, chuẩn bị đồ đoàn, phân vai, sắm tuồng để qua sáng mùng hai Tết là mở màn biểu diễn, bắt đầu cho một mùa diễn mới, gọi là "hát mở màn". Hoạt động hát bội đầu xuân rất hấp dẫn và sinh động. Sân khấu biểu diễn thường được dựng nơi sân đình, chùa, miếu hoặc khoảng đất trống giữa làng. Đến giờ biểu diễn, người xem đông nghịt, già trẻ lớn bé đều nô nức. Tiếng trống chầu nổi lên thùng thùng đầy lôi cuốn, giục giã.
Ngoài việc thưởng thức nghệ thuật, người Bình Định trước đây còn có phong tục xem bói tuồng đầu năm. Gánh hát diễn suốt đêm ngày, khán giả vào xem lúc nào cũng được (làng đã "bao giàn" dĩ nhiên là không có chuyện mua vé). Vừa vào xem, gặp cảnh chiến thắng quân giặc hoặc cảnh vui vẻ, đoàn viên, sum họp thì là điềm lành, và ngược lại. Cốt lõi của lệ xem bói tuồng chính là tinh thần mong muốn điều lành, điều tốt; ghét cái ác, mong điều thiện của nhân dân ta. Chính vì phong tục xem bói tuồng nên trong dịp "hát mở màn" đầu năm, các gánh hát đều chọn những vở tuồng mang tính nhân đạo cao, có đủ trung hiếu, tiết nghĩa, đoàn viên, hội ngộ, có thủy chung… Gánh hát diễn vài ba ngày đêm liên tục. Đào kép thay nhau diễn hầu như không có thời gian nghỉ ngơi lâu. Khán giả cũng say mê xem suốt ngày, suốt đêm. Có những làng xã nhân dịp được mùa, mời gánh hát diễn suốt cả tháng giêng.
* Hội bài chòi
Song song với hoạt động Hát bội là hội bài chòi. Ngày xưa bài chòi rất thịnh hành. Mỗi dịp Tết đến hầu như làng xã nào cũng mở hội bài chòi. Cuối tháng Chạp, các chòi đã được dựng lên ở sân đình, chùa hay bãi chợ làng để sáng mùng một Tết là bắt đầu khai hội mừng xuân. Chòi làm bằng tre, lợp tranh, đủ chỗ cho vài ba người ngồi. Tất cả gồm 9 chòi (có nơi 11 chòi), 8 chòi quân và 1 chòi trung tâm. Mỗi chòi quân đều có một mõ tre, chòi trung tâm có trống chầu. Khi chơi, tất cả 9 chòi đều nộp một số tiền nhất định và chơi trong 8 ván, mỗi ván thắng được nhận số tiền bằng khoảng đã đóng đầu tiên, phần tiền còn lại dành chi phí cho việc tổ chức.
Tại chòi trung tâm có ống đựng thẻ (bài cái), mỗi chòi quân đều được phát ra 3 quân bài. Trống hội bài chòi vừa dứt, người chơi đã ngồi trong các chòi. Anh "hiệu" (người hô) ở chòi trung tâm xóc ống thẻ rồi rút ra từng quân bài, hô lên. Người nào có quân bài đó, đánh lên một tiếng mõ báo hiệu và được nhận một lá cờ. Khi chòi nào ăn đủ 3 cờ thì hô "tới". Lại tiếp tục ván khác cho đến hết 8 ván thì bắt đầu hội khác.
Bộ bài chòi gồm 30 quân, chia làm 3 pho: pho Văn, pho Vạn và pho Sách. Mỗi quân có các tên gọi rất dân dã: nhứt nọc, nhì nghèo, tam quăn, tứ móc…; nhất trò, nhì bì, ba gà, tứ xách, bạch huệ, tráng hai, ba bụng, tứ tượng… Hình vẽ các quân bài đơn giản nhưng giàu tính cách điệu. Hội bài chòi đầu xuân rất hấp dẫn. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô bài chòi vang vang, có vần, có điệu, càng lôi kéo mọi người tham gia cuộc chơi. Anh "hiệu" giữ vai trò quan trọng trong hội bài chòi, phải là người có giọng tốt, thuộc nhiều bài thơ truyền khẩu dân gian và có tài ứng tác để lời hô lúc nào cũng bất ngờ, dí dỏm mà lại đúng với thể lệ cuộc chơi. Chẳng hạn khi xóc ra con "Nhất vạn" (học trò), anh hiệu hô:
Đi đâu ôm trắp đi hoài
Cử nhân không thấy, tú tài cũng không
Quớ là con học trò!
Bài chòi là một thú giải trí đầy hấp dẫn trong ngày Tết, có khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng. Không ai xem đây là trò cờ bạc vì ăn thua chẳng bao nhiêu, ngược lại bài chòi mang không khí hội hè rất sinh động. Ngày nay, thỉnh thoảng vẫn còn có làng xã mở hội bài chòi mừng xuân nhưng không cất chòi mà chơi trong phòng, ngồi trên ghế nên mất đi tính hấp dẫn. Chính từ trò chơi bài chòi đã bắt nguồn cho bộ môn ca kịch bài chòi ngày nay.
BÙI LỢI |