Rộn ràng 4 sắc màu nghệ thuật
23:40', 25/1/ 2004 (GMT+7)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh trống khai hội (ảnh: Công Tâm)

Tối 25-1 (tức mùng 4 tết), tại khu vực phía trước Bảo tàng Quang Trung, diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc. Sắc màu nghệ thuật của 4 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến từ 4 miền đất gắn với sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung cùng tụ hội trong Đêm hội hoa đăng mừng Đảng, mừng xuân.

Mở đầu chương trình, sau lời chào mừng của ông Trương Thiên Thành, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn; ông Phạm Bá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh trống khai hội. Những hồi trống vang lên rộn rã, như thúc giục lòng người trước một mùa xuân mới đã về trên quê hương.

Đây là phần một của chương trình Đêm hội hoa đăng được tổ chức trong buổi tối mùng 4 Tết Giáp thân này. Khác với những chương trình văn nghệ khác, đây là chương trình khá đặc biệt. 4 đơn vị nghệ thuật tham gia chương trình đến từ những vùng đất gắn liền với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nếu Bình Định với đại diện là Nhà hát Tuồng Đào Tấn, là nơi phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn, nơi hun đúc nên tinh hoa những người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, thì Gia Lai với Đoàn Nghệ thuật Đam San là miền Tây Sơn thượng đạo. Huế với Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế là nơi Nguyễn Huệ lên ngôi, và Hà Nội (Đoàn Chèo Hà Nội) là nơi diễn ra chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa xuân Kỷ Dậu.

Đoàn Nghệ thuật Đam San đem đến cho đêm hội cái rộn ràng của đất Tây Nguyên anh hùng, nơi đồng bào dân tộc đã sớm theo tiếng gọi chính nghĩa của phong trào Tây Sơn, cùng Tây Sơn tam kiệt khởi binh. Những thanh âm rộn ràng như tâm hồn người Tây Nguyên phóng khoáng, chan hòa thiên nhiên qua màn độc tấu sáo trúc Cánh chim tự do (sáng tác Văn Vượng). Những nét sinh hoạt văn hóa của các tộc người Tây Nguyên được tái hiện qua những tiết mục múa Tiếng đàn đêm trăng (biên đạo NSƯT Quang Tâm, âm nhạc Ngọc Tường, Siu Túy và Hải Lý biểu diễn), Vui nhà mới (biên đạo NSND Xuân La, âm nhạc Ngọc Tường, tốp nam nữ biểu diễn). Tam ca Mơ tháng ba (sáng tác Ngọc Toán, tam ca Thúy Hà, Diễm Phương và Thùy Dương biểu diễn), và đơn ca Giờ em đã có anh (sáng tác Nguyễn Cường, Thúy Hà trình bày) mang đến cho chương trình tiết tấu sôi động, tươi trẻ.

Pháo hoa trên bầu trời Phú Phong sau đêm hội hoa đăng (ảnh: Cát Hùng)

Những làn điệu âm nhạc truyền thống của đồng bằng Bắc bộ đến với khán giả đất võ Tây Sơn qua trích đoạn Tình xuân đất Bắc và dân ca Bắc bộ Khúc hát ống do các nghệ sĩ Đoàn Chèo Hà Nội biểu diễn. Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đem đến cho chương trình 4 tiết mục múa vừa được NSND Đặng Hùng dàn dựng vào đầu năm 2004 này. 4 tiết mục, nhưng lại mang nhiều sắc thái nghệ thuật: Chăm với múa Đội bình, Tây Nguyên với Mùa xuân hái lá rồi truyền thống thượng võ của người Bình Định thể hiện qua Mùa xuân luyện… "Đây là 4 tiết mục mới, được dành riêng cho chương trình đặc biệt tối nay" - NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát đã khẳng định vậy.

Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế hấp dẫn người xem chính bằng những tiết mục múa độc đáo như: Mừng xuân thái bình, Hát múa Chầu văn, Múa lục cúng. Những bài bản âm nhạc cung đình, đậm chất truyền thống; âm điệu lại nhẹ nhàng, trầm lắng, thiết tha, đầy tính trữ tình với điệu Lý mười thương chan chứa tình cảm trong nét nhạc uyển chuyển. Đặc biệt, kết thúc toàn bộ chương trình là múa lục cúng, được dùng trong các đại lễ, với 48 ngọn đèn tượng trưng cho những ước vọng về một mùa xuân mới thịnh vượng đang về với quê hương, đất nước.

4 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mang đến 4 sắc màu độc đáo. Có thể nói, chưa bao giờ người xem có thể tận hưởng một bữa tiệc nghệ thuật nhiều màu sắc và không kém phần độc đáo đến như vậy. Hơn là một giao lưu nghệ thuật, đây còn là sự hợp lưu nghệ thuật đến từ 4 vùng đất đã gắn bó với nhau quanh những chiến tích của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Qua đó, Lễ hội kỷ niệm 215 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức tại đất Tây Sơn có thêm một không khí mới và qua đó, góp phần khẳng định tầm vóc lớn lao của phong trào Tây Sơn trong lịch sử.

Ngay sau phần văn nghệ này, là một màn pháo hoa rực rỡ. Những cánh hoa đại đóa trên nền trời Tây Sơn, mang theo khát vọng, niềm tin và ý chí quyết tâm tiếp nối truyền thống đáng tự hào, vững bước trên con đường hướng về tương lai.

KHẢI NHÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết ở cung đình ngày xưa   (24/01/2004)
Nhớ nét xuân Bình Định xưa  (21/01/2004)
Ngày xuân với thú chọi gà  (20/01/2004)
Văn thần, võ tướng: Đã tề tựu trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt  (20/01/2004)
Tây Sơn: Những ngày tiền Lễ hội   (19/01/2004)
Bình Định yên lòng ăn Tết  (18/01/2004)
Bình Định sẽ ăn Tết sớm?   (16/01/2004)
Vững vàng trong top đầu   (15/01/2004)
Tết Thái ở Vân Canh  (14/01/2004)
Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định   (13/01/2004)
Xuân này, họ ăn Tết muộn  (12/01/2004)
Bình Định quật khởi  (11/01/2004)
Người vào vai Quang Trung tại lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (11/01/2004)
Thêm một thử thách đối với đội Bình Định  (09/01/2004)
Mất dần một làng tuồng...   (08/01/2004)