|
Một tiết mục trong Đêm hội hoa đăng (ảnh: Công Tâm) | Trước mặt là bãi cát mênh mông, khán giả vòng trong vòng ngoài; sau lưng là dòng sông Kôn uốn quanh bến Trường Trầu lịch sử. Một sân khấu được dựng tạm, và trên đó, vang lên những điệu hò và bài bản dân ca đặc sắc của đất Bình Định.
Đây là phần phần hai của chương trình Đêm hội hoa đăng mừng Đảng, mừng xuân, trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 215 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, được tổ chức trong tối 25-1 (mùng 4 tết), trên hữu ngạn dòng sông Kôn, tại khu vực bãi sông nằm giữa hai cầu Kiên Mỹ. Chương trình do NSƯT Nguyễn Kiểm viết kịch bản và đạo diễn, NSƯT Hữu Lai viết nhạc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Đêm hội hoa đăng mừng Đảng, mừng xuân là một nội dung thu hút được sự quan tâm của người xem, nhất là với những người đã trót yêu cái mộc mạc, khỏe khoắn, không kém phần tha thiết, tình cảm của những câu dân ca, điệu hò khu V nói chung và Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là nội dung khá mới mẻ với những người tổ chức chương trình. Ông Trần Văn Tới, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi, Bình Định, cho biết: "Hát hò đối đáp là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Bình Định. Tuy nhiên, đối đáp trên sông lại là điều hoàn toàn mới. Từ khi thành lập đến nay đã 45 năm, đây là lần đầu tiên Đoàn đảm nhận chương trình như thế này. Nhận chương trình, thú thật là rất vinh dự mà cũng rất lo".
Cái lo đầu tiên là làm sao hấp dẫn người xem. Nếu chỉ bố trí hai đội thuyền vừa chèo vừa hò đối đáp thì khán giả rất mau chán. Giải pháp được đưa ra là kết hợp giữa những chiếc thuyền chèo với sân khấu cố định. Thuyền được buộc cố định bên sân khấu tạm dựng ngay trên sông, góp phần làm cho không gian biểu diễn linh hoạt hơn. Khó thứ hai là phải khắc phục khó khăn về địa hình. Giữa dòng Sông Kôn nước chảy khá xiết, nhưng gần bờ lại cạn. Giải pháp được đưa ra là múc thêm cát dưới lòng sông và dựng sân khấu ngay gần bờ để tiện cho việc kéo điện chiếu sáng.
Mở đầu chương trình, hai tốp nam nữ trên hai chiếc thuyền đậu sẵn trên dòng sông Kôn. Trên tay mỗi người là một cành đào, mai tươi thắm sắc xuân. Điệu hò chèo thuyền, trong tiếng đàn bầu, sáo trúc ngân vang trên sông Kôn như một lời nhắn nhủ, mời gọi: Chứ dù cho mà ai đó có về đâu/Chẳng hề quên áo mới có nhuộm màu nắng mưa/Sông Kôn chung thủy bến trầu xưa/ chứ Tây Sơn là đất tổ từng đón đưa những con thuyền. Điệu hò như đưa ta về với không khí rộn ràng năm xưa, khi bến Trường Trầu hãy còn là nơi tụ họp đông đảo thương nhân buôn bán trầu, và anh Hai Trầu Nguyễn Nhạc nối nghiệp cha, dựng ngôi nhà cạnh bến chứa trầu, cũng là nơi liên lạc của nghĩa quân.
Khúc nhạc hành khúc vang lên, như một gợi nhớ về truyền thống năm xưa của miền đất võ, thoáng chốc, chuyển bản thừa xuân tái hiện khung cảnh thanh bình, cùng xây đắp quê hương thanh bình.
Và rồi những điệu hò đối đáp đẫm chất Bình Định và khí vị đất trời Bình Định vang lên. Những tốp nam nữ, với những bài bản dân ca truyền thống mà người Bình Định đã nằm lòng từ thuở trong nôi, đã nuôi lớn tâm hồn người Bình Định, với điệu hò khoan, hò tát nước, câu xuân nữ điệu bài chòi, những trò vui dân gian hô lô tô. Đạo diễn đã khéo léo dựng lên màn đối đáp giữa hai tốp nam nữ khá linh động, qua đó, giới thiệu được vẻ đẹp giang sơn cẩm tú, truyền thống đất và người Bình Định, thông qua những bài dân ca quen thuộc lý mười thương, lý năm canh, lý ngựa ô khu V… Người xem vừa thưởng thức những bài bản dân ca, thỉnh thoảng lại cười vui với màn đối đáp ý nhị, hay cách chọc cười của diễn viên Duy Đoàn...
Những câu tâm sự của công chúa Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung như một cách để gút lại chương trình và có nhiều sức gợi. Qua những câu hò, bài bản dân ca mộc mạc, thấm nghĩa đậm tình, người nghe như được đưa về trong dòng hồi tưởng bất tận. Đó là bến Trường Trầu năm xưa, nơi hội tụ của những tấm lòng đang cháy lên khát khao vì nghĩa lớn. Người ta không khỏi bồi hồi khi nhớ rằng, mình đang đặt chân trên mảnh đất mà cách đây hơn 200 năm, ba anh em Tây Sơn tam kiệt được nuôi lớn, bằng hạt lúa của khoai, bằng những bài ca dân dã thôn quê mà thấm đượm nghĩa tình của người Bình Định như thế. Phải chăng đây là cội nguồn của lòng yêu nước, của ý chí quật cường người Bình Định trước mọi gian lao. Không gian lúc này thấm đẫm trong một không khí cộng cảm cộng đồng.
Trong khi đó, hơn 2.000 đèn hoa đăng được thả xuôi theo trên sông Kôn. Cả dòng sông Kôn lịch sử lúc này có thêm chút gì thật thiêng liêng, huyền ảo. Thoáng chút gì thoảng qua lòng ta, có phải là niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống và những ước mơ vọng về tương lai.
Dẫu chương trình chưa hoàn chỉnh vì bị gián đoạn ở đoạn cuối do trục trặc về kỹ thuật, nhưng nhìn chung, đây là một chương trình tạo nên được sắc thái mới mẻ cho Lễ hội kỷ niệm 215 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
LÊ VIẾT THỌ |