|
Cờ người tại Lễ hội Chợ Gò (ảnh: Đào Tiến Đạt) | Ra Giêng, bước vào mùa lễ hội (LH). Kỳ diệu thay, sau những tháng ngày tất bật suốt một năm, thiên nhiên lại hào phóng ban cho con người những ngày tháng để được nghỉ ngơi, được sống trong không gian cộng cảm cộng đồng. LH mùa xuân khai hội trên những làng quê Việt là vậy, và hội xuân ở những làng quê Bình Định không khác.
Nói đến những LH xuân trên đất Bình Định hẳn chúng ta sẽ nhớ ngay đến LH Đống Đa, được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm, tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Đây là một LH lớn, lại đang được tỉnh đề nghị Tổng cục Du lịch đưa vào hệ thống LH quốc gia, nên được tổ chức một cách quy mô, hoành tráng. Bên cạnh đó, Bình Định còn nhiều hội xuân khác.
Khai màn cho những hội xuân trên đất Bình Định chính là hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ Gò chỉ họp mỗi năm một phiên, vào ba ngày Tết. Người ta đi chợ không chủ yếu để bán - mua mà đi chợ chính là đi hội, là xuất hành đầu năm, mong cho vạn sự như ý…
Theo câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian thì dưới thời Cảnh Thịnh, mùa hè năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cho quân đánh chiếm Quy Nhơn. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800) hai dũng tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh đem ba vạn quân vào Quy Nhơn. Quân Tây Sơn trấn giữ và tiến công trên cả hai mặt trận, nhiều lần đánh lui thủy quân của địch vốn được trang bị bằng tàu thuyền và khí giới phương Tây.
Trong đội quân vây thành và trấn giữ cửa biển Quy Nhơn chủ yếu là người Đàng Ngoài vào, để cổ vũ tinh thần quân sĩ nguôi đi nỗi nhớ nhà, hai võ tướng đã cho tổ chức hội vui xuân trong ba ngày Tết. Địa điểm được chọn là gò đất nằm sát núi Trường Úc bên bờ sông, địa thế đẹp, ở khoảng giữa Thị Nại lên thành Hoàng Đế, tiện cho quân sĩ cả hai nơi đến chơi hội.
Ngày nay, đi hội Chợ Gò vẫn là một phong tục đẹp đầu năm của người dân quanh vùng. Đi một vòng quanh chợ, chịu một tuổi mới, với bao ước nguyện và hy vọng. Mua một vài món đồ, thường là mua trầu cau, chính là để cầu lấy cái may mắn đầu năm. Vui nhất vẫn là những chú nhóc. Mồng một Tết, dận bộ quần áo mới tươm tất, rủng rẻng phong bao lì xì, nhập hội với bao trò vui. Những khẩu súng nhựa, đồ chơi các loại bày la liệt, cám dỗ. Bên cạnh những hàng quán bán - mua lao xao, là một chương trình hội náo nức. Sau các tiết mục ca nhạc, võ dân tộc, là những màn thi múa lân đặc sắc. Thu hút nhất vẫn là trò chơi đậm chất dân gian như: múa lân, chọi gà, đập niêu… và cả những trò vui khác như: đua xe đạp chậm, kéo co… Những trò vui dân gian, như hồn vía dân tộc, hãy còn hiện hình giữa không gian xuân hiện đại.
Sau hội Chợ Gò, trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng, mời bạn đi hội vía Bà ở Nhơn Phong (huyện An Nhơn). Theo lời người xưa truyền lại, cách đây ba thế kỷ, ở vùng đất này có một người đàn bà tên là Đỗ Thị Tân. Không lập gia đình, bà sống một mình trong một túp lều tranh. Suốt đời bà tận tụy với công việc giúp cho sự sinh nở của người dân quanh vùng. Tạo phúc cho đời, nhưng bà chẳng màng việc trả ân. Rồi vào đêm 16, rạng ngày 17 tháng Giêng, bà lặng lẽ ra đi. Nhớ ân đức của bà, dân làng chung nhau lập miếu thờ trên nền túp lều tranh, gọi là miếu Bà. Ngôi miếu nay ở trung tâm phố chợ Cảnh Hàng. Và LH vía Bà được tổ chức vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng hằng năm. Từ chiều 16, người dân các nơi xa gần đã tụ tập về miếu Bà để cầu lễ, chủ yếu là cầu may mắn về đường con cái. Giờ hành lễ được tổ chức vào 11 giờ khuya, theo nghi lễ truyền thống, rồi tổ chức múa lân, hát án cho đến tận khi mặt trời mọc. Sáng hôm sau, người dân trong làng bắt đầu tham gia các trò chơi dân gian như: bóng chuyền, kéo co, đập ấm, nhảy cao… Chiều ngày 17, khách thập phương đến ngày càng đông, bởi có tục chưng cộ và đốt cây bông lễ bà. Đến tối 17, cả phố chợ Cảnh Hàng như sáng rực lên bởi những chiếc đèn lồng treo trước cửa nhà, không quên kèm theo những phong bao nhỏ, màu đỏ để thưởng cho đội múa lân.
Nếu bạn muốn tận mắt chứng kiến LH của một làng nghề, mời bạn đến với LH làng rèn Phương Danh (thị trấn Đập Đá, An Nhơn). LH được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ đến vị tổ của làng nghề là Đào Giả Tượng. Ngày hành lễ, cả làng được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm với cờ hội, cờ ngũ hành cắm quanh nơi hành lễ và dọc hai bên đường làng. Ngoài các nghi thức cúng tế tại điện thờ và từng gia đình, trong LH làng nghề này còn tổ chức nhiều hoạt động như hát án, các trò chơi dân gian như chọi gà, biểu diễn võ thuật, múa lân, kéo co…
Trên đây chỉ là ba trong số nhiều LH được tổ chức trên các làng quê Bình Định khi xuân về. Nhiều LH khác không kém phần thú vị như hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) vào mùng 2 tết, lễ vía Chùa Ông Bình Định (huyện An Nhơn) vào ngày 12 tháng Giêng, lễ tổ nghề dệt Phương Danh (An Nhơn) vào 21 tháng Giêng… Và sau mỗi màn hương khói của tín ngưỡng truyền thống, mỗi hội xuân đều có văn, có nghệ, có võ, có diễn tuồng, và có thao diễn kỹ thuật cơ thể, hoặc tay không qua thi võ, kéo co, kéo gậy… Như vậy, đi LH, vừa để được sống trong tinh thần cộng cảm cộng đồng, để dáng dấp cội nguồn không bật ra khỏi ý thức tồn tại của mình; vừa là cơ hội để được vui chơi sau những tháng ngày tất bật, miệt mài.
Ngày nay, LH dân gian đã có nhiều biến đổi. Hẳn nhiên, ứng với mỗi thời đại, LH phải mang những nét mới, và bên cạnh đó, LH cũng phải được loại bỏ những yếu tố mê tín, lạc hậu. Tuy nhiên, bảo lưu được những yếu tố nguyên gốc, những giá trị văn hóa của LH cũng là vấn đề quan trọng không kém. Xét cho cùng, sức hấp dẫn của LH là ở tính nguyên gốc, chứ không phải ở những màn trình diễn hiện đại. Và có bảo lưu nguyên gốc, mới tính đến chuyện khai thác du lịch, thu hút du khách thập phương. Tìm hiểu, chọn lọc, phát huy, nâng cao các giá trị văn hóa tiêu biểu của LH nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con người thời đại mới vẫn là yêu cầu bức thiết hiện nay.
LÊ VIẾT THỌ |