Tiếng cồng định mệnh và những thước phim quay ở Bình Định
16:23', 1/10/ 2004 (GMT+7)

Những chiếc xe jeep chạy khắp phố; rồi xe tăng, pháo 105 ly nối đuôi nhau… Những đám đông chạy tán loạn. Tiếng máy bay trực thăng ầm ầm... Đoàn làm phim Tiếng cồng định mệnh (Điện ảnh Quân đội Nhân dân) đang quay những thước phim ở Bình Định.

* Kịch bản công phu, dàn diễn viên sáng giá

Một cảnh trong phim được quay tại Phù Cát

Tiếng cồng định mệnh là bộ phim sử thi của Điện ảnh Quân đội vốn được chính nhà văn, đại tá quân đội Chu Lai chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng của ông. Tác phẩm này nói về bộ đội chủ lực và chiến trường Tây Nguyên, nơi mà bản thân ông chưa từng chiến đấu. Và có thể, chính vì cái địa bàn lạ lẫm, lần đầu tiên được Chu Lai thử sức này, cũng sẽ giúp cho bộ phim không sa vào lối mòn.

Và cũng thật hiếm khi nào Điện ảnh Quân đội Nhân dân lại quy tụ được một ê-kíp tác giả và diễn viên sáng giá như vậy trong một bộ phim: NSƯT Nguyễn Khắc Lợi và NSƯT Lê Thi; rồi nhà quay phim, NSƯT Trần Quốc Dũng; họa sĩ, NSƯT Phạm Quang Vĩnh... Đây cũng là lần đầu, người Quy Nhơn được tận mắt thấy những diễn viên đã khá nổi danh: NSƯT Hoàng Dũng (vai tướng ngụy), NSƯT Quốc Trị (vai tham mưu trưởng Phước)... và nhiều gương mặt nổi trội của điện ảnh và sân khấu: Trọng Trinh, Hà Văn Toàn, Đàm Hằng, Quỳnh Hoa... Ngoài ra, phải kể đến NSND Lê Khanh (vai người đẹp Huyền Trang), dù Lê Khanh không có mặt ở Quy Nhơn trong những ngày này.

* Bình Định: một trong 4 điểm quay chính

Tiếng cồng định mệnh (kịch bản Chu Lai, đạo diễn NSƯT Nguyễn Khắc Lợi, NSƯT Lê Thi) kể về chiến dịch giải phóng Tây Nguyên tháng 3-1975, một sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tác giả cố gắng tái hiện chân thực những bước chuẩn bị đầu tiên của chiến dịch, ý đồ chiến lược, phương án tác chiến và những cuộc chiến đấu ác liệt để giành thế chủ động trên chiến trường của quân đội ta. Bộ phim cũng cho thấy tính phức tạp, khắc nghiệt của cuộc chiến, tính nhân văn cao cả của sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Theo phân cảnh thì phim sẽ được quay tại 4 địa điểm chính ở miền Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9, đoàn làm phim đã quay những phân cảnh diễn ra tại Sở Chỉ huy của quân ta (dựng trong một khu rừng đặc dụng ở Hà Tây) và những phân cảnh diễn ra tại Sở Chỉ huy của quân địch (dựng tại một khuôn viên ở Hà Nội). Cuối tháng 9 và đầu tháng 10 này, 70 người, trong đó có 8 diễn viên, đã có mặt tại Bình Định, bước vào những cảnh quay mới. Những cảnh quay này khá đặc biệt vì có cả những cảnh ở đầu phim (lính ngụy lên Tây Nguyên, lập cứ điểm 53) và vào cuối phim (cảnh tháo chạy khi nghe Buôn Mê Thuột thất thủ). Để thực hiện những cảnh quay này, đoàn phim đã phải huy động 2 xe tăng, 2 khẩu pháo 105, 5 chiếc trực thăng... của quân đội và lùng mượn xe jeep, xe hon da 67, xe ô tô đời cũ, cùng hàng chục đạo cụ khác ở khắp Quy Nhơn.

Hoành tráng nhất trong những cảnh quay này là việc tái hiện lại cảnh quân ta tấn công vào Sân bay Hòa Bình - Buôn Mê Thuột, trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên, được quay ngay tại Sân bay Phù Cát. Ngoài ra, còn có nhiều cảnh quay khác cũng đòi hỏi tốn không ít công sức như cảnh tháo chạy của địch sau khi Tây Nguyên thất thủ, cảnh trực thăng đổ quân xuống cứ điểm 53, cảnh tên đại tá tỉnh trưởng về thăm nhà trước khi lên Buôn Mê Thuột... "Cũng may là người dân Quy Nhơn rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nên hầu hết đạo cụ chúng tôi đều mượn được. Thậm chí, ngoài chiếc Mazda cũ hiện rất khó kiếm, còn mượn luôn được một… tài xế cho vợ tên tỉnh trưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mượn ngôi nhà số 05 - Trần Phú để làm nhà của viên tỉnh trưởng và ngôi nhà số 78 - Bùi Thị Xuân để làm nhà Huyền Trang. Nhìn chung, công việc diễn tiến khá thuận lợi" - thượng tá Lê Văn Kỳ, Chủ nhiệm phim, cho biết. Và những ngày quay ở Quy Nhơn, đoàn làm phim đã phải huy động từ 80 đến cả trăm người dân Quy Nhơn vào vai quần chúng.

Tiếng cồng định mệnh dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Do vậy, ngay sau khi kết thúc những cảnh quay ở Bình Định vào ngày 5-10, đoàn phim sẽ tiếp tục hành quân lên Tây Nguyên để quay những cảnh còn lại. Công đoạn quay sẽ hoàn thành trong tháng 10 và sang tháng 11 sẽ tiến hành in tráng để bộ phim ra mắt đúng thời gian đã được ấn định.

. L.V.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Aerobic: Bao giờ cho đến ngày xưa?   (01/10/2004)
Guinness Việt Nam: Người chuyên biểu diễn những pha sởn tóc gáy!   (30/09/2004)
Còn phải xem xét là lỗi vô tình hay cố ý   (30/09/2004)
Cần phải có trách nhiệm với Huỳnh Xuân Phát  (29/09/2004)
Cửa Đông thành Bình Định sẽ xây dựng lại như thế nào?   (28/09/2004)
Sôi nổi bóng đá phong trào TP Quy Nhơn   (27/09/2004)
Vì đâu một "thủ môn quốc gia" trở thành thợ hớt tóc?   (27/09/2004)
Trận chung kết VN - Porto B lúc 19h50 ngày 26-9: Kỳ phùng địch thủ  (26/09/2004)
Trước lượt trận thứ 2 AGRIBANK Cup: Đội tuyển Việt Nam nhọc nhằn vượt dốc   (24/09/2004)
Agribank Cup 2004: Việt Nam thắng Thái Lan 2-1   (24/09/2004)
Hoa Lâm Bình Định với mục tiêu kéo khán giả đến sân   (22/09/2004)
Các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Định   (21/09/2004)
AGRIBANK Cup: Thêm một liều thuốc cho đội tuyển Việt Nam   (20/09/2004)
Hai gương mặt VĐV xuất sắc của võ đường Nguyễn Đức Thắng  (19/09/2004)
Hoa Lâm Bình Định thay "tướng"  (19/09/2004)