Năm 1998, ông Nguyễn Văn Đủ (xã Tây An, huyện Tây Sơn), trong khi rà phế liệu đã tình cờ phát hiện thấy ba chum đựng tiền cổ tại Gò Đồng Xá, xã Cát Minh (Phù Cát). Bộ sưu tập này được lưu giữ tại Bảo tàng Quang Trung. Mới đây, PGS-TS Hoàng Văn Khoán (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trực tiếp xử lý, phân loại những đồng tiền này.
|
Tiền cổ Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung |
Bộ sưu tập này gồm khoảng 9.000 đồng tiền cổ với 126 loại gồm cả tiền Việt Nam và Trung Quốc. Sớm nhất là đồng Khai Nguyên thông bảo nhà Đường (thế kỷ VII), muộn nhất là Cảnh Thịnh thông bảo (thế kỷ XVIII). Chiếm phần lớn trong số này là tiền thời Tây Sơn (khoảng hơn 7.000 đồng). Tiền thời Tây Sơn có ba loại: Thái Đức thông bảo (Nguyễn Nhạc), Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo (Nguyễn Huệ); Cảnh Thịnh thông bảo và Cảnh Thịnh đại bảo (Nguyễn Quang Toản) với rất nhiều kiểu khác nhau. Lưng của các đồng tiền này lại rất đa dạng: chữ, trăng lưỡi liềm ôm chữ nhất, 4 hình trăng lưỡi liềm… Mỗi đồng tiền có đường kính từ 23 đến 25mm, vành tiền rộng (đây là đặc điểm rất đặc trưng của tiền thời Tây Sơn). Tiền mỏng nhưng đồng đúc rất tốt với một kỹ thuật đúc khá cao.
Việc tìm thấy nhiều về số lượng tiền thời Tây Sơn với đầy đủ các loại tiền Tây Sơn, trong đó, không ít tiền Thái Đức thông bảo, rất đúng với địa bàn hoạt động của nhà Tây Sơn. Nơi đây không chỉ là nơi sinh ra của ba anh em nhà Tây Sơn mà còn từng là kinh đô của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc. Như vậy, có thể khẳng định: sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Quang Trung là bộ sưu tập phong phú về số lượng, chủng loại tiền mang các niên hiệu Tây Sơn.
Theo các nhà nghiên cứu, nhà Tây Sơn đã cho đúc 37 kiểu tiền. Điều này chứng tỏ các vua Tây Sơn đã ra sức xây dựng nền kinh tế nước nhà độc lập, tự chủ. Chính vua Quang Trung đã ban chiếu khuyến nông: "Mở cửa ải, thông thương chợ búa, khiến hàng hóa không ngưng đọng, lợi cho sự tiêu dùng của dân". Là một di vật văn hóa khá đặc biệt, tiền không chỉ là phương tiện lưu thông của một thời kỳ lịch sử, mà còn mang lại cho chúng ta khá nhiều hiểu biết về kỹ thuật, nghệ thuật của thời kỳ đó. Chẳng hạn, chỉ riêng việc nghiên cứu họa tiết trên những đồng tiền thời kỳ này đã là một đề tài thú vị. GS Hoàng Văn Khoán khẳng định: "Một số người cho rằng chum tiền này được chôn vào giai đoạn thất bại của nhà Tây Sơn. Tôi thì cho rằng, ba chum tiền này được chôn trong thời Cảnh Thịnh. Kho là nơi cất giấu lương thực, tiền bạc khá phổ biến, chứ không phải khi thất bại mới đem chôn như người ta nghĩ. Ngay Hoàng thành Thăng Long cũng phát hiện thấy kho kia mà".
Bộ sưu tập quý giá này về tiền cổ Tây Sơn cần được nghiên cứu, bảo quản tốt và trưng bày với công chúng. Bên cạnh đó, nếu chúng ta nghiên cứu, đúc những đồng tiền mang các niên hiệu Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh nhưng với kích thước lớn hơn, có đường kính khoảng 100mm, làm vật lưu niệm bán cho du khách thì không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà sẽ còn là công cụ tuyên truyền văn hóa rất tốt.
. Lê Viết Thọ
Tiền Quang Trung thông bảo có chữ An Nam
Các nhà sưu tập tiền cổ gặp một đồng tiền rất lạ: Quang Trung thông bảo, mặt lưng có chữ An Nam. Có lẽ, vua Quang Trung đã cho đúc đồng tiền này nhằm mục đích khẳng định chủ quyền dân tộc…
Khi được Lê Chiêu Thống cầu cứu, vua Thanh sai Tôn Sĩ Nghị điều binh bốn tỉnh tiến chiếm Thăng Long, sau đó cho Vân Nam Tiền cục đúc riêng một loại tiền mới, đó là đồng Càn Long thông bảo, mặt sau có hai chữ An Nam. Vào tiết đại hàn năm 1789, tiền và lương thực tiếp ứng được đưa sang nước ta. Chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung áo bào sạm đen khói súng, dẫn đại binh kéo vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị phải quăng ấn thoát thân. Đồng Càn Long thông bảo được phi tang. Khi Quang Trung sang Yên Kinh đáp lễ phong vương, trong cống vật nước Nam, có thêm chuỗi tiền sáng chói mới đúc cũng có chữ An Nam, mặt bên kia lấp lánh bốn chữ Quang Trung thông bảo.
Tiền Quang Trung thông bảo - An Nam có các đặc điểm sau: kỹ thuật đúc rất cẩn thận: to, dày, khác hẳn các loại tiền thông dụng; nét chữ khắc rõ ràng, khác hẳn với chữ trên các loại tiền thông dụng; mặt sau có chữ An Nam là một loại tiền đặc biệt chưa thấy xuất hiện bao giờ trừ khi có sự xuất hiện của tiền Càn Long - An Nam. Do đó, có lẽ loại tiền này được đúc ra không ngoài mục đích làm lễ vật ngoại giao. Cũng vì vậy mà hiện nay, đồng tiền này rất hiếm thấy ở Việt Nam. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy hàng vạn đồng tiền Quang Trung nhưng chỉ mới gặp một đồng Quang Trung - An Nam tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội và một đồng khác trong sưu tập của ông Nguyễn Anh Huy (Huế) do một nhà sưu tập cổ vật ở Bỉ mua ở Trung Quốc gởi về tặng.
. Khải Nhân
(Theo tài liệu của nhà sưu tập, nghiên cứu Nguyễn Anh Huy)
|