Lâu nay, nghe những câu chuyện quanh chiếc bàn tự xoay (bàn có thể xoay được theo sự điều khiển của ý nghĩ), tôi cứ nửa tin, nửa ngờ. Nghe thông tin về một chiếc bàn tự xoay hiện còn ở An Nhơn, vậy là tôi lên đường lần theo sự thật của một huyện thoại...
* Theo dấu cổ vật
|
Khi ngửa hai bàn tay lên, bàn tự xoay theo chiều ngược lại |
Để theo dấu chiếc bàn tự xoay kỳ bí, tôi về thôn An Lộc, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Thật may cho tôi là dù ông Nguyễn Tại, chủ nhân chiếc bàn, đã không còn, nhưng người con của ông, anh Nguyễn Miễn vẫn nhớ rất rõ về chiếc bàn tự xoay của gia đình mình. "Bàn đó có từ lâu lắm, cũng chẳng biết nguồn gốc ở đâu. Ngày nhỏ, tôi vẫn ngồi học bài trên đó hoài. Nhưng năm 1988, tôi đem lên Đà Lạt rồi bán cho một người ở Sài Gòn. Nghe đâu, tay này sau cũng bán lại cho người nước ngoài mất"- anh Miễn nói.
Nhưng như để bù cho nỗi thất vọng của tôi, anh Miễn tiết lộ địa chỉ một người ở thị trấn Bình Định vẫn còn một chiếc bàn tự xoay. Theo chỉ dẫn của anh Miễn, tôi tìm đến một ngôi nhà nằm trên đường Quang Trung. Chị Nguyễn Thị Hường, chủ nhân ngôi nhà, nghe thủng lý do, đưa chúng tôi lên tầng 3, nơi chiếc bàn đã được tháo rời từng bộ phận và xếp nằm phủ bụi một góc. Sau một hồi hì hục, cuối cùng tôi cũng lắp được các bộ phận của chiếc bàn lại với nhau. Trông chiếc bàn có vẻ bình thường như bao chiếc bàn khác, chân đế làm theo kiểu kiềng ba chân, được ráp vào một trụ tiện, trên có một cái ngỗng - trục dùng để kết nối giữa mặt bàn với trụ và cũng là kết cấu giúp cho mặt bàn có thể xoay quanh trục được. Ngỗng nối với mặt bàn thông qua một cái lỗ nằm trong một khối hình chữ nhật làm bằng 6 trụ gỗ tiện tròn. Trừ mặt bàn và khối trụ có lẽ được làm bằng gỗ gõ, đen bóng, phần trụ và chân đế khá mới. Tôi thử dùng tay xoay mặt bàn nhưng mặt bàn hơi khó chuyển động. "Dùng tay xoay còn chưa ăn, nói gì đến tự xoay…" - tôi nghĩ thầm.
* Chạm tay vào mặt bàn…
|
Bộ phận dưới mặt bàn để chứa ngỗng |
Ngay chị Hường cũng không biết cách làm bàn tự xoay. "Hồi xưa, chỉ ông già tui, sau này có thằng con trai hay theo ông ngoại tìm hiểu là biết. Nhưng ông già thì mất tròn ba năm rồi, còn thằng con thì đang học ở Sài Gòn" - chị nói. Vậy là tôi đành quay xe, trở lại Nhơn Hòa chở anh Miễn đến thao tác giúp. Anh Miễn dặn: "Hai chúng ta đặt sấp hai tay lên mặt bàn, tiếp xúc với mặt bàn càng nhiều càng tốt. Sau đó, cùng tập trung ý nghĩ, tưởng tượng chiếc bàn xoay về phía phải". Tôi đặt hai tay sát mặt bàn và cố tập trung ý nghĩ. Trong khi đó, anh Miễn nói liên tục: "Qua phải! Qua phải". Một giây, hai giây… năm giây, một tiếng rít "két". Tôi cảm giác đã có sự chuyển động dưới bàn tay. Chiếc bàn từ từ xoay tròn. Tôi và anh Miễn đi theo để giữ bàn tay nguyên vị trí. Anh Miễn lại nói: "Nhanh lên! Nhanh lên". Chiếc bàn xoay nhanh dần. "Tôi hô 1, 2, 3 thì ngửa mặt bàn tay lên nhé" - anh Miễn lại dặn. Tôi làm theo. Chiếc bàn đang xoay tròn, bỗng dừng lại, rồi từ từ đổi chiều, xoay qua trái. "Đứng lại!"- anh Miễn hô. Vậy là chiếc bàn đứng im.
Thấy tôi tò mò xem kỹ từng chi tiết của chiếc bàn, anh Miễn nói: "Hồi tôi đem chiếc bàn lên Đà Lạt phục vụ kinh doanh, nhiều nhà nghiên cứu, trong nước có, ngoài nước cũng có, vậy mà chịu, không giải thích nổi".
* Một di sản đang vơi
Anh Miễn cho biết: "Cách đây hơn chục năm, một số gia đình ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn cũng có bàn tự xoay. Nhưng sau khi tôi bán được chiếc bàn, nhiều người các nơi về đây hỏi mua, bàn ít hẳn. Nhất là đận một người buôn đồ cổ từ Đà Lạt về gom, cả những chiếc bàn không xoay, hay bị hư, bể cũng mua ráo. Tính ra, đã có hàng chục chiếc ra đi khỏi đất này". Còn chị Hường tiết lộ: "Nhiều người đã hỏi mua, nhưng nói thật là gia đình tôi chưa có nhu cầu bán. Hơn nữa, còn chút này là kỷ vật của ông già…".
Ngoài chiếc bàn xoay hiện còn ở nhà chị Hường, vẫn còn một số bàn xoay khác có nguồn gốc từ Bình Định đang lưu lạc khắp trong và ngoài nước. Mỗi chiếc bàn ra đi, là một sự mất mát về di sản…
. Lê Viết Thọ |