Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VHTT) người cao tuổi huyện Hoài Ân lần thứ 9 năm 2004 được tổ chức vào những ngày cuối tháng 9, có 12 đơn vị xã, thị trấn với 170 cụ ông, cụ bà tham gia, trong đó có 5 cụ trên tuổi 75 và 3 cụ tuổi 80. Có 6 môn thi là văn nghệ quần chúng (VNQC), đi bộ nhanh, đi xe đạp chậm, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền 3 người.
|
"Hát mừng ngày hội non sông" - Tiết mục đạt giải A của đội văn nghệ người cao tuổi thị trấn Tăng Bạt Hổ tại ngày hội VHTT người cao tuổi huyện Hoài Ân năm 2004 |
Kết quả thị trấn Tăng Bạt Hổ đạt giải nhất, xã Ân Hữu đạt giải nhì, xã Ân Phong và xã Ân Đức đồng giải ba. Ngày hội đã diễn ra sôi nổi và để lại nhiều ấn tượng đẹp. Bác Nguyễn Văn Định, đội văn nghệ người cao tuổi xã Ân Hữu cho biết: "Năm nay, ngày hội người cao tuổi được huyện tổ chức quy mô hơn mọi năm về hình thức, nội dung; đón tiếp các cụ về dự hội chu đáo; có tổ y tế túc trực chăm lo sức khỏe cho các cụ… Chính vì vậy chúng tôi rất phấn khởi và an tâm". Còn cụ bà Hồ Thị Nguyện ở Ân Đức thì vui vẻ nói: "Được chính quyền xã tạo điều kiện, gia đình động viên, lớp cao tuổi chúng tôi rất vui, hăng say tập luyện, tham gia thi đấu tích cực các môn thi trong ngày hội".
12/14 xã, thị trấn trong huyện tham gia đã đem về ngày hội những chương trình VNQC có nội dung phong phú, tổ chức biểu diễn bài bản, gây ấn tượng đẹp mà nhiều năm qua trong các lần hội thi hội diễn VNQC của tầng lớp trẻ không thấy xuất hiện. Đó là những làn điệu dân ca, hát ru, hát tuồng, ngâm thơ, các điệu múa dân gian được các cụ ông, cụ bà ở thị trấn Tăng Bạt Hổ và các xã Ân Hữu, Ân Đức, Ân Phong, Ân Nghĩa thể hiện rất ngọt ngào. Những "cây văn nghệ một thời" vẫn còn giữ được giọng hát dân ca mượt mà, điêu luyện như bác Văn Thường (Ân Nghĩa), bác Hữu Trí (Ân Hảo), bà Nguyễn Thị Cho (Ân Thạnh). Ngoài ra có những vở kịch ngắn, những bài dân ca đặt lời mới gắn liền với cuộc sống gia đình, thôn bản, khích lệ phong trào xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa được các cụ tự biên, dàn dựng, biểu diễn mang tính giáo dục cao làm người xem thích thú, tán đồng.
Bên cạnh đó, các môn thể thao được các cụ tham gia sôi nổi nhất là môn bóng chuyền 3 người, đi bộ nhanh, đi xe đạp chậm và môn cờ tướng. Cụ Trần Trợ - người đạt giải nhất môn đi bộ nhanh tâm sự: "Tôi đã ngoài 70, sáng nào cũng tập đi bộ, không phải là để thi mà là để rèn luyện sức khỏe"; cụ bà Nguyễn Thị Sàng (Ân Mỹ) thì nói: "Đi bộ là việc thường ngày, đi chợ-đi bộ; đi làm ruộng-đi bộ; đi lên núi-đi bộ, nói chung tất cả là đi bộ đã quen…". Vậy mới biết các cụ tham gia thi đấu không phải thi thố tài năng mà là để được vui, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra tinh thần, khả năng của chính bản thân mình.
Qua 2 ngày tham gia hoạt động sôi nổi, dù thời tiết không được thuận lợi nhưng các cụ không ngại khó, ngại khổ luôn thể hiện tinh thần vì tập thể.
Ngày hội VHTT kết thúc trong niềm phấn khởi của người tham dự, người đến xem, cổ vũ. Nhưng vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra tiếc nuối: "Giá như trong thi có thêm môn thi hùng biện về các chủ đề đời sống hàng ngày, về tổ chức xây dựng gia đình văn hóa; phong trào khuyến học trong dòng họ, xóm làng, thôn, bản; phong trào xây dựng đời sống văn hóa… thì sẽ hay biết mấy"; hoặc nên đưa vào thi bài tập "dưỡng sinh 56 động tác"... như vậy các cụ sẽ tham gia nhiều, qua đó cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe đẩy lùi bệnh tật cho người cao tuổi thiết thực hơn.
Qua hội thi cũng đã bộc lộ sự yếu kém trong tổ chức các hoạt động VHTT của một số cán bộ ở cơ sở, thể hiện ở việc không biết khai thác, tổ chức tập luyện nên tham gia với chương trình sơ sài, thậm chí có xã đành bỏ cuộc làm mất cơ hội vui chơi của lớp người cao tuổi trong xã.
. Hà Hoài Ân |