Quê gốm bây giờ...
15:16', 19/10/ 2004 (GMT+7)

Làng Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) nay cũng chỉ là một thôn xóm làm nông nghiệp như bao làng xóm khác. Đường vào làng quanh co, nhấp nhô bùn đất sau trận mưa đầu mùa. Lần dò, chúng tôi tìm được ty thờ tổ nghề gốm nằm ở xóm trong.

Đường vào làng gốm Vân Sơn

1. Ngôi miếu khá nhỏ bé, theo người làng thì được dựng từ năm 1945. Khi đó, ông Võ Giao là thợ cả nghề mộc đã cất ty trên bốn cột danh mộc lớn. Bàn thờ tổ có đôi câu đối: Sáng nghiệp Đồ thành thiên thu tạo/ Nghệ truyền tinh xảo vạn cổ tồn (tạm dịch: khai sáng từ ngàn năm, thuở có thành Đồ Bàn/ Nghề tinh xảo vẫn còn mãi do truyền dạy). Hiện nay, theo người dân trong làng, ty thờ tổ nghề vẫn được cúng tế vào đầu xuân và đầu thu (mồng 6 tháng giêng và mồng 6 tháng bảy) hàng năm. Tuy vậy, chính cái nét cũ kỹ của ty thờ tổ dường như đã ánh xạ rõ nhất nhịp trầm của làng nghề hôm nay. "Ngày giỗ tổ nghề không còn náo nhiệt như trước, cũng chẳng còn đâu những ngày hát bội người đứng vòng trong vòng ngoài" - một người dân nhà gần ty thờ tổ nghề nói vậy.

Xóm trong giờ chỉ còn 4 hộ làm nghề. Ông Cù Minh Thông là một trong số họ. Lúc chúng tôi đến, ông đang chuốt lại những chiếc chậu đất giăng đầy ngoài sân. Ông Thông giải thích: "Tui cũng có làm bằng bàn xoay, nhưng chỉ những đồ nhỏ như ấm sắc thuốc, hũ bùng binh… thôi, còn những đồ lớn này vẫn phải miết bằng tay như vầy".

Khác hẳn với xóm trong, xóm ngoài thuộc thôn Vân Sơn, có vẻ phồn thịnh hơn với nghề gốm. Dọc hai bên đường, những hũ, chậu, ang… đủ cỡ, đỏ au màu đất ý chờ khách thương. Trên những bãi đất trống, những vật dụng gốm chưa nung, nằm phơi chờ nắng. Còn bên những lò gốm, là những đống cây chành rành, lá tràm cùng những đống đất sét đang ủ. "Đất sét càng ngày càng khan rồi. Bây giờ mua, cứ một xe độ là hơn một trăm ngàn, một cộ chừng vài chục ngàn" - một người làm nghề cho biết.

Gặp bà Tống Thị Xuân đang làm đồ đất tại một lò gốm ở xóm ngoài. Hóa ra, bà Xuân là dân xóm trong ra xóm ngoài làm công. "Tuy xóm trong số hộ làm nghề còn ít lắm, nhưng người biết nghề và làm nghề thì không ít. Đa phần tụi tui đã ra xóm ngoài làm công hết" - bà Xuân nói. Nguyên nhân là do nguồn đất ở xóm trong ngày càng ít, do vậy, nhiều hộ đã chuyển dần ra xóm ngoài cho gần vùng nguyên liệu, hơn nữa, cũng tiện đường vận chuyển. "Nếu ở xóm trong, một chậu gốm bán chỉ được 9.000 đồng thì ra ngoài này bán được tới 10.000 đồng, còn như mua xe củi, ở đây chỉ 600 ngàn đồng thì vào xóm trong, giá đã lên đến 620 ngàn đồng" - bà Xuân nói.

Bà Tống Thị Xuân đang làm gốm

2. Nhưng dù là xóm trong hay ngoài thì thời hoàng kim của làng nghề cũng đã chẳng còn. Trước, gốm làm ra bán đi Phú Yên, Quảng Nam, lên tận Tây Nguyên; nay mỗi ngày chỉ được hai, ba chuyến xe được các đại lý thu gom đưa đi bán quanh vùng. "Không cạnh tranh lại với gốm sông Bé" - ông Thông nói. Bởi vậy, người làm nghề ngày một ít dần. Người trẻ lại càng ít. Một chủ lò nói: "Một cái ang tui bán chẳng hạn sáu, bảy ngàn thì chi phí đã mất năm ngàn. Lời lãi đáng bao nhiêu, nhưng cũng may là mình có nghề trong tay nên lấy công làm lời là chính".

Đăm đắm với nghề xưa, nghiệp cũ, ông Thông cũng đã từng theo một đoàn của huyện An Nhơn đến học hỏi ở tận làng gốm Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ông nói: "Ở đó, người ta cũng làm tượng Chăm. Về kỹ thuật thì họ chẳng hơn gì mình, chỉ cần học thêm mẫu mã, có vốn mua khuôn thạch cao là làm được nhưng trong đó, họ có khách du lịch, chứ mình thì…". Và có lẽ do thế mà đành quanh quẩn với những sản phẩm gia dụng ngày càng sa sút về kỹ thuật và không đòi hỏi mấy sự tinh xảo.

3. Đang viết bài viết này, tình cờ tôi nghe được qua sóng truyền hình, rằng làng gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương) vốn đã thất truyền nghề, nay đang phục hồi lại và dần thành một "điểm đến" hấp dẫn khách du lịch. Tự nhiên, tôi lại nghĩ, khi mà gốm cổ Gò Sành (huyện An Nhơn) vốn đang tồn tại trong niềm trân quý của những nhà sưu tập khắp nơi trên thế giới và hẳn không ít người trong họ cũng muốn một lần tìm về nơi phát xuất của những sản phẩm thô mộc mà độc đáo này, tại sao chúng ta không tìm cách phục hồi lại một truyền thống và mơ đến việc sản xuất gốm mỹ nghệ thay vì gốm gia dụng như hiện nay? Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật hay chúng ta còn thiếu điều gì khác?

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một cầu thủ Pháp gốc Việt sẽ thi đấu cho đội tuyển bóng đá VN   (19/10/2004)
Hứa hẹn sự sôi động từ mùa giải 2005  (18/10/2004)
HLV Arjharn: Hoa Lâm Bình Định sẽ có huy chương tại V-League   (18/10/2004)
Thay đổi lịch thi đấu Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung  (17/10/2004)
Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung năm 2004: Cơ hội rèn quân   (15/10/2004)
"Nhuộm" thời gian lên màu tượng...   (15/10/2004)
SEA Games 23 sẽ thi đấu 41 môn   (14/10/2004)
Ngày hội VH-TT người cao tuổi huyện Hoài Ân: Sôi động và ấn tượng   (14/10/2004)
Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung năm 2004: Không có CLB nước ngoài tham gia  (13/10/2004)
Chiều nay, tuyển Việt Nam gặp Maldives: Thắng nhưng không dễ   (13/10/2004)
Bàn tự xoay: Không chỉ là huyền thoại   (12/10/2004)
Ghi nhận qua Triển lãm Tem bưu chính - Bình Định 2004   (11/10/2004)
Thể dục thể hình ở TP Quy Nhơn: Sẽ vượt ngưỡng phong trào?   (11/10/2004)
Bình Định đoạt huy chương bạc đồng đội nữ  (10/10/2004)
Giao hữu bóng đá: Hoa Lâm Bình Định thắng Hoàng Anh Gia Lai 4-2  (10/10/2004)