Khẩu khí của người Bình Định qua một số bài ca dao địa phương
15:48', 31/10/ 2004 (GMT+7)

Khẩu khí Bình Định đã được khơi nguồn từ lời ăn tiếng nói vừa chân chất vừa mãnh liệt của người xưa mà mẹ truyền lại cho con như một thứ của để dành. Khẩu khí ấy là hơi thở đã được nung nấu đời đời trong lồng ngực núi sông, thể hiện một quan niệm nhân sinh vô cùng cao thượng. Đó là tiếng nói không thể đánh mất trên môi và cả trong trái tim người Bình Định, từ người áo vá quàng đến người áo gấm, từ nông dân đến kẻ sĩ

Tượng Vua Quang Trung tại công viên Quy Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Theo Đào Duy Anh trong Từ điển Hán - Việt: Hơi trong miệng thở ra, hoặc ngôn luận văn từ riêng của mỗi người đều gọi là khẩu khí. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Khẩu khí là khí phách con người toát ra qua lời nói. Còn khẩu ngữ là lời nói thông thường, dùng trong cuộc sống hằng ngày, có đặc điểm phong cách đối lập với phong cách viết.

Như vậy, khí phách của con người gắn liền với lời nói. Có khí phách mỗi một người, lại có khí phách chung của một cộng đồng, tức là "tiếng nói" đồng điệu của nhiều tâm hồn được hun đúc nên bởi chung một mạch nước, một không gian sông núi. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thử bàn đến khẩu khí của người Bình Định qua một số bài ca dao địa phương, bởi "tiếng nói" chung, khí phách chung của những người cùng sinh ra trên một vùng đất, còn có hình thức thể hiện nào sinh động hơn ca dao tục ngữ.

Có lẽ nên bắt đầu từ một chuyện cụ thể của một con người được nhiều thế hệ người Bình Định biết đến, đó là ông Chảng. Ông Chảng tên thật là Đinh Văn Nhưng, sinh tại thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông Nhưng là người có công lớn giúp Nhà Tây Sơn dựng nghiệp.

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Nhạc về Bằng Châu tạ ơn thầy cũ và mời ông ra làm quan. Ông đem lời di huấn của tổ tông ra làm lý do từ khước. Nguyễn Nhạc nài mãi, ông nửa đùa nửa thật:

- Ông nay là vua cả thiên hạ. Vua muốn thì dân phải theo, nhưng xin ông để tôi phê, tôi xin chức gì, ông chuẩn cho chức ấy, được không?

Nguyễn Nhạc truyền quân lính dâng giấy mực. Ông Nhưng viết:

Bùng binh chi tướng

Uýnh cướng chi quan

Bộn bàng chi chức

Chảng chảng ngang thiên.

Viết xong ném bút cả cười. Nguyễn Nhạc không dám ép thầy đổi chí, bèn phong cho ông tước Sanh Sơn bá, cho hưởng đặc ân đến thăm vua không cần đa lễ. Dân trong vùng nhân chuyện này đã gọi ông là Ông Chảng. Mấy câu trong bảng "cầu chức" của ông Chảng cứ râm ran cửa miệng mọi người, thành ra một thứ của chung trong thiên hạ.

Bùng binh chi tướng/ Uýnh cướng chi quan/ Bộn bàng chi chức

Lấy chữ chi làm điểm tựa, một bên là bùng binh, uýnh cướng, bộn bàng… những từ đôi mà bản thân nó từ thanh tới nghĩa đều diễn đạt một trạng trái lùng nhùng, lộn xộn, ngổn ngang; còn một bên là tướng, là quan, là chức (tước), toàn là những danh vị quan trọng sang cả của xã hội - sự đối lập này tạo nên phong vị khẩu ngữ trào lộng. Lối nói giỡn chơi của ông Chảng đã thể hiện một góc nhìn riêng, chốn quan trường qua mắt ông đầy rối ren, ràng buộc, sao bằng sự tự tại mà ông đang có. Trong câu cuối cùng, chảng chảng là từ tượng thanh, nhưng không cốt diễn tả âm thanh mà diễn tả tính khí. Ông tự biết mình thô mộc ngang tàng, không thích hợp với các nghi thức triều đình. Chảng chảng ngang thiên, việc ông Chảng Bình Định coi thường chức tước làm người ta nhớ đến Thánh Gióng sau khi dẹp tan giặc Ân đã trút bỏ ngựa sắt roi sắt rồi bay về trời. Đó là lối ứng xử của những nhân cách đã đạt đến tầm trượng nghĩa.

Thật ra trong quan niệm của người Bình Định xưa, vinh hoa phú quý, quan tước bổng lộc không phải là xấu, nhưng họ không lấy nó làm cái giá đong đếm cho một sự cống hiến, hy sinh. Trong hành trình đời người, trên đôi vai của người Bình Định không bao giờ thiếu cái gánh nhơn nghĩa:

Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề

Gánh từ Tuy Viễn gánh về Bồng Sơn

Mẹ cha nào kể thiệt hơn

Bạc vàng nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều.

Cách nói của người Bình Định là cách nói thẳng, cụ thể hóa, và cách nói ấy đương nhiên đi với những lời nói mộc mạc, ít phần văn hoa bóng bẩy. Ngay trong câu ca dao vừa dẫn trên đây, một giá trị vô thể như "nghĩa nhơn" cũng được biến thành hữu thể là cái gánh, rồi cái gánh ấy lại được mờ hóa đi thành "ba gánh". "Ba" đây không còn là số từ, nó đã thoát khỏi nghĩa đen, nghĩa thật để mang nghĩa tượng trưng. Và nó chứa đựng trong cái vỏ ngôn từ hữu hạn chiều kích lớn lao của tâm hồn Bình Định, của khí phách Bình Định.

Có một thời kỳ dài trong lịch sử, Bình Định là đất phên giậu, là chốn biên thùy phía Nam của Tổ quốc, một miền đất đầu sóng ngọn gió với vô vàn thử thách, hoang vu và bất trắc. Hiện thực ấy buộc những lớp cư dân Việt đầu tiên của Bình Định phải căng mình ra để tồn tại, hơn thế nữa, để xác lập tư thế chủ nhân, không chỉ là người chủ của số phận mình, mà còn là người chủ đất nước. Người Bình Định xưa ít nói đến trăng khi thề thốt, ít nói đến hoa khi hò hẹn yêu đương. Cái mà người Bình Định xưa thường vận đến như một vật chứng thiêng liêng, là gì? Đó là lưỡi gươm vàng.

Hãy nghe một người nói với một người:

Em thương anh trầu hết lá lươn

Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay

Dầu mà cha mẹ có hay

Nhứt đánh nhì đày hai lẽ mà thôi.

Gươm vàng để đó anh ơi

Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa.

Hãy nghe một người vợ nói với chồng:

Chàng ơi đưa gói thiếp mang

Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không.

Lại nghe một người dặn dò một người:

Anh ơi giữ dạ cho bền

Mai sau sắt vụn rèn nên gươm vàng.

Không phải ngẫu nhiên người ta bồi đắp ý chí cho nhau, thề thốt thủy chung, chia sẻ mặn nồng với nhau, đều mượn lưỡi gươm để nói, mà người nói trong các trường hợp này phần lớn là phụ nữ. Và hình ảnh lưỡi gươm vàng vừa khẳng định một tư thế tồn tại quyết liệt vừa giàu chất xả thân. Ở những nơi quá phẳng lặng, chưa từng đối mặt với gian nguy tột bậc, chưa gặp tình huống phải lấy mạng sống để đảm bảo, thì người ta không nhắc tới gươm giáo một cách đau đáu, tin cậy, đầy sự tín chấp như vậy. Điều ấy không thể giải thích đơn thuần vì lý do thẩm mỹ, mà phải đi từ đặc điểm hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử. Trong đó, con người phải trả lời các thử thách quyết liệt bằng nhân cách, bằng sinh mệnh.

Vâng, đây là cách trả lời của con người có tư thế lịch sử. Xác lập tư thế ấy là cả một quá trình. Từ lúc mới lọt lòng, trẻ thơ đã nghe mẹ dạy:

- Lên non tay vịn chưn trèo

Nương theo nhành quế có nghèo cũng thơm.

- Ngựa ô ăn cỏ bờ hồ

Đói thời chịu đói cỏ khô không thèm.

Mang những lời dạy đó đi suốt cuộc đời, đến mọi chân trời góc bể, gặp bất cứ sự va đập nào, vẫn thấy ngời lên một khí phách sáng trong như ngọc, vững vàng như đá.

Chợt hiểu vì sao sinh ra từ hang núi, đi ra từ hang núi, lời hiệu triệu ba quân của Nguyễn Huệ cất lên rúng động lòng người:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Chợt hiểu vì sao Mai Xuân Thưởng nheo mắt nhìn cái chết:

"Chết nào có sợ chết như chơi/ Chết bởi vì dân chết bởi thời/ Chết hiếu chi nài xương thịt nát/ Chết trung bao quản cổ đầu rơi/ Chết nhân tiếng để thơm ngàn thuở/ Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời/ Thà chịu chết vinh hơn sống nhục/ Chết nào có sợ chết như chơi".

Cả trong nỗi buồn, cả trong sự tuyệt vọng, trong sâu thẳm tâm can người Bình Định chưa bao giờ nguôi tắt tiếng nói khảng khái quật cường:

- Kiểng xa bồn kiểng không xanh

Anh rầu người nghĩa cơm canh bỏ liều

- Một mai quế gãy còn nhành,

Bình hương bể nát miểng sành còn thơm.

Rõ ràng khẩu khí Bình Định đã được khơi nguồn từ lời ăn tiếng nói vừa chân chất vừa mãnh liệt của người xưa mà mẹ truyền lại cho con như một thứ của để dành. Khẩu khí ấy là hơi thở đã được nung nấu đời đời trong lồng ngực núi sông, thể hiện một quan niệm nhân sinh vô cùng cao thượng. Đó là tiếng nói không thể đánh mất trên môi và cả trong trái tim người Bình Định, từ người áo vá quàng đến người áo gấm, từ nông dân đến kẻ sĩ, tiếng nói mang trong nó thông điệp của sự tồn tại giữa vũ trụ với tư cách Con Người:

Bình Định có núi Vọng Phu

Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Có Cân, có Cỏ, có Gành,

Trời mây bốn mặt, có mình ở trong.

"Trời mây bốn mặt, có mình ở trong" - Lồng lộng hiên ngang. Không một chút gồng mình. Như thể lẽ tự nhiên là vậy.

. Trần Thị Huyền Trang 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nha Trang rực rỡ thuyền buồm  (29/10/2004)
Hoa Lâm Bình Định có "đòi" được cúp?  (29/10/2004)
Bình Dương vào chung kết cùng đội chủ nhà  (28/10/2004)
Chủ nhà đến gần với việc giành lại cúp vô địch  (28/10/2004)
Hoa Lâm Bình Định vào chung kết  (27/10/2004)
Chiều nay, gặp GĐT-LA: Cửa hẹp cho Hoa Lâm Bình Định  (27/10/2004)
Bình Dương đặt một chân vào chung kết  (25/10/2004)
Đúng nghĩa là những trận đấu tập  (25/10/2004)
Hoa Lâm Bình Định đã có trận thắng đầu tiên  (24/10/2004)
Huy Khôi - một vận động viên, một trọng tài cừ khôi  (24/10/2004)
Dạo qua các hàng sách tháng 10   (22/10/2004)
Tôn vinh bóng đá đẹp và trung thực  (22/10/2004)
Chủ nhà Hoa Lâm Bình Định gây thất vọng  (21/10/2004)
Cúp Hoàng đế Quang Trung 2004 trước giờ nhập cuộc  (21/10/2004)
Taekwondo Bình Định: Nhìn về tương lai  (20/10/2004)