Nghề làm gốm Chăm giai đoạn Vijaya
15:52', 14/11/ 2004 (GMT+7)

Bình Định từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa từ năm 1000 - 1470. Nghề làm gốm là ngành kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Chămpa ở giai đoạn này. Theo số liệu nghiên cứu, Bình Định có 5 trung tâm sản xuất gốm Chăm, đó là các di chỉ: Gò Hời (Tây Vinh, Tây Sơn); Gò Cây Me (Nhơn Mỹ, An Nhơn); Gò Ké (Tây Vinh, Tây Sơn) - niên đại thế kỷ XIII -XV, Trường Cửu (Nhơn Lộc, An Nhơn) và Gò Sành (Nhơn Hòa, An Nhơn) - niên đại thế kỷ XIV -XV; với trên 20 địa điểm còn dấu tích lò nung. Đây là thời kỳ nền kinh tế Chămpa phát triển cực thịnh.

Sản xuất gốm ở An Nhơn

Các trung tâm sản xuất gốm này có qui mô lớn, diện tích rộng và nằm không cách xa nhau. Không có một địa bàn nào có người Chăm sinh sống mà các địa điểm sản xuất gốm nằm tập trung như ở Bình Định. Các địa điểm sản xuất gốm đều nằm dọc hai bờ sông Kôn và các chi lưu của nó. Sông Kôn đối với nghề làm gốm, là con đường vận chuyển duy nhất, cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các trung tâm với các nước trong khu vực.

Nguyên liệu để tạo sản phẩm gốm Chăm là đất sét đỏ, đất sét trắng (cao lin), củi (bổi) và men. Những nguồn nguyên liệu này thường khai thác tại chỗ; đất sét chủ yếu là dọc các triền sông Kôn hay ven các đầm lớn. Điều này cho thấy việc định các địa điểm sản xuất gốm ven sông Kôn là điều tất yếu. Đất sét được khai thác về, ngâm ủ lọc sạch tạp chất nhiều lần, sau đó chế tác nên sản phẩm. Trong quá trình chế tác, tùy theo loại sản phẩm kích cỡ mà người thợ gốm có thể gia giảm các chất phụ gia cho phù hợp. Gốm Chăm thường tráng men, nguyên liệu để tạo men cũng có sẵn tại địa phương, đó là các khoáng chất như: Nhôm, sắt, ti tan… và hóa chất từ thực vật. Phù sa sông cũng góp phần làm nên màu sắc men gốm.

Men gốm Chăm nhiều màu sắc lạ. Kỹ thuật chế men là bí quyết của những người thợ gốm, mỗi trung tâm có màu men đậm nhạt khác nhau, nhưng nhìn chung gốm Chăm có 3 màu men tiêu biểu là xanh ngọc (celadon), màu vàng, màu nâu. Sản phẩm gốm Chăm thường có các loại: loại men đơn sắc và gốm men đa sắc. Men đơn sắc thường áp dụng cho những đồ dân dụng, gốm thị trường. Men đa sắc thường sử dụng cho những sản phẩm có chất lượng cao.

Kỹ thuật tạo dáng gốm là kỹ thuật bàn xoay. Đối với những sản phẩm có kích thước lớn, thì kết hợp kỹ thuật bàn xoay với kỹ thuật giải cuộn. Những sản phẩm kích thước nhỏ dùng kỹ thuật đổ khuôn. Kỹ thuật đổ khuôn còn áp dụng tạo những sản phẩm trong kiến trúc như phù điêu sư tử, mặt kala, những hoa văn trang trí các điểm góc tháp.

Giữ vai trò quan trọng nhất trong chất lượng sản phẩm là kỹ thuật nung sản phẩm. Thực tế khai quật tại các di chỉ Gò Sành (1991-1993); Gò Hời (2002) đã tìm thấy 5 lò nung gốm. Những lò nung gốm Chăm giai đoạn Vijaya là loại lò hình ống, có chiều dài thường từ 14 đến 15 mét, trước cửa lò có hệ thống bầu đốt, hệ thống cửa tiếp lửa hoàn chỉnh, đảm bảo dẫn lửa tốt khi lò nung hoạt động. Thân lò cũng có những cửa tiếp lửa. Cuối lò có hệ thống ống khói. Tường lò xây bằng đất nện. Những lò có niên đại muộn hơn, tường lò được xây bằng các bao thơi đắp thêm đất. Đây là loại hình lò nung gốm độc đáo ở Việt Nam và duy nhất chỉ phát hiện ở Bình Định.

Kỹ thuật xếp sản phẩm vào lò là xếp trực tiếp vào lò nung, bên cạnh đó còn sử dụng con kê 5 mấu, thanh kê và kỹ thuật ve lòng. Đối với những sản phẩm có mỹ thuật cao thì được xếp nung trong các bao thơi. Sản phẩm đặt trong bao thơi, đậy nắp lại khi nung tránh tro bụi bám vào, sản phẩm nhận nhiệt qua bao nung nên chín đều. Ở những lò nung gốm có niên đại sớm như Gò Hời, Gò Cây Me, người Chăm thường áp dụng kỹ thuật con kê 5 mấu. Ở những lò gốm có niên đại muộn, kỹ thuật ve lòng phổ biến hơn.

Loại hình sản phẩm gốm có 3 loại: Gốm gia dụng gồm bình, lọ, chậu, vò, ấm, kendi, bát, đĩa, chén, cốc… Gốm trang trí gồm tượng người, thú, voi, sư tử, phù điêu… Gốm vật liệu xây dựng gồm gạch, ngói mũi lá, điểm trang trí góc.

Kỹ thuật trang trí trên gốm có 3 loại: Vẽ chìm trên xương gốm khi còn ướt, sau đó phủ men lên; kỹ thuật in khuôn, tạo hoa văn trên khuôn rồi dán vào phôi gốm trước khi nung hay in trực tiếp trên gốm rồi phủ men lên; kỹ thuật trang trí cạo xương gốm khi còn ướt, sau đó thể hiện đề tài trang trí rồi phủ men. Gốm Chăm giai đoạn này có 2 loại, gốm men trơn và gốm trang trí. Gốm trang trí thường là những đề tài hoa lá uốn lượn tự do, hoa văn khắc vạch, hoa văn sóng nước, hoa văn cánh sen kết dải, hoa cúc… Đề tài là những con vật linh như rồng, voi, chim, thú, mặt Kala, Makara… Phong cách thể hiện thường giản lược, nét vẽ phóng túng với không gian mở, khỏe mạnh mà không kém phần mềm mại.

Nhìn chung gốm Chăm giai đoạn này có nhiều bước phát triển vượt bậc. Sự phát triển vượt bậc ấy là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố sáng tạo và những yếu tố tiếp nhận từ các trung tâm sản xuất gốm bên ngoài, tất cả hội nhập lại tạo điều kiện đưa nền sản xuất gốm Chăm giai đoạn Vijaya phát triển với trình độ cao, tương đương với các trung tâm sản xuất gốm trong khu vực. Sản phẩm gốm làm ra không những đáp ứng nhu cầu đời sống trong nước mà còn giao lưu với các nước trong khu vực.

. Hồ Thùy Trang

(Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HLV Arjharn: "Tôi chưa làm được gì nhiều cho Hoa Lâm Bình Định"   (12/11/2004)
Điều gì đang xảy ra với đội tuyển Việt Nam?   (12/11/2004)
Hoa Lâm Bình Định: Yên tâm bên "nội", chưa ổn bên "ngoại"   (12/11/2004)
Người xây "lò" thủ môn  (11/11/2004)
Cơ hội khẳng định của các tuyển thủ trẻ Việt Nam  (10/11/2004)
Đội tuyển Việt Nam lắp ghép đội hình... chính thức?  (10/11/2004)
"Bóng ném Bình Định sẽ phát triển mạnh ở cả 2 nội dung nam và nữ…"  (10/11/2004)
Tại sao hàng thủ tuyển VN yếu?  (10/11/2004)
Tượng danh nhân   (09/11/2004)
Không thành công cũng thành nhân   (08/11/2004)
Kết thúc giải Cờ tướng thiếu niên - nhi đồng năm 2004: Quy Nhơn và An Nhơn so kè   (08/11/2004)
Mùa xuân trong những bài hát cổ của người H're   (07/11/2004)
Giải Cờ tướng thiếu niên và nhi đồng tỉnh Bình Định năm 2004   (05/11/2004)
Hoa Lâm Bình Định sẽ sang Thái Lan tập huấn   (05/11/2004)
Cầu lông ở Bình Định: Cần vươn tới đỉnh cao  (05/11/2004)