Cơ sở văn hóa: thiếu và lãng phí
10:4', 16/11/ 2004 (GMT+7)

Trong khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng tăng, các cơ sở văn hóa, nhất là nhà văn hóa (NVH) xây dựng chưa nhiều, nhưng không ít cơ sở văn hóa hiện có lại đang "đắp chiếu" hoặc chuyển mục đích sử dụng, cho thuê… Đây là thực trạng đáng quan tâm.

* Vừa thiếu, vừa lãng phí

NVH Đống Đa (Quy Nhơn) đang biến thành bãi đỗ xe, kinh doanh vật liệu xây dựng, làm mộc...

Trong những năm gần đây, công tác tổ chức quản lý, quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở như NVH, khu sinh hoạt văn hóa ở một số địa phương còn nhiều yếu kém. Nhiều NVH, khu sinh hoạt văn hóa đã xuống cấp nhưng chậm được tu sửa, khắc phục.

Ở cấp tỉnh, Hội trường Quang Trung, Nhà triển lãm đã xuống cấp, Trung tâm VHTT tỉnh thiếu các phòng để phục vụ cho sinh hoạt CLB. NVH trung tâm hiện đã có dự án xây dựng mới nhưng do một số vướng mắc đến nay vẫn chưa được triển khai.   

Ở cấp huyện, hiện chỉ có các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn là có NVH. Các công trình này đều được xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp nhưng hầu hết chưa được bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa lại. Ở cấp xã, phường, thị trấn, tình hình còn khó khăn hơn. Hiện chỉ có 3 xã, phường có NVH là phường Đống Đa (Quy Nhơn), xã Tây Vinh (Tây Sơn) và nhà rông văn hóa xã An Toàn (An Lão). Thời gian qua, NVH, khu sinh hoạt văn hóa ở các xã, phường, thị trấn hầu như bị bỏ quên, một số công trình được UBND xã, phường chuyển mục đích sử dụng để xây dựng trụ sở, nhà làm việc, cho thuê kinh doanh dịch vụ hoặc bán đấu giá sử dụng đất. Ngay trong thành phố Quy Nhơn, NVH Đống Đa đã biến thành địa điểm cho thuê đỗ xe, kinh doanh vật liệu xây dựng và làm mộc. Toàn bộ cơ ngơi vốn khá khang trang so với một NVH cấp phường đã bị biến thành xưởng sản xuất. Ngoài ra, nhiều khu sinh hoạt văn hóa ở các phường khác đã chuyển mục đích sử dụng, chủ yếu là lấy đất để xây dựng trụ sở UBND phường.

Trong các NVH hiện có (trừ NVH Hoài Ân) rất ít khi tổ chức được các hoạt động. Cả năm NVH mới sáng đèn vài lần với vài ba chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ, tết. Các rạp chiếu phim cũng ở trong tình trạng tương tự. Ngay trong thành phố Quy Nhơn, chỉ có Rạp 31-3 (đường Phan Bội Châu) còn hoạt động, còn hai rạp nằm trên đường Lê Lợi và Nguyễn Thái Học chẳng mấy khi được mở cửa. Đây thực sự là một sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất. Nếu ngành văn hóa không có hướng đầu tư sửa chữa lại để khai thác thì cần sớm có hướng chuyển hoạt động khác, bằng không sẽ dẫn đến sự xuống cấp ngày  càng trầm trọng.

* Xây dựng mới: cần tránh chồng chéo

 

Rạp Lê Lợi hiện đang "đắp chiếu"

Từ năm 1994 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư cho các nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhưng là để trang bị thiết bị âm thanh, ánh sáng. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2010 mỗi năm hỗ trợ xây dựng một trung tâm văn hóa xã. Nhưng ngay khi đã có chỉ tiêu này thì việc xây dựng vẫn cứ ì ạch. Chẳng hạn, năm 2004, xã An Hòa (An Lão) được hỗ trợ 100 triệu xây dựng trung tâm văn hóa xã, tuy nhiên, công trình này đến nay vẫn chưa khởi động vì còn chờ vốn đối ứng, chờ thiết kế.  

Theo dự kiến thời gian tới, Bình Định sẽ đầu tư xây dựng NVH Trung tâm, NVH Lao động, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là xây dựng như thế nào để các NVH này không chồng chéo về chức năng và thực sự phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.

Đề án phát triển văn hóa thông tin đến năm 2010 đưa ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2005 khôi phục và quy hoạch xây dựng hệ thống nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa xã, phường, thị trấn đạt từ 30-40% và đến năm 2010 đạt từ 80-90% số xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi công cộng. Tuy nhiên, với tình hình đầu tư và quản lý các cơ sở văn hóa như hiện nay, thì mục tiêu trên thật khó hoàn thành.             

. Lê Viết Thọ

 

Chỉ thị ngày 8-6-2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Về việc tăng cường công tác quản lý, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã yêu cầu các địa phương:

1. Tiến hành điều tra, nắm chắc số lượng NVH, khu sinh hoạt văn hóa hiện có; tổ chức phân loại và kịp thời hướng dẫn các địa phương tu bổ, sửa chữa chống xuống cấp các công trình. Riêng đối với những xã, phường, thị trấn chưa có NVH, khu sinh hoạt văn hóa, tổ chức quy hoạch, lựa chọn địa điểm và sớm triển khai đầu tư xây dựng.   

2. Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, tu bổ sửa chữa hợp lý để UBND các xã, phường, thị trấn triển khai đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình.

3. Khai thác, quản lý sử dụng đúng mục đích các công trình văn hóa ở cơ sở. Nghiêm cấm các trường hợp lấn chiếm, xây cất trái phép, cho thuê mướn hoặc sử dụng không đúng mục đích, phản tác dụng đối với các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tản mạn với Issawa   (15/11/2004)
Hai ngày nữa ĐTVN gặp Lebanon: Đá vì danh dự   (15/11/2004)
Lương Trung Tuấn: "Nếu được thi đấu, tôi sẽ hết mình vì Hoa Lâm Bình Định…"   (15/11/2004)
Nghề làm gốm Chăm giai đoạn Vijaya   (14/11/2004)
HLV Arjharn: "Tôi chưa làm được gì nhiều cho Hoa Lâm Bình Định"   (12/11/2004)
Điều gì đang xảy ra với đội tuyển Việt Nam?   (12/11/2004)
Hoa Lâm Bình Định: Yên tâm bên "nội", chưa ổn bên "ngoại"   (12/11/2004)
Người xây "lò" thủ môn  (11/11/2004)
Cơ hội khẳng định của các tuyển thủ trẻ Việt Nam  (10/11/2004)
Đội tuyển Việt Nam lắp ghép đội hình... chính thức?  (10/11/2004)
"Bóng ném Bình Định sẽ phát triển mạnh ở cả 2 nội dung nam và nữ…"  (10/11/2004)
Tại sao hàng thủ tuyển VN yếu?  (10/11/2004)
Tượng danh nhân   (09/11/2004)
Không thành công cũng thành nhân   (08/11/2004)
Kết thúc giải Cờ tướng thiếu niên - nhi đồng năm 2004: Quy Nhơn và An Nhơn so kè   (08/11/2004)