Vào trung tuần tháng 7-2004, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu trong khuôn viên Tử Cấm thành. Hơn 1 tháng khai quật, công việc buộc phải dừng lại vì... thiếu kinh phí, kể cả việc che chắn khu vực khai quật cũng chưa thể làm nổi. Giờ Tử Cấm thành lại có nguy cơ trở lại hoang phế như xưa...
* Tử Cấm thành là... nơi canh tác, chăn nuôi?
|
Những cây dại mọc đã che khuất Bát Giác lầu và lăng mộ Võ Tánh. |
Tử Cấm thành có tổng diện tích 21.600m2 là trung tâm của thành Hoàng Đế. Thành Hoàng Đế là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử Cấm thành. 4 cạnh phân bố theo đúng 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi thành ngoại 7.400m.
Trong khuôn viên Tử Cấm thành hiện còn có rất nhiều các phế tích kiến trúc dày đặc. Nơi đây được các nhà khảo cổ học, sử học đánh giá là di tích có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan mật thiết với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thế kỷ 18. Tuy nhiên, công tác bảo quản, trùng tu ở đây bị lơ là một cách nghiêm trọng.
Hiện nay, toàn bộ chu vi ngoại thành được xây dựng bằng đá ong có chiều cao 1 trượng 4 thước, dày 2 trượng đã biến mất không còn dấu tích. Được biết, các khối đá ong đó đã bị người dân xung quanh và các nơi khác tới dỡ, khuân, chuyển về xây dựng các công trình. Ngay như tường thành của Tử Cấm thành là bức tường trong cùng bảo vệ nơi nhà vua an nghỉ hiện cũng chỉ còn vài chục viên gạch ở 4 góc thành; tường thành bây giờ được thay bằng các cọc bê tông và giăng thép B40.
Trong khuôn viên Tử Cấm thành còn rất nhiều phế tích lịch sử như: mộ Võ Tánh nằm trên điện bát giác (nơi vua ngự), điện chánh tẩm, lầu bát giác và các tượng voi đá, nghê đá, nhạc công, vũ nữ…, nhưng người trông coi ở đây đã sử dụng hơn 1/3 diện tích để trồng cây dưa leo, cà…
Bên cạnh đó, trâu, bò ngang nhiên vào khuôn viên Tử Cấm thành nên đầy rẫy phân trâu, bò. Nghiêm trọng hơn khi trâu, bò vào đã cà, húc làm các di tích đổ nát. Toàn bộ khuôn viên bên trong của Tử Cấm thành cây cỏ mọc um tùm. Các tấm bia ghi tên các vị quan khanh bạc phếch, trẻ nhỏ chăn trâu viết, vẽ bậy lên làm mất đi sự linh thiêng. Những ngôi mộ, những bàn thờ, miếu mạo, những con nghê, sư tử… bị cây dại mọc lên che khuất toàn bộ…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các năm qua, công việc bảo vệ, quét dọn ở đây cũng có nhưng do người dân tự làm. Ông Trần Trung, người gần 50 năm làm công việc phát cây, quét dọn, hương khói mỗi ngày giỗ của ông Võ Tánh cho biết, do các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh ít quan tâm đến di tích này nên sự đổ nát là không tránh khỏi. Bản thân ông thấy một di tích có tầm vóc quốc gia bị bỏ hoang nên đã tự nguyện vào trông coi, 7 năm trở lại đây do mắt kém không nhìn được ông đã thôi công việc đó.
Ông cho biết thêm, chỉ mới mấy tháng gần đây, từ khi có mấy "nẫu" (chỉ các nhà khảo cổ) về tiến hành khai quật Tử Cấm thành, sau khi dừng khai quật đã thuê anh Nguyễn Rạn trông coi và dựng lên một cổng sắt suốt ngày đóng im ỉm nhưng lại mở thêm một cổng phụ để tiện vào canh tác sản xuất và cho trâu, bò vào…
* Khai quật lên rồi... bỏ mặc!
|
Toàn cảnh hồ Thủy Nguyệt được khai quật lên nhưng không có mái che đang bị mưa nắng bào mòn |
Trung tuần tháng 7-2004, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu trong khuôn viên Tử Cấm thành. Đến cuối tháng 9-2004 sau khi khai quật hơn 250m2 thì phát lộ một số dấu tích thời Tây Sơn như: kiến trúc cung điện, hồ Thủy Nguyệt…
Dư luận đang khấp khởi mừng vì có thể xuất hiện một thành Hoàng Đế ngang tầm với Hoàng Thành Thăng Long (diện tích thành Hoàng Đế tương đương với diện tích Hoàng Thành Thăng Long) thì đến đầu tháng 10, công việc khai quật bị ngưng do thiếu kinh phí. Sau khi các nhà khai quật rút khỏi hiện trường đã để lại một phế tích mới. Hơn 250m2 của hồ Thủy Nguyệt và các dấu tích khác hiện đang "trơ gan cùng tuế nguyệt", không mái che, không người bảo quản, cứ mỗi đợt mưa xuống, một phần đất mới được đào bới lên lại chảy về vị trí cũ.
Các viên đá ong bắt đầu nứt, lở xuống đáy hồ. Hàng rào bảo vệ là những cọc tre và hàng rào dây thép gai tua tủa. Tuy nhiên hàng rào có thể ngăn được trâu bò, nhưng không thể ngăn được đất, đá lở lói. Vấn đề có khai quật Tử Cấm thành tiếp hay không và bảo quản, trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế như thế nào đã được chúng tôi trao đổi với TS Đinh Bá Hòa (Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) và ông Nguyễn Chí Cường -Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định.
TS Hòa cho biết, sẽ tiếp tục khai quật nhưng do số kinh phí phục vụ khai quật vừa rồi là kinh phí chuyên môn của bảo tàng nên khi kinh phí hết thì công việc khai quật cũng dừng theo. Cũng vì nguyên nhân đó nên việc bảo quản và làm mái che cũng chưa thực hiện được. Hiện bảo tàng đã lập dự án mái che với kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng đang chờ thẩm định.
Được biết, Bộ VH-TT cũng đã đồng ý cho phép lập dự án khai quật, tôn tạo, trùng tu thành Hoàng Đế nhưng phải sang năm 2005. Vấn đề nhân công cần cho việc quản lý, bảo vệ theo TS Hòa cần có một ban quản lý tại chỗ nhưng chưa biết đến bao giờ mới thành lập được?! Còn ông Cường thì cho rằng, các công việc liên quan đó đã giao cho bảo tàng thực hiện (?).
Tuy nhiên, theo chúng tôi, chờ đến khi mái che được dựng lên thì dấu tích của cung điện mới khai quật có lẽ đã trở nên bằng phẳng vì sự vùi lấp của mưa gió. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có gần 300 di tích lịch sử lớn nhỏ và 1/10 trong số các di tích đó được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Việc Tử Cấm thành thuộc thành Hoàng Đế bị bỏ hoang đã rõ, nhưng liệu còn bao nhiêu di tích bị bỏ hoang như vậy nữa?
. Theo SGGP
|