Đăng ký bảo vật quốc gia: Đúng nhưng khó thực hiện
9:35', 23/11/ 2004 (GMT+7)

Theo thông báo của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT), ngày 30-10-2004 là hạn chót nộp danh sách hiện vật đề cử bảo vật quốc gia. Ở Bình Định đến thời điểm này Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đề cử danh sách đăng ký, tuy nhiên chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là từ giới sưu tập tư nhân...

* Chủ trương đúng

Phù điêu Nữ thần Sarasvati (thế kỷ XII), một trong các hiện vật được đề cử bảo vật quốc gia

Kể từ sau khi Luật Di sản Văn hóa ra đời (tháng 6-2001), đây là đợt xét chọn bảo vật quốc gia đầu tiên trên phạm vi cả nước. Theo chủ trương của Cục Di sản Văn hóa, đợt xét chọn bảo vật quốc gia này diễn ra trên toàn bộ hệ thống bảo tàng Trung ương và địa phương, kể cả các bộ sưu tập tư nhân. Các cổ vật đề cử của các địa phương gửi về sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học để Chính phủ phê duyệt. Việc xét chọn sẽ kéo dài đến sang năm hoặc năm sau nữa.

Ở Bình Định, đến giữa tháng 11, sau hai tháng rưỡi tiến hành, việc xét chọn cổ vật để đề cử sơ bộ mới được hoàn thành, trễ hơn so với quy định. Theo ông Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, danh sách này gồm các bộ sưu tập: gốm Sa Huỳnh với các loại hình mộ và đồ tùy táng; trống đồng (11 cái trong sưu tập của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh); hiện vật điêu khắc Chăm bằng chất liệu đá (các tiêu bản nguyên có giá trị trong Bảo tàng và các di tích); gốm đất nung (phù điêu trang trí tháp, hiện vật khai quật được); gốm Gò Sành (khoảng 20 hiện vật tiêu biểu cho các loại hình sản phẩm). Ngoài ra, còn có hai hiện vật độc bản được đề cử vào danh sách là áo quan văn thời Nguyễn và ống đựng chiếu thư của vua Quang Trung bang giao với Vạn Tượng. Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa của một vùng đất, trong đó, có những hiện vật có giá trị nghệ thuật cao hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng và một số di tích.

* Tiêu chí chưa rõ ràng

Nhìn chung, tiêu chí bảo vật quốc gia không rõ ràng. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Di sản Văn hóa có ghi: "Hiện vật nguyên gốc, độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Thể hiện ở: là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất; là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại...; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định". Rõ ràng, những tiêu chí này mới định tính chứ chưa định lượng rõ ràng. Hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa cũng không cụ thể hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký ồ ạt không cần thiết hoặc bỏ sót một cách đáng tiếc ở các địa phương khác trong cả nước. Không ít hiện vật được đề cử chưa thật sự xuất sắc, nổi bật.

Trong công văn gửi các địa phương, Cục Di sản Văn hóa có đề nghị các địa phương cần thành lập Hội đồng thẩm định cẩn thận trước khi đề cử. Nhưng trên thực tế, theo ông Đinh Bá Hòa, ở Bình Định chưa có Hội đồng thẩm định. Bình Định cũng chưa có những chuyên gia sâu, thật sự am tường về những lĩnh vực cần thẩm định: điêu khắc đá, đồ đồng… 

* Giới sưu tập tư nhân còn dửng dưng

Gốm Bình Định thế kỷ XIX trang trí hình rồng, một trong các hiện vật được đề cử bảo vật quốc gia

Nếu trong cả nước, mãi đến tháng 11, chỉ có một nhà sưu tập duy nhất gửi hồ sơ đề cử lên Cục Di sản Văn hóa là ông Nguyễn Văn Luông (thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) với hiện vật là chiếc điếu bình Đường Anh thì ở Bình Định, đến thời điểm này, chưa một nhà sưu tập nào gửi hồ sơ đề cử. Nguyên nhân đầu tiên là ở Bình Định, số người sưu tập thật sự quá ít so với những người buôn bán cổ vật. Thêm vào đó, nhiều người trong họ chưa biết đến công văn của Cục Di sản Văn hóa, còn ngành Văn hóa thì không nắm được số người sưu tập cổ vật trong tỉnh nên không thể thông tin đến họ hay tổ chức tập huấn như một số tỉnh bạn đã làm.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là quyền lợi của những người đăng ký. Giới sưu tập tư nhân băn khoăn: nếu đăng ký và được xét là bảo vật quốc gia thì họ sẽ được quyền lợi gì? Việc bảo hiểm nếu cổ vật bị mất hay bị vỡ ra sao? Trong khi đó, sau khi đăng ký xong và được công nhận thì họ lại không thể tự tiện mua - bán, chuyển nhượng hay đem đi triển lãm như trước đây. Sợ Nhà nước có thể thu giữ bảo vật cũng là một tâm lý có thật. Chính cái suy nghĩ ấy khiến giới sưu tập tư nhân, một khi không lập bảo tàng tư nhân, thì cũng không cần đến sự công nhận chính thức giá trị của một cổ vật mà họ có.

Việc đăng ký bảo vật quốc gia là chủ trương đúng và cần thiết, tuy nhiên, để đi vào thực tế cần có những tiêu chí cụ thể hơn. Gắn với trách nhiệm của những người lưu giữ bảo vật, cũng cần tính đến quyền lợi của họ. Có vậy giới sưu tầm cổ vật tư nhân mới hào hứng trước chủ trương này, nhất là trong tình hình nhiều cổ vật có giá trị hiện không nằm trong các bảo tàng của Nhà nước.       

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giải bóng đá quân đội ASEAN 2004: Ai sẽ vào sâu?   (22/11/2004)
Lương Trung Tuấn sẽ giải nghệ   (22/11/2004)
Khai mạc giải bóng đá Quân đội các nước ASEAN 2004: Việt Nam chiến thắng  (21/11/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng canh cánh một ước mơ   (19/11/2004)
Võ đường Thanh Trưng: Cha truyền con nối  (19/11/2004)
Văn Miếu Bình Định, ngôi đền bồi đắp truyền thống trọng chữ  (18/11/2004)
Tiger Cup 2004: Nhiều điểm mới  (17/11/2004)
Điền kinh Bình Định: Vẫn còn đó những khó khăn  (17/11/2004)
Tử Cấm thành trở lại hoang vu!   (16/11/2004)
Cơ sở văn hóa: thiếu và lãng phí   (16/11/2004)
Tản mạn với Issawa   (15/11/2004)
Hai ngày nữa ĐTVN gặp Lebanon: Đá vì danh dự   (15/11/2004)
Lương Trung Tuấn: "Nếu được thi đấu, tôi sẽ hết mình vì Hoa Lâm Bình Định…"   (15/11/2004)
Nghề làm gốm Chăm giai đoạn Vijaya   (14/11/2004)
HLV Arjharn: "Tôi chưa làm được gì nhiều cho Hoa Lâm Bình Định"   (12/11/2004)