Vẻ đẹp văn hóa Bình Định: trọng người hay chữ
11:3', 25/11/ 2004 (GMT+7)

Trong ấn tượng chung của cả nước, Bình Định là một vùng đất võ. Từ lâu rồi, hình ảnh "Con gái Bình Định múa roi, đi quyền" đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của vùng đất có "gió nồm thổi lên mát rượi", có "lúa xanh ôm bóng tháp Chàm". Thực ra, người Bình Định không chỉ trọng võ mà còn trọng văn. Biểu hiện của tinh thần trọng văn rất phong phú. Ở đây xin nói đôi điều về văn hóa trọng chữ.

Ông đồ Bình Định (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Trọng chữ vốn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Là cư dân nông nghiệp, lao động trong hoàn cảnh "đất chật, người đông" nên người Việt rất coi trọng đất đai, xem "tấc đất là tấc vàng". Vậy mà, chữ nghĩa với người Việt còn quý hơn cả vàng. "Một nong vàng không bằng một nang chữ".

Trong tổng thể văn hóa dân tộc, văn hóa trọng chữ của người Bình Định vừa có nhiều điểm chung vừa có nhiều nét riêng đặc sắc. Điều dễ nhận thấy trước hết là một tinh thần cởi mở, trân trọng người hay chữ - dù người đó có là người Bình Định hay không.

Hẳn mọi người đều biết đến danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Ông quê ở Thanh Hóa. Vì xuất thân từ gia đình làm nghề hát xướng nên Đào Duy Từ không được đi thi. Buồn chán về việc này, ông đã quyết định rời bỏ đất Bắc, một mình hành phương Nam tìm cơ hội lập nghiệp. Nơi Đào Duy Từ dừng chân là mảnh đất Hoài Nhơn (Bình Định). Ông đi chăn trâu cho một nhà giàu có tên là Lê Phú, ở làng Tài Lương. Theo "Giai thoại làng Nho" của Lãng Nhân, một hôm, sau khi đưa trâu về chuồng, Đào Duy Từ ngấp nghé đứng nghe chủ nhà và các bậc trí thức trong vùng luận bàn văn chương, chữ nghĩa. Nhìn thấy Đào Duy Từ, ông Lê Phú liền mắng: "Thằng chăn trâu kia, làm gì mà đứng trân trân ra đó?". Bị mắng nhưng Đào Duy Từ không sợ hãi rời đi mà khẳng khái cho rằng, chăn trâu cũng có kẻ tầm thường, có kẻ anh hùng. Và với những lập luận sắc bén, dẫn chứng sinh động, Đào Duy Từ đã khiến cho mọi người hết đỗi ngạc nhiên rồi thán phục. Ông Lê Phú cũng như những nho sĩ có mặt hôm đó đã xin lỗi và gọi Đào Duy Từ là thầy. Với thái độ trọng người có học, ông Lê Phú đã dành cho Đào Duy Từ sự đối đãi đặc biệt. Ông giới thiệu Đào Duy Từ cho quan khâm lý Trần Đức Hòa. Rồi quan khâm lý Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn. Con đường công danh của Đào Duy Từ rộng mở từ đây. Ông trở thành nhân vật quan trọng của xứ Đàng Trong. Sau này, chúa Trịnh ngầm cho người vào mời Đào Duy Từ trở lại đất Bắc nhưng ông từ chối. Ông quyết định ở lại với Đàng Trong, gắn bó với đất và người phương Nam.

Không rõ, trước Đào Duy Từ có những ai nữa giàu chữ nghĩa đến lập nghiệp ở đất Bình Định? Chỉ biết, sau Đào Duy Từ có nhiều, rất nhiều người đến tạo dựng cuộc sống ở vùng đất giàu tinh thần cởi mở này. Tôi muốn nói tới một trường hợp khác - trường hợp ông đồ nho xứ Nghệ, thân phụ nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu. Theo bài thơ "Cha Đàng Ngoài, Mẹ ở Đàng Trong" của Xuân Diệu thì ông đồ nho xứ Nghệ đã vượt Đèo Ngang "tìm nơi cần chữ". Và ông đã đến vạn Gò Bồi, rồi quen biết "cô làm nước mắm". Cuộc tình của họ đã được một người hết lòng nâng đỡ, vun vén. Đó không ai khác là bà ngoại nhà thơ Xuân Diệu. Về điều này, Xuân Diệu đã viết hai câu thơ nặng lòng tri ân.

Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa

Dám gả con cách tỉnh, xa làng

Theo tôi, hành động "dám gả con cách tỉnh, xa làng" là một biểu hiện cảm động của tinh thần trọng chữ trong văn hóa ứng xử của người Bình Định. Ta biết, nền văn hóa nông nghiệp lúa nước đã tạo ra hệ quả là con người rất mực đề cao lối sống bảo thủ, bám đất bám làng. Lối sống ưa ổn định này cũng thể hiện rõ cả trong lĩnh vực hôn nhân. Đối với người Việt, hôn nhân cùng làng tốt hơn nhiều so với hôn nhân khác làng. "Có con thì gả chồng gần - Có bát canh cần nó cũng mang cho", "Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ", "Thương anh em cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Ca dao Bình Định cũng không hiếm những câu tương tự: "Thức khuya dậy sớm cho quen - Làm rể Bình Định đốt đèn cạo râu", "Muốn ăn bánh ít lá gai - Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi"…

Những người mẹ Bình Định hẳn cũng hiểu được cái tình cảnh "ruột đau chín chiều" khi con gái đi lấy chồng xa. Nói như thế để thêm trân trọng quyết định của người mẹ vạn Gò Bồi. Lý do thuyết phục bà không gì khác hơn là trọng và tin người giàu chữ nghĩa.

Trọng chữ là trọng người hiền tài. Còn dẫn chứng nào sinh động hơn là chuyện vua Quang Trung lên núi mời La Sơn phu tử ra giúp việc nước. Xin trích một đoạn văn miêu tả sự kiện này trong "Kể chuyện Quang Trung" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:

"Đoàn quân áo vải của Quang Trung vẫn rầm rộ tiến trên con đường thiên lý gập ghềnh, khuất khúc.

Đi qua một dãy núi trên có dấu vết một tòa thành đất cổ, Quang Trung hỏi các tướng:

- Đây có phải là Lục Niên thành, nơi ngày xưa vua Lê Thái Tổ đã đánh nhau ròng rã sáu năm trời với giặc Minh không?

Các tướng thưa phải. Quang Trung nói:

- Ta nghe La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã chán Chiêu Thống về ẩn ở đây. Ta đã hai lần mời phu tử ra giúp nước. Nhưng phu tử cho ta là kẻ vai u thịt bắp, từ chối không chịu ra. Phu tử là người tài đức lớn, ta vẫn muốn dùng. Nay quân Thanh sang cướp nước ta, trăm họ lầm than khổ ải. Ai cũng oán Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, thù Tôn Sĩ Nghị đến tận xương tủy. Không có lẽ phu tử ẩn mãi trên núi được. Ta muốn lên mời phu tử xuống núi một phen, các tướng nghĩ thế nào?

Lá cờ lệnh trên đầu voi dựng lên. Năm quân tạm nghỉ.

Quang Trung một mình lên núi. Vừa tới trước một cái am gianh làm trên đỉnh núi, Quang Trung đã thấy La Sơn phu tử, đầu tóc bạc phơ, khăn áo chỉnh tề, chống gậy đứng chờ. La Sơn phu tử cúi xuống lạy. Quang Trung đỡ ông già dậy và ngỏ ý mời phu tử cùng đi đánh giặc. La Sơn phu tử nói:

- Việc nước đang ngổn ngang, việc quân đang bận rộn. Thế mà nhà vua thân hành lên đây, kẻ già này xiết bao cảm kích. Nhưng nghĩ mình tài hèn sức yếu, không biết giúp được việc gì.

Quang Trung nói:

- Nhiều người tai mắt ở Thăng Long còn mơ hồ chưa biết cái tội bán nước hại dân của Chiêu Thống nên còn theo hắn, nối giáo cho giặc. Phu tử là người danh vang bốn bể. Phu tử hãy bày cho họ những điều phải trái. Họ sẽ nghe ra và nổi lên đánh giặc. Như thế chẳng phải là phu tử lập được công lớn với dân với nước đó sao?

Hai người nói chuyện rất lâu. Quang Trung chỉ những núi non trùng điệp chung quanh, lại chỉ ra ngoài bể xanh rờn, và nói:

- Giang sơn gấm vóc này, há để cho người nước ngoài cướp mất đi ư?

La Sơn phu tử rơm rớm nước mắt…".

Thái độ chân thành của vua Quang Trung quả đã có sức cảm hóa kỳ diệu đối với một bậc đại trí thức như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Và như đã biết, sau đó, nhiều nhà nho đã "vi phạm nguyên tắc ứng xử của Nho giáo" hợp tác với triều Tây Sơn.

Đào Duy Từ, ông đồ nho xứ Nghệ, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đều là người xứ "Đàng ngoài". Với những ứng xử như đã nói trên cho thấy, người Bình Định rất cởi mở. Ta cũng hiểu vì sao, trong quá trình lịch sử đã có biết bao trí thức từ các vùng miền khác đã đến đây lập nghiệp, góp sức xây dựng quê hương Bình Định. Điều này quý lắm thay!

. Lê Nhật Ký

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phong trào TDTT huyện Tuy Phước: Nhiều hứa hẹn   (25/11/2004)
Singapore tự tin nhập cuộc   (24/11/2004)
Danh sách chính thức 10 đội tham dự Tiger Cup 2004: Vắng nhiều ngôi sao   (23/11/2004)
Đăng ký bảo vật quốc gia: Đúng nhưng khó thực hiện   (23/11/2004)
Giải bóng đá quân đội ASEAN 2004: Ai sẽ vào sâu?   (22/11/2004)
Lương Trung Tuấn sẽ giải nghệ   (22/11/2004)
Khai mạc giải bóng đá Quân đội các nước ASEAN 2004: Việt Nam chiến thắng  (21/11/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng canh cánh một ước mơ   (19/11/2004)
Võ đường Thanh Trưng: Cha truyền con nối  (19/11/2004)
Văn Miếu Bình Định, ngôi đền bồi đắp truyền thống trọng chữ  (18/11/2004)
Tiger Cup 2004: Nhiều điểm mới  (17/11/2004)
Điền kinh Bình Định: Vẫn còn đó những khó khăn  (17/11/2004)
Tử Cấm thành trở lại hoang vu!   (16/11/2004)
Cơ sở văn hóa: thiếu và lãng phí   (16/11/2004)
Tản mạn với Issawa   (15/11/2004)