Người Sa Huỳnh sinh sống trên đất Bình Định cách ngày nay trên 2.500 năm trải dài từ Động Cườm (Hoài Nhơn) đến Hội Lộc (Quy Nhơn), đã để lại nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và trong lịch sử.
|
Tiền đồng thời Tống thế kỷ (XII-XIII) vừa được phát hiện |
Vùng đất Bình Định được thiên nhiên ưu đãi có nhiều sông ngòi cửa biển như: An Dũ (Hoài Nhơn), Đề Gi (Phù Cát), Thị Nại (Quy Nhơn)… Những cửa cảng này một thời là nơi giao lưu buôn bán với các nước trên thế giới dưới thời Chămpa, chúa Nguyễn, Tây Sơn… chính vì thế mà nơi đây thời gian qua đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa trong đó số lượng tiền đồng được phát hiện nhiều nhất. Năm 2001 phát hiện tiền đồng tại xã Hoài Hương, Hoài Xuân (Hoài Nhơn), Cát Minh (Phù Cát); năm 2002 phát hiện tiền đồng tại xã An Hòa (An Lão); tháng 7-2004 phát hiện tiền đồng tại phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn).
Với 13.900 hiện vật tiền đồng cổ được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, được chia ra nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, niên đại đúc tiền rất phong phú trải qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc từ thời Chính Nguyên Thông Bảo năm 256 sau Công nguyên (thời Hán) đến thời Khang Hy Thông Bảo (nhà Thanh), về loại hình thì tiền có dạng hình tròn, đường kính từ 2,1 đến 2,3cm, giữa có lỗ hình vuông, mỗi cạnh dài 0,7cm, có đồng cạnh dài đến 1cm, các loại tiền này phần lớn được đúc chữ nổi một mặt và có 4 chữ ghi niên hiệu các triều đại đúc tiền, mặt còn lại để trơn. Cả hai bên đều có gờ mép cuốn vào bên trong, bên đúc chữ có hai phần: bên ngoài là mép cuốn phẳng, bên trong đúc chữ, mặt chữ cao bằng mặt gờ cuốn, tiền có độ dày 1,7 đến 2mm…
Với việc có mặt các loại tiền đồng qua các triều đại phong kiến Trung Quốc tại Bình Định có thể nói rằng Bình Định xưa kia là nơi buôn bán sầm uất, là một trong những trung tâm giao thương tỏa đi các nước trong khu vực và trên thế giới.
. Bùi Tĩnh |