Phát huy tác dụng di tích thành Hoàng Đế
15:41', 28/11/ 2004 (GMT+7)

Cuộc khai quật tại khu vực Tử Cấm thành - thành Hoàng Đế trong tháng 9 vừa qua, bước đầu đã làm xuất lộ những dấu tích công trình kiến trúc văn hóa đầu tiên thuộc vương triều Tây Sơn. Việc khai quật sẽ được tiếp tục trong thời gian đến và Hội thảo khoa học nghiên cứu về thành Hoàng Đế cũng sẽ được tổ chức để làm cơ sở cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích.

* Ý nghĩa từ một di tích

Hồ Thủy Nguyệt trong Tử Cấm thành

Thành Hoàng Đế là di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia năm 1982. Thành nằm trên địa phận 3 thôn Nam Tân, Bắc Thuận (xã Nhơn Hậu) và Bả Canh (xã Đập Đá, An Nhơn). Lịch sử ghi lại, nguyên trước kia đây là thành Đồ Bàn của Vương quốc Champa giai đoạn XI-XV.

Năm 1771, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra trên phạm vi rộng lớn. Năm 1778-1793, Nguyễn Nhạc - lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa xưng Vương lấy niên hiệu Thái Đức, đã cho tu sửa mở rộng thành Đồ Bàn làm kinh đô của nhà Tây Sơn và lấy tên là thành Hoàng Đế. Tại nơi này, bộ chỉ huy quân Tây Sơn đã lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại quân Trịnh ở mặt Bắc và xuất quân tấn công họ Nguyễn ở phía Nam. Đầu năm 1785, từ đây Nguyễn Huệ chỉ huy xuất quân đánh tan 5 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút. Và cũng chính từ đây, Nguyễn Huệ đã xuất quân đánh tan quân Trịnh ở Phú Xuân, tiến thẳng ra Thăng Long lật đổ ách cai trị của tập đoàn chúa Trịnh, tạo tiền đề cho việc thống nhất đất nước. Từ năm 1802, dưới triều Gia Long, thành được đổi tên là thành Bình Định, thủ phủ của Quy Nhơn, rồi sau đó bị bỏ phế.

Hiện nay thành còn dấu tích rõ 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử Cấm thành. Trong 3 vòng thành, 2 vòng thành ngoài được đắp đất, kè thêm đá ong, gạch. Tử Cấm thành được xây hoàn toàn bằng đá ong, đây là vòng thành nguyên gốc do Nguyễn Nhạc thiết kế cho xây dựng, chu vi 600m, chân thành rộng 1,5m, chiều cao hiện còn 1,8-3m. Chính ngay trong Tử Cấm thành, theo sử sách ghi chép có các hạng mục như: Điện Chánh Tẩm (phòng ngủ của Vua), trước mặt có lầu Bát Giác (nay là miếu Chiêu Trung), hai bên dựng hai nhà thờ, bên phải thờ tổ tiên nhà Tây Sơn, bên trái thờ phía vợ Nguyễn Nhạc, trước lầu Bát Giác có cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc của các quan lại, trước cửa có cổng tam quan…

Năm 1802, sau khi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn cho xây dựng ngay chính trên lầu Bát Giác khu lăng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu - là hai tướng của nhà Nguyễn đã tuẫn tiết ở đây. Nhìn nhận về mặt lịch sử - văn hóa, thành Hoàng Đế đã được phủ lên nhiều lớp văn hóa khác nhau cùng tồn tại trên một di tích, từ thành Đồ Bàn với chức năng trung tâm tôn giáo và kinh đô của vương quốc Champa, đến thành Hoàng Đế giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp thắng lợi vẻ vang của phong trào nông dân Tây Sơn và thủ phủ Quy Nhơn của Nhà Nguyễn sau này.

* Những phát hiện bước đầu

Trong thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực Tử Cấm thành - thành Hoàng Đế. Cuộc khai quật đã mở hai hố: Hố H1 144m2 (16x 9m), nằm sát tường phía tây lăng Võ Tánh, đây là vùng đất liên quan đến Chánh Tẩm (cung chính) của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Tại đây đã tìm thấy 2 lớp kiến trúc thuộc hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Đối chiếu thực tế khai quật tại hiện trường, các hiện vật tìm được và kết hợp với sử liệu cho thấy, dấu tích kiến trúc triều Nguyễn (lớp trên) và công trình kiến trúc thủy hồ - các hiện vật trong lòng hồ thuộc vương triều Tây Sơn (lớp dưới). Hố H2, 45m2 (45x3m), phía góc tây bắc Tử Cấm thành, đây là vùng đất theo tài liệu lịch sử có liên quan đến nhà thờ tổ tiên Nguyễn Nhạc. Tại đây đã phát hiện nền móng của một kiến trúc đã bị phá bỏ.

Về hiện vật, cuộc khai quật đã thu được số lượng hiện vật vô cùng phong phú với nhiều loại hình, nhiều chất liệu khác nhau liên quan đến kiến trúc. Những hiện vật tìm được cho thấy: Về vật liệu xây dựng có hai nguồn gốc khác nhau. Khi xây dựng các công trình kiến trúc trong thành Hoàng Đế, vương triều Tây Sơn đã tận dụng sử dụng lại các vật liệu được kế thừa từ ngôi thành cổ của Champa. Bên cạnh đó họ còn tổ chức sản xuất vật liệu mới, góp phần vào dựng xây các công trình kiến trúc. Về đồ gốm sứ, đa phần là đồ sứ chất lượng cao có nguồn gốc Trung Hoa, niên đại thuộc thời Minh - Thanh. Bên cạnh đó là đồ gốm Việt, đồ sành có nguồn gốc bản địa. Niên đại của đồ gốm sành thuộc thế kỷ XII-XIII. Vũ khí thời Tây Sơn gồm đạn đá, đạn chì, giáo, lao, chĩa đôi… Đây là nguồn tư liệu quý hiếm góp phần làm sáng tỏ về những đóng góp của vương triều Tây Sơn trong nền văn hóa dân tộc.

* Những kế hoạch trong tương lai

Với những dấu vết ban đầu tìm được, đã báo dẫn cho chúng ta biết được trong lòng đất Tử Cấm thành còn ẩn chứa những dấu tích kiến trúc cung đình của vương triều Tây Sơn. Đây là nguồn tài liệu tin cậy làm cơ sở cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo quần thể di tích này trong tương lai. Với những kết quả bước đầu, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo, trong những năm đến cần đưa vào dự án và có kế hoạch nghiên cứu, khai quật tiếp để thu thập tư liệu làm căn cứ khoa học, từng bước dựng lại diện mạo, mặt bằng kiến trúc cung đình của vương triều Tây Sơn. Tiến đến sẽ tổ chức hội thảo khoa học để thu thập các ý kiến tham luận của các nhà khoa học đầu ngành của sử học Việt Nam về công tác bảo tồn và trùng tu tôn tạo di tích. Tiến hành lập dự án trình các cấp để có cơ sở phục hồi hiện trạng các bờ thành khu Tử Cấm thành và các công trình kiến trúc bên trong. Tôn tạo, sử dụng đá sa thạch tạc tượng các nhân vật lịch sử tiêu biểu có liên quan đặt tại di tích; tổ chức lễ hội văn hóa dân gian ở khu di tích; mở các tuyến đường thông xe từ khu vực Tử Cấm thành đến các di tích như: Tháp Cánh Tiên, chùa Thập Tháp, chùa Nhạn Sơn, tháp Phú Lốc và các làng nghề truyền thống xung quanh thành Hoàng Đế. Kết hợp với nghệ thuật ẩm thực của người Bình Định, biến nơi đây thành một khu du lịch di tích liên hoàn hấp dẫn du khách khi đến tham quan - nghiên cứu Bình Định nói riêng và con đường du lịch miền Trung nói chung.

. Hữu Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Về bộ sưu tập tiền đồng cổ trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (26/11/2004)
Tiger Cup 2004: Indonesia và giấc mơ vô địch  (26/11/2004)
Vẻ đẹp văn hóa Bình Định: trọng người hay chữ   (25/11/2004)
Phong trào TDTT huyện Tuy Phước: Nhiều hứa hẹn   (25/11/2004)
Singapore tự tin nhập cuộc   (24/11/2004)
Danh sách chính thức 10 đội tham dự Tiger Cup 2004: Vắng nhiều ngôi sao   (23/11/2004)
Đăng ký bảo vật quốc gia: Đúng nhưng khó thực hiện   (23/11/2004)
Giải bóng đá quân đội ASEAN 2004: Ai sẽ vào sâu?   (22/11/2004)
Lương Trung Tuấn sẽ giải nghệ   (22/11/2004)
Khai mạc giải bóng đá Quân đội các nước ASEAN 2004: Việt Nam chiến thắng  (21/11/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng canh cánh một ước mơ   (19/11/2004)
Võ đường Thanh Trưng: Cha truyền con nối  (19/11/2004)
Văn Miếu Bình Định, ngôi đền bồi đắp truyền thống trọng chữ  (18/11/2004)
Tiger Cup 2004: Nhiều điểm mới  (17/11/2004)
Điền kinh Bình Định: Vẫn còn đó những khó khăn  (17/11/2004)