Ám ảnh về những câu chuyện lưu truyền quanh di tích hòn đá Chữ (xã Hoài Châu - Hoài Nhơn), chúng tôi lại càng thấy băn khoăn: vì sao một di tích quan trọng như thế này lại chưa được giải mã đầy đủ…
* Một di tích phủ bóng huyền thoại
|
Cổ tự khắc trên hòn đá Chữ |
Hòn đá Chữ nằm trong hóc Hố Giang, núi Mạch Vàng, thuộc thôn Thành Sơn, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Toàn bộ hòn đá rộng khoảng hơn 2m, dài hơn 3,3m, khắc đầy minh văn viết bằng chữ Chăm-pa cổ. Nét khắc vuông, đều, chia thành 15 hàng. Một số dòng đầu, nơi có dòng nước không ngừng đổ xuống đầu phiến đá, đã bị rêu bám đen, mất nét nên rất khó nhận diện ra mặt chữ, một số dòng sau lờ mờ có thể nhận ra nét chữ.
Hòn đá Chữ nằm ngay trên một lòng hồ nước hẹp. Tương truyền, trong lòng hồ có một cái giếng mở xuyên suốt nền đá. Có người còn khẳng định: lòng giếng thông ra tận vùng biển khơi. Theo lời người dân địa phương, bao giờ miệng giếng cũng ngập sâu trong nước, bất kể khi trời khô hạn. Vào những mùa nắng kéo dài, khi trời sắp mưa, lòng giếng vọng lên những tiếng động lạ và người dân quanh vùng có thể nhìn thấy cầu vồng bảy sắc hiện ra từ miệng giếng.
Quanh hòn đá Chữ, còn nhiều dấu tích lạ. Chẳng hạn, một vết lõm sâu hình chữ nhật in hình trên nền đá đã thấy từ rất xa xưa, dù nước chảy nhưng dấu hằn trên đá vẫn chưa mòn hết. Người dân quanh vùng cho rằng đây là dấu một quan tài mở ra trên nền đá. Rồi một lỗ khá tròn trên đá, có người nói rằng đây là dấu chiếc gậy lớn cắm sâu vào lòng đá. Bên cạnh đó, có một vết lõm in rõ hình một bàn chân khổng lồ giẫm trên một phiến đá lớn.
* Sớm giải mã bí ẩn của minh văn
|
Vết lõm sâu hình chữ nhật trên một phiến đá |
Thật ra, hòn đá Chữ chính là bia Thành Sơn, trước đây thuộc làng Thành Sơn, tổng Vân Sơn, huyện Hoài Ân, vốn đã được người Pháp thống kê từ năm 1932. Đến nay, bức minh văn này vẫn chưa được giải mã, nhưng có một điều chắc chắn: đây là vùng cư trú của người Chăm-pa xưa.
Nhà văn Từ Quốc Hoài từng giả định vùng Hố Giang này là kinh đô sơ tán của vua Chăm-pa trong cuộc chiến chống quân Nguyên. Tuy nhiên, giả định này có chính xác hay không thì vẫn phải trông chờ vào sự giải mã bí ẩn của bức minh văn. Cán bộ văn hóa địa phương đã nhờ một số nhà khảo cổ học, sử học trong nước để nhờ giải mã giúp nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.
Trong khi đó, nếu không nhanh chóng nghiên cứu, giải mã những gì còn lại có thể đọc được, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, toàn bộ bức minh văn sẽ bị dòng nước làm mờ, mất nét và sẽ không thể đọc được.
. Khải Nhân |