Trọng chữ qua tâm thức dân gian Bình Định
15:29', 1/12/ 2004 (GMT+7)

Văn hóa ngày nay được hiểu là những giá trị tinh thần và vật chất. Dù thừa nhận cách hiểu này nhưng chúng ta vẫn coi trọng phương diện tinh thần hơn. Đó chính là cái còn lại sau những gì sẽ mất đi. Hiểu một cách đơn giản, tâm thức dân gian là tình cảm (tâm) và nhận thức (thức) của người dân về một vấn đề nào đó của đời sống văn hóa. Ở đây là vấn đề trọng chữ.

Nữ sinh viên trường ĐH Quy Nhơn (ảnh: Quốc Duy)

Tâm thức văn hóa dân gian Bình Định thể hiện rõ trong ca dao, tục ngữ. Như nhiều cộng đồng cư dân khác, người Bình Định cũng có một kho tàng ca dao, tục ngữ rất phong phú.

Người Bình Định ý thức rõ tầm quan trọng của chữ nghĩa, day dứt vì "cái khó bó cái khôn":

Ngọc bất trác bất thành khí

Nhân bất học bất tri lý

Bởi nghèo chịu chữ ngu si

Phải chi có của thua gì thế gia.

Không chấp nhận "chữ ngu si", người Bình Định coi trọng những người biết vượt lên hoàn cảnh để học hành. Theo họ, "Khó mà hay chữ còn hơn - Giàu mà hay chữ như sơn thếp vàng".

Họ cũng công khai một thái độ hết sức nghiêm khắc:

Làm thơ mà dán cây chanh

Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn

Gái bỏ bán buôn, gái còn lịch sự

Trai bỏ học hành, mỗi chữ năm roi.

Bình Định có Văn Miếu, có Trường Thi. Cả hai đều liên quan đến học hành thi cử. Trong Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành, tác giả Mai Thìn viết: "Nhờ sự trọng thị của người xưa với nền học vấn, với hiền tài của đất nước, Văn Miếu đã trở thành một dấu son đỏ rực trong trang sử địa phương, nó đã góp phần to lớn làm nên nguyên khí, làm nên nền Văn Hiến của tỉnh Bình Định" (tr.68). Cũng sách này cho biết: trong 65 năm tồn tại, Trường Thi Bình Định đã tổ chức được 22 khoa thi, chọn được 342 cử nhân, trong đó Bình Định chiếm tới 194 vị với 12 thủ khoa, 11 Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng. Đây là những con số rất đáng tự hào. Liên quan tới Trường Thi, tâm thức dân gian Bình Định bộc lộ nhiều nét tình cảm khác nhau. Có lúc đó là tâm trạng tiếc nuối:

- Tiếc công Bình Định xây thành

Để cho Quảng Ngãi vào giành thủ khoa.

Có khi là tự hào:

- Uổng công Quảng Ngãi đường xa

Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.

Và có khi đó là nỗi hoài niệm khi Trường Thi chỉ còn là hình ảnh của một thời Nho học đã qua:

- Nhớ xưa vua mở khoa thi

Ngựa xe sĩ tử một thời hiển vinh.

Tinh thần trọng chữ cũng đã góp phần làm nên một nét đặc trưng của ca dao dân ca Bình Định. Đó là hiện tượng đố chữ. Xin đơn cử một vài ví dụ.

- Tiếng đồn chàng hay chữ

Tài ngang tú cử

Lại đây em hỏi thử một đôi câu:

Ngọt ngay nước chảy dưới cầu

Gọi cầu Nước Mặn cớ bởi đâu hỡi chàng?

Nữ:

Em hỏi chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hòa

Trong ba chữ ấy anh thờ mẹ cha chữ nào?

Nam:

Chữ trung anh dành trọn cho quốc gia

Chữ Hiếu thờ cha mẹ, chữ Hòa phần em.

Trong những trường hợp này, người đố và người được đố đều là những người hay chữ. Vẻ đẹp của những bài ca dao dân ca này chính là ở chiều sâu trí tuệ ẩn trong từng câu chữ. Nó cho thấy kho tàng tri thức dân gian, khát vọng khám phá thế giới chữ nghĩa của quần chúng nhân dân lao động.

. Lê Nhật Ký

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Từ một giải bóng đá phong trào đầy ý nghĩa   (01/12/2004)
Thái Lan và nỗi sợ mơ hồ   (01/12/2004)
Theo dấu hòn đá chữ  (30/11/2004)
Ronaldinho, Henry và Shevchenko - 3 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới   (30/11/2004)
Hoa Lâm Bình Định những ngày này   (29/11/2004)
Lào, Campuchia - đến không chỉ để "phó hội"   (29/11/2004)
Phát huy tác dụng di tích thành Hoàng Đế  (28/11/2004)
Về bộ sưu tập tiền đồng cổ trưng bày tại Bảo tàng Bình Định  (28/11/2004)
Tiger Cup 2004: Indonesia và giấc mơ vô địch  (26/11/2004)
Vẻ đẹp văn hóa Bình Định: trọng người hay chữ   (25/11/2004)
Phong trào TDTT huyện Tuy Phước: Nhiều hứa hẹn   (25/11/2004)
Singapore tự tin nhập cuộc   (24/11/2004)
Danh sách chính thức 10 đội tham dự Tiger Cup 2004: Vắng nhiều ngôi sao   (23/11/2004)
Đăng ký bảo vật quốc gia: Đúng nhưng khó thực hiện   (23/11/2004)
Giải bóng đá quân đội ASEAN 2004: Ai sẽ vào sâu?   (22/11/2004)