Điện thờ Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung
16:44', 5/2/ 2004 (GMT+7)

Bảo tàng Quang Trung

Từ thị trấn Phú Phong, cách TP Quy Nhơn khoảng 40km, theo Quốc lộ 19 về phía Tây, du khách rẽ phải qua khỏi bờ Bắc sông Kôn chừng 1km là tới Bảo tàng Quang Trung (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định). Đó là nơi bảo tồn di sản văn hóa vô giá thời Tây Sơn, với quần thể kiến trúc Điện Tây Sơn - Bảo tàng - Nhà diễn võ.

Sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn thế kỷ XVIII mãi mãi đi vào lịch sử tâm thức dân tộc như một khúc ca hoành tráng. Phong trào đó gắn với tên tuổi của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Để ghi ơn những người anh hùng của quê hương, nhân dân địa phương đã dựng lên trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - thân sinh ba anh em Tây Sơn - một ngôi đình cao to bề thế, gọi là đình làng Kiên Mỹ. Sau đó vì sự trả thù khốc liệt của triều Nguyễn đối với nhà Tây Sơn, đình làng Kiên Mỹ phải lấy danh nghĩa thờ thần, nhưng thực chất là thờ ba ngài, các sắc phong thần nhân dân đưa ra thờ ở miếu Vĩnh An gần đó. Hàng năm, vào ngày rằm tháng 11 âm lịch, dân làng tổ chức cúng giỗ ba ngài Tây Sơn, dâng hương hoa và mật cáo, không đọc văn tế.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình bị phá hủy. Năm 1958 nhân dân đóng góp công của để xây dựng lại và lấy tên là Tây Sơn Điện (Điện thờ nhà Tây Sơn). Trải qua bao mưa nắng và chiến tranh, Điện thờ nhà Tây Sơn vẫn được nhân dân quanh vùng chăm lo hương khói. Điều đáng ghi nhận là nhân dân đã nâng niu những di vật thiêng liêng của nhà Tây Sơn. Đó là giếng nước đá ong và cây me cổ thụ, ngày nay trở thành một bộ phận không thể thiếu của khu di tích Điện thờ.

Ngày 29-4-1979, Điện thờ Tây Sơn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Cũng năm 1979, Bảo tàng Quang Trung được xây dựng cạnh khu di tích để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần thời Tây Sơn.

Từ năm 1998, trong kế hoạch nâng cấp Bảo tàng Quang Trung thành khu di tích với quy mô tầm vóc quốc gia, Điện thờ Tây Sơn đã được trùng tu dựa theo cấu trúc điện cũ với diện tích 343m2. Điện thờ Tây Sơn xây bằng chất liệu xi măng, phỏng theo kiểu mái cong cổ kính. Trên của tam quan có đúc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán:

Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ

Khoáng thế anh hùng hữu nhất môn

(Sự nghiệp cao dày ngàn năm bia ghi tạc

Trên đời hiếm có hào khí sống trong nhà)

Qua cửa tam quan, ta bước vào nhà dẫn nối với trung tâm điện chính. Nhà dẫn được bố cục hai hàng cột song song chạm trổ rồng quấn quanh. Giữa hai hàng cột là bệ cao đặt tấm bia đá với nội dung ca ngợi công đức Hoàng đế Quang Trung. Nội thất điện bài trí các án thờ, phía trước là án hội đồng, sau án hội đồng là án thờ ba ngài: án thờ Hoàng đế Quang Trung ở giữa, bên trái thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, bên phải thờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Trên các án thờ chính có tàn vuông thêu long-ly-quy-phượng và tên hiệu ba ngài bằng chỉ ngũ sắc. Hai bên mỗi án thờ có lọng che. Trên án thờ đặt bình phong, tam sơn, rùa đội hạc... Trước án thờ ba ngài đặt 2 giá gỗ dựng một số binh khí như đao, roi, chùy, thương... Hai bên tả hữu là án thờ văn thần, võ tướng. Động phòng, tây phòng để chiêng, trống dùng trong các ngày tế lễ tại điện.

Bảo tàng Quang Trung đã mã hóa những thông tin về phong trào Tây Sơn và cuộc đời sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ qua những tài liệu, hiện vật trong hệ thống trưng bày, đặc biệt có một số hiện vật gốc, tư liệu vô cùng quý: bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn; sưu tập tiền đồng thời Tây Sơn gồm đủ ba niên đại Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh; các sắc phong, gia phả của nhiều vị văn thần, võ tướng Tây Sơn... Với cách tổ chức trưng bày khoa học, Bảo tàng đã giới thiệu toàn bộ sự nghiệp của người anh hùng Quang Trung qua các giai đoạn: chuẩn bị lực lượng (trước 1771); lật đổ chúa Nguyễn và kháng chiến chống Xiêm (1771-1785); giải phóng Đàng Ngoài và thống nhất đất nước (1786-1788); kháng chiến chống Thanh (1788-1789); xây dựng đất nước (1789-1792).

Ngoài ra Bảo tàng Quang Trung còn lưu giữ và thể hiện nét văn hóa đặc sắc thời Tây Sơn là tinh thần thượng võ và những bài võ cổ truyền trong 18 môn binh khí thời Tây Sơn: roi, đao, cung, kiếm... Dàn trống trận Tây Sơn gồm 12 chiếc. Dưới tay trống của nghệ nhân, tiết tấu 3 hồi: xuất quân, hãm thành, ca khúc khải hoàn mừng chiến thắng như còn vang dội âm hưởng của những chiến công ngày nào...

Hàng năm, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch đã trở thành lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương, với những nghi thức trang trọng của lễ kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, chúng ta ôn lại sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ. Những sinh hoạt văn hóa lễ hội như đua thuyền, bơi lội, hát tuồng, bài chòi, cờ người, biểu diễn trống trận và võ Tây Sơn... như nhân lên sự cộng cảm trong niềm vui chung của hàng vạn lượt du khách tìm về quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

. Theo Văn hiến Việt Nam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đầu xuân cờ tướng xuất quân   (03/02/2004)
Những chuyển động trước trận Bình Định - Yokohama   (02/02/2004)
Bình Định chứng tỏ tư thế của đương kim vô địch  (01/02/2004)
Đội Bình Định sẵn sàng cho 3 trận tuyến  (30/01/2004)
Hội làng mở giữa mùa xuân  (30/01/2004)
Vài nét về bộ tranh "Bình Định An Nam chiến đồ"  (31/01/2004)
Trời Nam - Một mốc son của Nhà hát Tuồng Đào Tấn  (28/01/2004)
Thạch ngoạn – bản thể vô ngôn   (27/01/2004)
Hội hoa đăng trên sông Kôn  (26/01/2004)
Rộn ràng 4 sắc màu nghệ thuật  (25/01/2004)
Tết ở cung đình ngày xưa   (24/01/2004)
Nhớ nét xuân Bình Định xưa  (21/01/2004)
Ngày xuân với thú chọi gà  (20/01/2004)
Văn thần, võ tướng: Đã tề tựu trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt  (20/01/2004)
Tây Sơn: Những ngày tiền Lễ hội   (19/01/2004)