|
Các già làng đọc văn tế trước lễ đâm trâu (ảnh: Công Tâm) |
Cách đây vừa đúng 45 năm, từ vùng núi rừng Vĩnh Thạnh, phát súng giòn giã đầu tiên của cuộc chiến tranh cách mạng chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam đã nổ ra với khởi nghĩa Tà-Lôk Tà-Lek. Ngọn lửa cách mạng ấy đã đi vào lịch sử như một cái mốc mở ra thời kỳ mới của cách mạng Bình Định, cách mạng miền Nam. Hôm nay, cũng trên mảnh đất anh hùng ấy, Lễ hội (LH) kỷ niệm 45 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã tưng bừng diễn ra.
Ông Đinh Thanh Quyền (người làng Tờ Lék), một người du kích năm xưa tham gia cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, đã đến dự LH từ rất sớm. Ông tâm sự: "Được mời về dự LH lần này, mình thấy náo nức lắm. Cứ nghĩ đến chuyện được gặp lại những người đã cùng chiến đấu năm xưa, ôn lại những ngày tháng không thể quên, là đã vui rồi".
Thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo, chưa bao giờ sôi động như những ngày diễn ra LH kỷ niệm 45 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh lần này. Không đợi đến ngày hội, với cờ hoa và những dòng người tấp nập, cùng những trò chơi dân gian trải suốt hai ngày hội (5 và 6 tháng 2) diễn ra sôi nổi, mà không khí náo nức của ngày hội lớn đã đến từ nhiều ngày trước khi gần 800 người tham gia diễu hành, rồi 700 người tham gia phần hội, tất bật chuẩn bị. Cái không khí ấy náo động một vùng trung tâm huyện yên bình, và đánh thức trong lòng những người như ông Quyền ký ức về những ngày tháng hào hùng không dễ quên, khi người dân Vĩnh Thạnh cầm vũ khí đứng lên, chống lại kẻ thù. Dường như, ngọn lửa Tà-Lôk Tà-Lek vẫn khôn nguôi ấm nóng trong mỗi trái tim người Vĩnh Thạnh như ông. Là người trong cuộc, ông Quyền nói mà môi cứ như cười: "Vui lắm! Vui lắm! Vui vì được dự ngày hội lớn, vui vì 45 năm giờ ngồi nhìn lại, mới thấy chưa bao giờ thấy quê hương mình đổi mới, tươi đẹp như ngày hôm nay".
Có mặt trong những sắc màu LH này, cùng với những người chiến sĩ đã tham gia cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh năm xưa, là những sắc áo xanh của tuổi trẻ hôm nay. Cùng với họ là nhân dân các dân tộc Vĩnh Thạnh, trong những trang phục ngày hội thật rực rỡ. Hai ngày diễn ra LH, họ được sống trong không khí hào hùng, ai cũng thấy trỗi lên niềm tự hào với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Và họ được vui trong những trò chơi đậm chất dân gian truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, mang vật nặng… cả những tiết mục văn nghệ biểu diễn trong hội diễn văn nghệ 2 đêm 5 và 6-2.
|
Thế hệ trẻ Vĩnh Thạnh hôm nay nguyện tiếp bước cha anh (ảnh: Công Tâm) |
10 trại tham dự hội trại của 7 xã trong huyện và 3 đơn vị dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện, địa điểm diễn ra LH, cũng tạo cho ngày hội một không khí tưng bừng. Bên mỗi trại là những sinh hoạt giao lưu, với những cần rượu vít cong, những lời ca đậu trên môi, những câu chuyện râm ran suốt đêm hội. Anh Nguyễn Đức Hùng (xã Vịnh Thịnh), tâm sự: "Chúng tôi dựng trại từ sáng ngày 5-2. Ai trong xã tham gia cũng thấy náo nức, cũng mong muốn góp thêm chút sắc màu cho thành công LH. Do vậy, ngoài tham gia trong hội trại, xã còn có đội cồng chiêng của CLB cồng chiêng làng Kon Tờ-lok tham gia trong phần hội".
Đông, vui nhất vẫn là vào sáng ngày 6-2, ngày diễn ra Lễ kỷ niệm. Người trong huyện, đến từ các thôn, làng xa, tranh thủ về dự hội hôm trước; nay có thêm người đến từ huyện Đắc Hà (tỉnh Kon Tum) và các địa phương khác trong tỉnh, cùng náo nức tụ hội để được sống trong những sắc màu LH.
Sau phần diễu hành với sự tham gia của 800 học sinh, cán bộ, nhân dân và lễ mít-tinh, là phần hội gồm 3 chương mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước; tiếp bước cha ông; lễ đâm trâu mừng chiến thắng, tái hiện lại những chặng đường lịch sử, truyền thống của một vùng đất. đồng thời, qua đó, cũng thể hiện được những sắc thái đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Được chú ý đặc biệt và thu hút nhất vẫn là múa Bahnar (xoang) và lễ đâm trâu trong chương cuối của phần hội. Anh Y Oai, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Vĩnh Thạnh, đạo diễn LH, cho hay: "Đội xoang của chúng tôi tập từ một tuần nay, gồm toàn các bạn trẻ từ các xã trong huyện. Nhìn chung, các bạn trẻ này đều thấm xoang qua những sinh hoạt ở buôn làng, nay chúng tôi chỉ tập thêm để thuần thục mà thôi".
Sau phần cúng lễ của người già, những thanh niên trai tráng đã gióng lên hồi cồng, hồi chiêng, báo hiệu lễ đâm trâu. Điệu xoang đã bắt đầu với những động tác khỏe, dứt khoát và mang tính hùng tráng. Trung tâm chú ý của xoang vẫn là người múa trống, kết hợp diễn tấu trống với các động tác quay người trên một chân, ngã người ra sau… theo tiết tấu nhanh, sôi nổi. Bên cột trâu, con trâu được quấn quanh cổ bằng dây bện từ sợi cây thắt máu, đã được cột sẵn. 2 người già, vốn là những người từng tham gia cuộc khởi nghĩa năm xưa, cùng 2 thanh niên khỏe mạnh, tất cả trong trang phục Bahnar truyền thống, tay cầm giáo, tiến hành lễ đâm trâu.
Phần lễ chính đã khép nhưng những hoạt động của ngày hội vẫn tiếp diễn với các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, giao lưu tại hội trại. Và qua những hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa dân gian như vậy, LH gián tiếp kể với chúng ta về một dân tộc biết làm rẫy, cắm chông, biết căm thù, cầm vũ khí đứng lên diệt giặc; biết dưỡng nuôi khát vọng qua những LH, những điệu cồng chiêng, điệu xoang và những h’moan hát thâu đêm.
. Lê Viết Thọ |