Văn Miếu - Đền văn của Bình Định
16:3', 12/2/ 2004 (GMT+7)

Con nghê đá trên bình phong ở Văn Miếu

Nằm cách cổng sân bay Phù Cát về phía Nam chừng 800 m,Văn Miếu tọa lạc trên một gò đất quang đãng của thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành (An Nhơn). Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, phần tỉnh Bình Định, thì Văn Miếu (người dân thường gọi là Văn Thánh) được xây dựng vào năm đầu niên hiệu Gia Long (1802) tại thôn Vĩnh Lại, nay là thôn Vĩnh Phú, nằm ở phía Tây xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn.

Khuôn viên của Văn Miếu rất rộng, phía Tây có đền Khải Thánh. Văn Miếu được trùng tu lần đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ mười (1829), lần thứ hai vào năm Bảo Đại thứ mười (1933). Thời phong kiến, Văn Miếu do Đốc bộ đường Bình Định quản lý. Theo mô tả của nhà thơ Quách Tấn trong Nước non Bình Định thì:

"Văn Miếu có qui mô rộng lớn, gồm có 3 tòa, mỗi tòa 3 gian hai chái. Cột lớn hơn ôm, kèo trính toàn danh mộc.     Tòa chính thờ đức Khổng Tử cùng Chư Hiền.             Tòa phía tây thờ đức Khải Thánh (thân sinh đức Khổng).             Tòa phía đông thờ các tiên Nho. Miếu xây mặt vào Nam, trước có bình phong, ba biểu và cửa Tam Quan, chung quanh có thành đá bao bọc.

Văn Miếu rộng thênh thang và trồng toàn xoài tượng, gốc lớn tàn sum, quang cảnh thật thâm nghiêm u tĩnh. Người đến viếng cảnh tự nhiên thấy lòng mình trở nên rộng rãi nhẹ nhàng. Cho nên, thời tiền chiến, người bốn phương thường đến cung chiêm, nhất là những ngày lễ và ngày chủ nhật. Mọi người đều tôn xưng là thắng cảnh.

Thời kháng chiến chống Pháp, thành ngoài Văn Miếu bị phá, cửa miếu và vách miếu bị dỡ, một số xoài bị đốn. Ngót năm bảy năm trời, gió mưa tàn phá thêm nữa, thành cột kèo xiêng trính bị hư hỏng rất nhiều. Và tòa phía Đông không chịu nổi phong sương bị đổ nát…"

Bia "Khuynh cái hạ mã" trước cổng Văn Miếu

Di tích còn lại là phía trước cổng, hai bên tả hữu có nhà bia cao hơn 3 m khắc chữ "khuynh cái hạ mã", trong đó có hai con lân cao hơn ba mét đúc bằng vôi ốc, án ngự hai bên trông rất bề thế và cổ kính (ngày nay chỉ còn một con). Xung quanh Văn Miếu là những vườn xoài tượng, gốc to 3-4 người ôm không xuể. Trong những năm tháng chiến tranh, do ảnh hưởng của bom đạn, các vườn xoài đã tàn lụi hết. Hồi ấy, hầu hết cột kèo đều bị dỡ bỏ, lớp làm hàng rào, lớp làm củi đốt. Người dân Vĩnh Phú dùng tám cây cột lớn của Văn Miếu để dựng đình thờ Thành Hoàng làng ở xóm Dưới, nhưng rồi cũng bị bom pháo tàn phá đổ sập.

Theo nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn, ngoài Văn Miếu, ở Bình Định còn có 6 Văn Chỉ được phân bố ở các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Bình Khê (Tây Sơn) và Phù Mỹ. Văn Miếu hay Văn Chỉ đều là nơi tập hợp các văn tài trong xứ, chỉ khác là Văn Miếu ở Nhơn Thành do cấp tỉnh quản lý (đền văn), còn Văn Chỉ là do cấp huyện quản lý (chốn văn). Văn Miếu, Văn Chỉ nào cũng dành riêng một bàn thờ với bốn chữ lớn "Vạn thế sư biểu" (Bậc thầy của muôn đời) để tôn vinh đức Khổng Tử. Song thực chất của Văn Miếu Nhơn Thành cũng như Văn Chỉ ở các nơi khác là nhằm tập hợp các nhà khoa bảng đã thành đạt có trách nhiệm chăm sóc, khuyến khích, dìu dắt các lớp hậu bối.

Các Văn Miếu, Văn Chỉ trên đã đóng góp rất nhiều sĩ tử giỏi cho Trường thi Bình Định. Trong 65 năm tồn tại, Trường thi Bình Định đã tiến hành 22 khoa thi, chọn lọc được 342 vị cử nhân, trong đó Bình Định chiếm đến 194 vị với 12 thủ khoa. Hai huyện có nhiều cử nhân nhất là Tuy Phước với 63 vị và An Nhơn với 55 vị. Khoa thi nào cũng vậy, các thí sinh Bình Định trước khi bước vào cổng trường thi hương đều phải qua sát hạch thử ở các Văn Chỉ huyện.

Tại Văn Chỉ huyện Tuy Phước (nằm ở thị trấn Tuy Phước hiện nay) còn lưu giữ nhiều di vật, đặc biệt có bảng đá quí khắc tên và hành trạng đỗ đạt của các nhà khoa bảng tiền bối từ tiến sĩ, cử nhân, đến tú tài. Rất có thể tại Văn Miếu Nhơn Thành thời xưa cũng có lưu giữ tên tuổi và hành trạng đỗ đạt của các vị khoa bảng trong cả tỉnh, nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá nên ngày nay đã không còn.

Ngoài ra, cứ ba năm một lần, ở Bình Định hồi ấy còn có lệ "hát Văn Miếu". Mỗi lần "hát Văn Miếu" là một cuộc đua tài sôi động của các nghệ sĩ ở các gánh hát bội trong toàn tỉnh.

Chỉ có Văn Miếu ở thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, mới tổ chức hát bội thành lệ, còn các Văn Chỉ thì không thành lệ mà chỉ tổ chức hát mừng vào những dịp thuận tiện, như hát mừng sĩ tử huyện nhà đỗ đạt cao chẳng hạn.

Lệ hát Văn Miếu do Hội đồng quản trị Văn Miếu tiến hành theo qui định. Các nghệ sĩ hát bội ở các gánh hát căn cứ vào kịch mục sẽ diễn mà đăng ký nghệ sĩ thủ vai. Hội đồng quản trị Văn Miếu sẽ sắp xếp, chỉ định vai vế vở diễn, ai diễn trước, ai diễn sau. Kết thúc cuộc thi, Tổng đốc Bình Định ký bằng ban thưởng danh hiệu Chánh ca hay Phó ca cho các nghệ sĩ đoạt giải cao. Các nghệ sĩ tên tuổi của Bình Định, như Chánh ca Ghình, Chánh ca Đựng, Phó ca Á, Phó ca Chạng… đều là các tên tuổi được tôn vinh từ "hát Văn Miếu" ở Nhơn Thành.

Trải bao thăng trầm của thời gian và chiến tranh tàn phá, ngày nay Văn Miếu ở Nhơn Thành chỉ còn lại tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư lỗ chỗ vết đạn, một con lân cao hơn hai mét và bia "Khuynh cái hạ mã" ở trước cổng. Toàn bộ Văn Miếu đã bị đổ nát, người dân Vĩnh Phú cho xây lại trên nền cũ một ngôi đình nhỏ bé để thờ cúng vào dịp thanh minh, lễ, tết…

Hiện nay Văn Miếu được làng giao cho cha con ông Mai Đức An coi giữ và cúng tế hàng năm. Trong ý thức của phần lớn thế hệ người dân địa phương, đều không còn hiểu được giá trị to lớn của Văn Miếu mà chỉ biết đó như là ngôi đình làng để thờ cúng.

Với phong trào khuyến học, khuyến tài mà Đảng và Chính phủ đang phát động, thiết nghĩ tỉnh Bình Định nên khẩn trương khôi phục lại Văn Miếu để con cháu thấy được truyền thống trọng hiền tài của ông cha mà chăm lo sự học, đặc biệt là ý thức khuyến học đến từng dòng họ, từng gia đình làng xã nhằm nuôi dưỡng ý chí ham học hỏi của quê hương.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định sẽ lại đoạt huy chương?  (11/02/2004)
Trận thắng nhàn nhã của Yokohama   (10/02/2004)
Bình Định đã sẵn sàng cho trận đấu với Yokohama   (09/02/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi quyết tâm thi đấu hết mình  (08/02/2004)
Núi rừng vào hội  (08/02/2004)
Bình Định chia điểm thành công trên sân khách  (06/02/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm trên sân khách?   (05/02/2004)
Cúp C1 châu Á: Bình Định không nuôi hy vọng hão huyền   (05/02/2004)
Điện thờ Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung  (05/02/2004)
Đầu xuân cờ tướng xuất quân   (03/02/2004)
Những chuyển động trước trận Bình Định - Yokohama   (02/02/2004)
Bình Định chứng tỏ tư thế của đương kim vô địch  (01/02/2004)
Đội Bình Định sẵn sàng cho 3 trận tuyến  (30/01/2004)
Hội làng mở giữa mùa xuân  (30/01/2004)
Vài nét về bộ tranh "Bình Định An Nam chiến đồ"  (31/01/2004)