Cúp C1 Châu Á: Sân chơi quá sức cho Bình Định
18:16', 15/2/ 2004 (GMT+7)

Mục tiêu của Bình Định (áo đỏ) vẫn là thành tích ở giải V-League

Thất bại của đội Bình Định trong trận lượt đi Cúp C1 Châu Á trước đối thủ đến từ xứ sở Hoa anh đào là Yokohama vào ngày 10-2 vừa qua trên sân Quy Nhơn là một kết quả được dự báo trước. Hai đối thủ còn lại của Bình Định ở giải nay là Persik (Indonesia) và Seongnam (Hàn Quốc). Liệu Bình Định có thể "kiếm điểm" tại giải đấu cấp Châu lục này không?

Với đội bóng đại diện cho Indonesia thì Bình Định hoàn toàn có thể. Nói như vậy không phải vì suy luận theo tính chất "bắc cầu" từ chiến thắng đậm đà của người anh em là Hoàng Anh Gia Lai trước một đội bóng khác của Indonesia là Makassar. Trên thực tế, đội Persik mạnh hơn Makassar rất nhiều. Nhưng vào thời điểm hiện nay, Persik đang gặp vấn đề bất ổn: Thua cả 5 trận trong 5 vòng đấu kể từ đầu giải Vô địch quốc gia Indonesia đến nay và chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng. Sơ đồ chiến thuật của Persik thường là 1-3-5-2. Theo cách đó, tuyến tiền vệ rất mạnh, nhưng ngược lại hàng hậu vệ sẽ không được tốt. Lối thi đấu của Persik là: lấy tấn công để phòng thủ. Cách chơi của đội bóng này dựa trên nền tảng thể lực dồi dào, đáng chú ý trong đó có các cầu thủ thi đấu rất tốt như: hậu vệ Juan Carlos Tapia (người Chilê), tiền đạo Manuel (người gốc Nigieria), Ekenwa, Susanto…

Trong khi đó, Bình Định thường chơi với sơ đồ chiến thuật 1-5-3-2, nghĩa là thiên về phòng thủ chặt và phản công nhanh. Nếu ngón đòn sở trường của Bình Định là triển khai bóng từ 2 biên và đưa bóng vào khu trung lộ để tạo cơ hội cho các tiền đạo hoặc tiền vệ băng lên từ tuyến 2, thì lối chơi của Persik lại tập trung đánh vào trung lộ bằng các đường phối hợp nhanh, ít chạm. Ở thời điểm hiện tại, và nhất là 2 đối thủ cùng bảng còn lại quá mạnh thì chỉ có Persik là đội duy nhất Bình Định có thể kiếm điểm.

Đối thủ cuối cùng của Bình Định tại Cúp C1 là Seongnam thì sao? Xin thưa: họ quá mạnh, mạnh hơn cả Yokohama. Seongnam đã 3 lần liên tiếp đoạt chức vô địch Hàn Quốc (K-League). Họ là đội bóng mạnh về nhiều mặt, trong đó bao gồm cả lực lượng và tài chính. Seongnam đang "sở hữu" trong đội hình gồm: Kim Do-hoon (Vua phá lưới K-League 2003), Shin Tae-yong (cầu thủ hay nhất K-League 2001), đặc biệt là Laktionov (cầu thủ từng có tên trong đội tuyển Nga trước World Cup 2002). Seongnam được dẫn dắt bởi HLV xuất sắc Cha kyung-bok. Thành tích của Seongnam ở trong nước cũng như trên đấu trường châu lục khiến nhiều CLB khác phải ao ước: Vô địch Cúp C1 (1995), Vô địch Cúp Á-Phi (1995), Siêu cúp Châu Á (1996), Á quân cúp C1 (1997), 6 lần vô địch K-League, 1 lần vô địch cúp Quốc gia, 2 lần vô địch cúp Adidas và 1 Siêu cúp Quốc gia.

Rõ ràng, dù không tự ti nhưng chúng ta đều thấy, cánh cửa đi sâu vào cúp C1 châu Á không dành cho Bình Định bởi đã có những đối thủ mạnh như Yokohama, Seongnam cản đường. Bình Định chỉ có thể kiếm điểm tại giải đấu này từ đối thủ ngang tầm Persik mà thôi. Và cũng chỉ như thế. Theo chúng tôi, mục tiêu của Bình Định vẫn là thành tích ở giải V-League, còn cúp C1 thì quả là một sân chơi quá sức.

. Công Tâm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thiếu Issawa, Bình Định có vượt qua được khó khăn?  (13/02/2004)
Văn Miếu - Đền văn của Bình Định  (15/02/2004)
Văn Miếu - Đền văn của Bình Định  (12/02/2004)
Bình Định sẽ lại đoạt huy chương?  (12/02/2004)
Trận thắng nhàn nhã của Yokohama   (12/02/2004)
Bình Định đã sẵn sàng cho trận đấu với Yokohama   (12/02/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi quyết tâm thi đấu hết mình  (08/02/2004)
Núi rừng vào hội  (12/02/2004)
Bình Định chia điểm thành công trên sân khách  (06/02/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm trên sân khách?   (05/02/2004)
Cúp C1 châu Á: Bình Định không nuôi hy vọng hão huyền   (05/02/2004)
Điện thờ Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung  (05/02/2004)
Đầu xuân cờ tướng xuất quân   (03/02/2004)
Những chuyển động trước trận Bình Định - Yokohama   (02/02/2004)
Bình Định chứng tỏ tư thế của đương kim vô địch  (01/02/2004)