Lễ đâm trâu trên mảnh đất thượng nguồn
17:23', 16/2/ 2004 (GMT+7)

Lễ đâm trâu tại LH

Tiếng cồng, chiêng đã trỗi. Từ một góc sân, hai người già và hai thanh niên khỏe mạnh, trong trang phục truyền thống, tay cầm giáo dài, hùng dũng tiến đến bên cột trâu. Hai người già lầm rầm cất lời khấn. Rồi những hồi chiêng hồi cồng trầm hùng nổi lên, lễ đâm trâu - một hoạt động được chờ đợi nhiều nhất tại Lễ hội (LH) kỷ niệm 45 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6-2-1959 - 6-2-2004) - đi vào giai đoạn cao trào.

Con trâu khỏe mạnh, vừa độ tuổi để đôi sừng cân phân không vẹo lệch, đủ độ dài để mang dáng trăng lưỡi liềm, được đánh từ làng K4 (xã Vĩnh Sơn) về, cột dưới cột lễ, dựng giữa sân LH. Chiếc cột trâu cao, thẳng, chắc chắn, đã được trang trí khá công phu bằng những hoa văn hình thù động vật khỉ, hươu, nai, cây cối và mặt trời. Trên cột trâu là những chiếc chuông gió, và một dây phướn dài. Những công việc này được chuẩn bị từ trước đó, qua bàn tay tài khéo của những người Ba na thạo việc.

Lừng lững như hai cây cổ thụ giữa đại ngàn, hai người già, ông Đinh Văn Gầm và Đinh Chớ, người làng Hà Ri, đã quá tuổi xưa nay hiếm, vóc dáng rắn rỏi như những sợi dây thừng được bện bởi thời gian và mưa nắng, tiến đến bên cột trâu, trang trọng cất lời đọc bài cúng khai lễ. Thay mặt cho cộng đồng, họ nói về ý nghĩa của lễ đâm trâu và cầu mong Yàng đưa lại những điều may mắn cho cả cộng đồng. Hai ông Gầm và Chớ đều là hai chiến sĩ du kích từng tham gia cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh từ 45 năm trước. Ông Gầm nói: "Tụi tui đều là người làng Hà Ri cả. Hồi giờ, hễ huyện tổ chức lễ đâm trâu là tụi tui đều được mời tham gia. Hai người già thì tham gia để cúng và làm phép, còn đâm trâu thì phải nhờ đến bàn tay khỏe mạnh của hai người trẻ nầy".

Khi hai người già đã làm xong thủ tục, những hồi chiêng, hồi cồng gióng lên, báo hiệu giai đoạn hào hứng nhất của lễ đâm trâu. Bốn người đàn ông đâm những nhát giáo mạnh mẽ. Không khí lễ càng trở nên sôi động, hào hùng với tiếng cồng, tiếng chiêng náo nức và đội hình trai tráng cầm khiên, giáo múa ở vòng ngoài. Điệu xoang cứ thế, tiếp tục bằng động tác khỏe, dứt khoát và mang tính hùng tráng. Trung tâm của xoang là một người đàn ông mang trống, vỗ trống theo đội hình vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ quanh cột lễ, kết hợp diễn tấu trống với các động tác quay người trên một chân, bật nhảy, ngã người ra đằng sau…

Con trâu đã từ từ gục xuống. Bốn người đàn ông tiến hành đâm trâu cẩn thận kéo con trâu nằm sao cho sợi thắt máu vẫn buộc giữa cổ trâu với cột lễ được thẳng. Cần phải làm như vậy để cầu mong mọi công việc của buôn làng đều được suôn sẻ, không gặp những trở ngại, khó khăn. Dấp tí máu trâu, hai người già chạm tay vào cột lễ, cất lời khấn lầm rầm, cầu mong Yàng chứng kiến cho lễ đâm trâu đã hoàn thành.

Trao đổi với ông Yang Danh, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, chúng tôi được biết: một lễ đâm trâu của người Ba na ở Vĩnh Thạnh thường kéo dài trong ba ngày với nhiều bước chuẩn bị rất công phu, từ việc chọn, trang trí cột trâu, đến việc tước sợi của cây thắt máu và bện thành sợi to cột quanh cổ trâu. Trước đây, người Ba na chỉ thả trâu trong rừng để làm vật hiến sinh trong các lễ cúng chứ không sử dụng làm phương tiện sản xuất. Do vậy, con trâu được chọn làm vật hiến sinh, thường là con trâu khỏe mạnh, hung dữ nhất, sẽ được cả làng chăm sóc rất chu đáo, không cho gần trâu cái, không ai được cưỡi lên mình nó. Còn theo ông Đinh Kim, một người già ở làng Kon Tơ-lok (xã Vĩnh Thịnh), trước đêm tổ chức lễ đâm trâu, những người phụ nữ Ba na, bằng những làn điệu Hơmoan đã khóc tiễn đưa con trâu về với Yàng. Bên ánh lửa bập bùng, những thanh âm trầm hùng của điệu cồng chiêng, những cần rượu vít cong, những ché rượu hết vơi lại đầy, những lời hát khóc trâu vang lên, thật xao xuyến lòng người. Những người phụ nữ Ba na kể lể nỗi niềm, tình cảm yêu quý không nỡ chia lìa cách xa. Lời kể lúc to, lúc nhỏ, như thì thầm, nhắn nhủ, lời hát đượm màu u buồn, rằng Ơi trâu, tao đã theo mày từ đồng gần cho tới suối sâu. Lâu nay, tao với mày như anh em, xa mày một ngày tao nhớ, cách nhau một buổi tao buồn. Tao biết mày cũng thương nhớ tao, nghe bước chân tao mày ngắc ngoắc cái đuôi. Trâu ơi, biết bao kỷ niệm giữa tao với mày. Nhưng vì lời hứa với các Yàng, vì sự giàu có của Plây tao phải trả mày về với Yàng thôi…

Cũng trong đêm này, dân làng thay nhau "ron" không cho con trâu nằm xuống đất cho tới sáng. Đồng bào quan niệm, khi con trâu đã được cột vào cột lễ thì nó đã là của Yàng. Họ sợ con trâu nằm xuống đất sẽ nhớ làng, nhớ đất và không về với Yàng nữa.

Tất nhiên, lễ đâm trâu hiện nay nói chung và lễ đâm trâu tại Vĩnh Thạnh ngày 6-2 vừa qua không còn đủ đầy với những hoạt động như vậy. Người ta còn thấy có cả phụ nữ cầm khiên, giáo múa trong lễ đâm trâu. Tuy vậy, lễ đâm trâu này cũng đã tái hiện một nét tín ngưỡng rất đáng lưu ý của người Ba na.

. Lê Viết Thọ

 

Các bước tiến hành lễ đâm trâu của người Ba na ở Vĩnh Thạnh

1. Chọn nguyên liệu làm cột đâm trâu. Công việc này tiến hành sau khi các chủ gia đình, dòng tộc đã bàn bạc và thống nhất ý kiến rằng cần phải tổ chức lễ đâm trâu để ăn mừng sự việc nào đó. Công việc này được giao cho nam giới.

2. Trang trí hoa văn trên cột đâm trâu.

3. Chọn vị trí để dựng cột đâm trâu (gưng).

4. Chọn, bắt trâu. Do người Ba na thường thả trâu trong rừng nên những người đàn ông khỏe mạnh phải chọn, lùa trâu và bắt về con trâu hung dữ, khỏe mạnh.

5. Già làng, những người chuyên lo việc cúng tế phải cúng "khai mạc" lễ đâm trâu.

6. Người đàn ông già khỏe mạnh trong trang phục cổ truyền, tùy theo từng lễ đâm trâu mà đâm vào chỗ hiểm cho trâu chết ngay hay đâm vào chỗ không hiểm cho trâu gục từ từ trong khi dân làng đánh cồng chiêng.

7. Tiến hành làm thịt con trâu.

8. Tổ chức ăn, uống rượu cần, vui chơi, nhảy múa.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Ngựa ô" Bình Định gục ngã trước đội quân Thành Nam  (15/02/2004)
Cúp C1 Châu Á: Sân chơi quá sức cho Bình Định   (15/02/2004)
Thiếu Issawa, Bình Định có vượt qua được khó khăn?  (13/02/2004)
Văn Miếu - Đền văn của Bình Định  (15/02/2004)
Văn Miếu - Đền văn của Bình Định  (12/02/2004)
Bình Định sẽ lại đoạt huy chương?  (12/02/2004)
Trận thắng nhàn nhã của Yokohama   (12/02/2004)
Bình Định đã sẵn sàng cho trận đấu với Yokohama   (12/02/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Chúng tôi quyết tâm thi đấu hết mình  (08/02/2004)
Núi rừng vào hội  (12/02/2004)
Bình Định chia điểm thành công trên sân khách  (06/02/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm trên sân khách?   (05/02/2004)
Cúp C1 châu Á: Bình Định không nuôi hy vọng hão huyền   (05/02/2004)
Điện thờ Tây Sơn và Bảo tàng Quang Trung  (05/02/2004)
Đầu xuân cờ tướng xuất quân   (03/02/2004)