|
Kiến trúc bên trong nhà lá mái (ảnh: Đăng Huy) |
Từ năm 2001 đến 2003, Hội Kiến trúc sư Bình Định thực hiện đề tài Nghiên cứu kiến trúc truyền thống Bình Định góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong kiến trúc hiện đại. Đây là công trình nghiên cứu nhiều ý nghĩa đối với nền kiến trúc hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Để hiểu rõ hơn kết quả nghiên cứu và giá trị thực tiễn của đề tài, chúng tôi đã phỏng vấn KTS Phạm Thanh Trì, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng A.T.T, Chủ nhiệm đề tài.
* Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Hội Kiến trúc sư Bình Định tiến hành đề tài này?
- Nhà có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Bình Định. Người Bình Định vẫn quan niệm "Sống có nhà, già có mồ". Gần cả đời người, có khi nỗi lo chủ yếu là làm sao cất được ngôi nhà, như một thứ di sản để lại cho con cháu. Nhà lá mái mang đầy đủ những nét văn hóa của con người Bình Định. Do vậy, hiểu được kiến trúc truyền thống Bình Định, nhất là nhà lá mái - đối tượng nghiên cứu chính của đề tài này - cũng là giải mã được một nét riêng trong văn hóa Bình Định. Hơn nữa, trong công cuộc "Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" hiện nay, riêng trong lĩnh vực kiến trúc, cũng cần tìm ra những nét đặc sắc riêng, tạo thành phong cách kiến trúc truyền thống Bình Định. Do vậy, cần phải quay trở về, nghiên cứu kiến trúc truyền thống, đặc biệt là nhà lá mái. Đây còn là vấn đề có tính thời sự, do hiện nay, nhiều ngôi nhà lá mái, do chủ nhân không hiểu được những giá trị của nó, nên đang để hư hỏng dần, mất dần. Nếu không làm khẩn trương, có thể chỉ vài năm nữa, sẽ không còn đâu nhà lá mái để nghiên cứu. Hiện nay, trên địa bàn các huyện đồng bằng còn gần cả trăm ngôi nhà lá mái, tất nhiên với mức độ khác nhau. Riêng số chạm trổ công phu, đẹp chỉ còn khoảng trên dưới 10 nhà. Tất nhiên, số này cũng có nhiều thay đổi, chỉ còn giữ được phần nào khuôn viên, bình phong, bộ khung nhà chính, trang thờ…
* Riêng về bình diện kiến trúc, nghiên cứu nhà lá mái đã đưa lại những bài học gì với giới kiến trúc sư trong việc xây dựng kiến trúc Bình Định hiện nay, thưa ông?
- Theo tôi, tổ chức không gian nhà lá mái là khá hợp lý. Phân khu chức năng rõ ràng như một kiến trúc hiện đại, nhưng cũng khá linh hoạt. Thường nhà lá mái phân chia thành 3 gian, 2 chái. Hai gian đầu dùng để thờ cúng tổ tiên, gian sau là nhà buồng. Nơi đây có nhà lẫm đựng lúa, có rương xe cất đồ quý giá. Ngoài nhà chính, còn có nhà cầu, nhà phụ. Nhà cầu nối nhà trên với nhà dưới, có kết cấu thoáng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của cả gia đình. Nhà dưới có sân cát, bếp nấu ăn, nơi để đồ đạc, phòng ngủ, nghỉ, nơi sinh nở của phụ nữ. Nhà lá mái được bố trí theo lối phong thủy, đặt ở vị trí cao, theo hướng Đông-Nam mát mẻ, có tụ thủy, mang tính khoa học. Nhà có hai lớp mái, một bằng đất sét và một bằng cỏ tranh, có tác dụng cách âm, cách nhiệt và chống cháy tốt; mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nhà có bộ khung được kết cấu bằng gỗ tốt, thường có bốn hàng cột, 4 vì kèo, nối kết bằng xiên - trính, cối - chày. Liên kết cấu trúc hoàn toàn bằng mộng, vừa vững vàng, chịu được nắng gió khắc nghiệt miền Trung nhưng cũng khá đơn giản, hợp với tích cách người Bình Định. Trong khi đó, nhà ở dân gian Việt ở phía Bắc, nhà rường Huế có kết cấu phức tạp hơn. Qua quá trình nghiên cứu, có thể còn nhiều bài học khác có thể áp dụng cho kiến trúc hiện đại. Tất nhiên, áp dụng với mức độ nào, ra sao, còn tùy thuộc vào mỗi kiến trúc sư.
* Từ góc độ người nghiên cứu, theo ông, để giữ gìn nhà lá mái - một nét văn hóa truyền thống Bình Định - chúng ta cần phải làm gì?
- Như tôi đã nói, số nhà lá mái đẹp, còn giữ được phần nào dáng xưa lại rất ít. Trước đây, nhiều chủ nhà không hiểu, đã dỡ bỏ; gần đây cũng có một số được bán đi. Nếu không có kế hoạch gìn giữ kịp thời, đến một lúc nào đó, sẽ không còn nhà lá mái. Đã đến lúc cần suy nghĩ đến việc hỗ trợ một phần kinh phí, động viên các chủ nhà gìn giữ, tu bổ nhà lá mái. Đồng thời, ngành du lịch cũng có thể nghiên cứu, dựng nhà lá mái với đầy đủ khuôn viên: sân vườn, nhà trước, nhà giữa, giếng nước, miếu thờ thổ địa… để giới thiệu với du khách về một nét văn hóa truyền thống Bình Định.
* Xin cảm ơn ông!
. Lê Viết Thọ - thực hiện
|