Qua 6 lượt đấu ở V-League 2004, cặp tiền đạo chủ lực của Bình Định là Pipat và Khoa Thanh vẫn chưa ghi được bàn thắng nào. 7 bàn thắng ghi được đều từ tuyến tiền vệ và hậu vệ. Sự "tịt ngòi" của tiền đạo đã đẩy Bình Định rơi vào khó khăn…
Tại V-League 2003, ở giai đoạn đầu, Pipat đã ghi bàn khá đều đặn dù không nhiều, vậy mà ở vào những trận cuối của giai đoạn 1, Bình Định vẫn rơi vào khó khăn và có lúc tưởng chừng phải tranh chấp suất xuống hạng khi Pipat bị kỷ luật phải nghỉ đến 3 trận đấu. Nhưng trong thời điểm khó khăn ấy, Khoa Thanh đã chói sáng và chính tiền đạo trẻ này đã vực dậy tinh thần của toàn đội, cùng với Pipat giúp Bình Định vượt qua khó khăn và thẳng tiến lên nhóm 4. Toàn giải, Pipat đã ghi được 12 bàn thắng và suýt đạt danh hiệu Vua phá lưới. Còn bây giờ, khi đã hơn một nửa chặng của giai đoạn 1 đi qua, cặp tiền đạo chủ lực của Bình Định vẫn chưa một lần khai hỏa thành công dù 4/6 trận qua được chơi ngay trên sân nhà. 7 bàn thắng của Bình Định tính đến giờ phút này đều do tuyến tiền vệ và hậu vệ ghi: Minh Mính 2 bàn, Phi Hùng 2 bàn, Văn Tâm 1 bàn, Issawa 1 bàn, Xuân Hùng 1 bàn.
|
Khoa Thanh (áo đỏ) vẫn chưa ghi được bàn nào trong mùa giải này |
Phân tích các bàn thắng thì thấy hầu hết Bình Định đều ghi được vào lưới đội yếu, nhất là yếu ở tuyến phòng ngự. 2 bàn với Đồng Tháp, 4 bàn với Gạch Đồng Tâm - Long An và 1 bàn vào lưới đội Nam Định. Không kể bàn thắng vào lưới đội Nam Định (được ghi do Xuân Hùng tận dụng sai sót của thủ môn từ pha đá phạt), 6 bàn thắng còn lại các cầu thủ Bình Định ghi được trong điều kiện một trận đấu mà tuyến tiền vệ được chơi áp sát khung thành do khống chế được khu trung tuyến của đối phương. Đối với những đội bóng có hàng phòng ngự mạnh mẽ và chơi quyết liệt ở khu trung tuyến như Hoàng Anh Gia Lai hay Bình Dương thì tuyến 2 của Bình Định rất khó có cơ hội băng lên ghi bàn.
Giải thích về sự "tịt ngòi" của Pipat, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở TDTT, Trưởng đoàn bóng đá Bình Định cho rằng, các cầu thủ hay có những giai đoạn như vậy và Pipat đang trong thời kỳ này. HLV Dương Ngọc Hùng thì vẫn lạc quan: "Do nôn nóng ghi bàn nên tâm lý Pipat bị ức chế, hy vọng anh ta sẽ lấy lại phong độ và ghi bàn." Thực tế không chỉ có Pipat, nhiều tiền đạo chơi chói sáng ở mùa giải trước lại "tịt" hoặc đì đẹt ở mùa giải này mà Julien của Sông Lam Nghệ An, Diachenko của Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn (mùa trước chơi cho Đồng Tháp) hay Phương Nam của Thể Công, Huỳnh Điệp của Bình Dương, thậm chí cả Lê Huỳnh Đức của Đà Nẵng là những ví dụ.
Nhưng hy vọng thì vẫn chỉ là hy vọng, một khi Pipat, Khoa Thanh không ghi bàn, trách nhiệm sẽ dồn xuống tuyến tiền vệ. Và những Minh Mính, Issawa, Xuân Hùng và cả hậu vệ biên là Phi Hùng, Văn Tâm cũng phải chia sẻ trách nhiệm. Ở hiệp 2 của trận gặp Bình Dương, khán giả đã chứng kiến cảnh trung vệ thòng Nirut đã thường xuyên bỏ vị trí dâng lên tiếp cận khung thành đối phương. Và như vậy, rõ ràng sự khủng hoảng của tiền đạo đã kéo gần như cả đội bóng vào áp lực ghi bàn. Mặt trái của vấn đề này là tạo ra những lỗ hổng để đối phương khai thác.
Có xúc tác nào để Pipat, Khoa Thanh nhanh chóng lấy lại phong độ? Vấn đề thuộc về công tác huấn luyện, có cả việc giải tỏa tư tưởng. Bình Định từng có một bài học rất tốt khi áp dụng cho Minh Mính ở mùa giải trước là: để giải tỏa bớt áp lực phải ghi bàn, HLV Dương Ngọc Hùng đã đưa Minh Mính xuống đá vị trí tiền vệ và giải pháp đã thành công.
Còn bài nào của Ban huấn luyện cho Pipat, Khoa Thanh?
Nếu không, thì việc chuẩn bị thay thế tiền đạo cho giai đoạn 2 của giải bây giờ đặt ra là vừa.
. Quang Khanh
|