Cách làm mới trong bảo tồn vốn cổ
17:1', 1/3/ 2004 (GMT+7)

Thời gian qua, Bình Định đã có những cách làm mới trong nỗ lực bảo tồn nghệ thuật tuồng. Thông qua những hoạt động như vậy, nghệ thuật tuồng vốn đang có nguy cơ mai một đã có hướng mở.

* Đẩy mạnh xã hội hóa

Một vở tuồng do các học sinh thể hiện

Có thể nói, Nhà hát Tuồng Đào Tấn là đơn vị chủ lực trong nỗ lực bảo tồn này. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của Nhà hát Tuồng Đào Tấn là kinh phí. Kinh phí Nhà nước cấp có hạn, nên ít có khả năng đầu tư chiều sâu cũng như mở rộng các hoạt động biểu diễn. Mỗi năm, Nhà hát chỉ được cấp kinh phí đổ đầu 40 đến 50 chục triệu đồng/vở để phục hồi vở diễn cũ và từ 100 đến 120 triệu đồng/vở để dựng một vở mới. Với khoản kinh phí như vậy, so với nhu cầu thì quả là còn thiếu nhiều. Còn với các câu lạc bộ tuồng không chuyên, vốn phải tự thu tự chi thì để có thể tồn tại đã là một việc khó.

Trong bối cảnh như thế, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã năng động tìm các nguồn tài chính khác. Thông qua chương trình Sân khấu học đường lần đầu tiên được thực hiện tại Bình Định, Nhà hát có thêm kinh phí gần 100 triệu đồng từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc để thực hiện dự án. Trước đó, từ ngày 6 đến 17-10-2002, Nhà hát cũng đã có chuyến lưu diễn tại Đức với sự tài trợ của TS Thái Kim Lan - Việt kiều Đức. Với 9 đêm diễn, hoạt động này đã góp phần đem nghệ thuật truyền thống Việt chinh phục khán giả trời Tây. Đây cũng là biểu hiện cụ thể nhất của công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa. Trong năm 2003, Nhà hát cũng thường xuyên tổ chức các đêm diễn xuống các địa phương với hơn 104 suất doanh thu, đạt 114 triệu đồng. Theo NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát, thì mức thu này vượt chỉ tiêu đề ra. Mỗi đêm diễn như vậy, Nhà hát có thêm trung bình khoảng một triệu đồng doanh thu.

Bên cạnh đó, ngoài hoạt động của Nhà hát, cũng phải kể đến sự tồn tại của những CLB tuồng không chuyên do nhân dân tổ chức. Các câu lạc bộ này vẫn tự thu, tự chi và thường xuyên phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân từ nhiều năm nay.

Các nguồn thu này tuy chưa phải là dồi dào nhưng đã góp phần không nhỏ cho Nhà hát, các CLB tuồng không chuyên không chỉ duy trì mà còn đẩy mạnh các hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân.

* Đào tạo khán giả trẻ

Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, vẫn còn những khoảng cách nhất định để tiếp cận sân khấu truyền thống. Đào tạo một lớp khán giả trẻ, đó là tâm niệm chung của những người làm nghệ thuật truyền thống. Năm 2003, Bình Định là một trong 5 tỉnh trong cả nước được chọn để triển khai dự án Sân khấu học đường. Dự án được thực hiện trong ba tháng, từ tháng 9 đến tháng 12-2003 với tổng kinh phí khoảng gần 100 triệu đồng cùng việc đầu tư thêm một số thiết bị âm thanh, ánh sáng khác.

Dự án đã được triển khai tại ba trường: THCS Quang Trung (thành phố Quy Nhơn), THCS thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) và THCS Bình Tường (huyện Tây Sơn). Đây là 3 trường tại các địa phương có phong trào hát tuồng và người dân yêu thích tuồng và tiêu biểu cho các vùng địa lý đặc trưng của tỉnh. Tại mỗi trường, một nhóm từ 15 đến 20 học sinh lớp 8, yêu thích nghệ thuật truyền thống được tuyển chọn và Nhà hát Tuồng Đào Tấn chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, truyền thụ bộ môn nghệ thuật tuồng đến với các em. Sự say mê luyện tập của các em, sự cộng tác tích cực từ phía nhà trường và Nhà hát đã tạo ra kết quả tốt đẹp. Và vào tối 30-11-2003, tại thành phố Quy Nhơn, đã tổ chức biểu diễn báo cáo kết quả dự án. Các tiết mục được biểu diễn đều tỏ ra khá thành công. Đặc biệt, tiết mục mở màn Trống trận Quang Trung do Lê Hoài Nam, học sinh Trường THCS Quang Trung biểu diễn; và trích đoạn Tiết Cương và Kỷ Lan Anh do các em Nguyễn Thái Anh (vai Tiết Cương) và Nguyễn Diệu Linh (vai Kỷ Lan Anh) mới 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, biểu diễn khá độc đáo, công phu và gây bất ngờ lớn.

NSƯT Hòa Bình đã khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là để các bạn nhỏ không còn cảm thấy xa lạ với những bộ môn nghệ thuật dân tộc và qua đó, dần hình thành một thế hệ khán giả của sân khấu truyền thống". Tuy nhiên, nếu dự án này được tiếp tục đầu tư, triển khai không chỉ trong phạm vi ba trường mà mở rộng ra các trường khác, mới hy vọng hình thành một thế hệ khán giả mới của nghệ thuật tuồng.

* Bảo tồn vốn cổ: cần một bước đột phá

Từ lâu, Nhà hát Tuồng Đào Tấn ấp ủ một dự định dài hơi là ghi hình để bảo lưu những tác phẩm mẫu mực, cổ điển của sân khấu tuồng truyền thống. Đây cũng dịp để các diễn viên trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về nghề nghiệp, qua những vở diễn, vai diễn mẫu mực và là cơ hội để kiểm tra lại dàn kịch mục. Hơn thế, khi đã có những đĩa ghi hình đạt chất lượng, mới có thể nghĩ đến việc phổ biến, giới thiệu tinh hoa sân khấu hát bội với bạn bè không chỉ trong nước. Năm 2003, Nhà hát cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ghi hình vở Sơn hậu.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi mà hầu hết dàn diễn viên của Nhà hát đã ở "đầu bốn", diễn viên trẻ chưa kịp trưởng thành, chưa có kinh nghiệm để vào các vai trong các vở mẫu mực thì một công việc khẩn cấp khác hiện nay là đào tạo diễn viên kế thừa. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật tuồng.

Rõ ràng, bảo tồn vốn cổ của nghệ thuật tuồng, ngoài những nỗ lực và cách làm mới, đã đến lúc cần sự đột phá. Bên cạnh những vở diễn mới dàn dựng, những nỗ lực xã hội hóa hoạt động văn hóa, thì sự đầu tư mạnh của Nhà nước cho một nỗ lực bảo tồn dài hơi, là cần thiết.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trận thắng quan trọng đối với Bình Định  (29/02/2004)
Bình Định không thể thua thêm trận nữa trên sân nhà   (27/02/2004)
Ai ghi bàn cho Bình Định?   (27/02/2004)
Bình Định thua trận thứ hai tại AFC Champions League  (26/02/2004)
Một năm sôi động của Bảo tàng tổng hợp tỉnh  (25/02/2004)
Bình Định sẽ "buông súng" trong trận gặp Seongnam?   (24/02/2004)
Minh văn Chămpa ở Bình Định  (24/02/2004)
Bình Định lại thất thủ tại sân nhà  (22/02/2004)
Lại thêm một thử thách đối với "Ngựa ô" Bình Định   (20/02/2004)
Có một CLB cồng chiêng ở làng Kon Tơ-Lok  (19/02/2004)
Nghiên cứu nhà lá mái - giải mã một nét riêng văn hóa Bình Định   (18/02/2004)
Tinh thần và khí thế Phù Đổng sẽ được phát huy   (17/02/2004)
Liệu Maldives có gây được bất ngờ?   (17/02/2004)
Lễ đâm trâu trên mảnh đất thượng nguồn  (16/02/2004)
"Ngựa ô" Bình Định gục ngã trước đội quân Thành Nam  (15/02/2004)