Bức tượng tôn vinh quá khứ hào hùng của dân tộc cũng là một công trình nghệ thuật chưa từng có ở Việt Nam, cả về kích thước vật lý lẫn chiều sâu tâm linh của nó.
|
Mẫu tượng đài Chiến sĩ Điện Biên |
"Hôm chúng tôi đắp tượng đất ở Bảo tàng Không quân trên đường Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến thăm. Xem xong, Đại tướng khen đẹp và góp ý: Nên có thêm một dòng chữ: "Quyết chiến quyết thắng" trên lá cờ. Gợi ý của Đại tướng quá hay, Hội đồng nghệ thuật nhất trí và chúng tôi làm ngay" - một cán bộ của Công ty Mỹ thuật Trung ương (đơn vị thực hiện dự án) kể cho chúng tôi nghe xung quanh việc xây dựng pho tượng đồng lớn chưa từng có này.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng tượng đài Chiến sĩ Điện Biên, đầu năm 2003, 7 nhóm tác giả đã sáng tác 7 mẫu tượng. Cuối cùng, phác thảo của nhà điêu khắc Nguyễn Hải (TP.HCM) được chọn. Đó chính là bức tượng đang trưng bày trên tầng 2 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Công ty Mỹ thuật trung ương đã đúc một mẫu tượng tương tự bằng thạch cao và đưa vào xưởng của tác giả ở Bình Dương chỉnh sửa. Lá cờ trong nguyên mẫu được điều chỉnh để hơi chạm vào đầu người chiến sĩ, đó là một giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm tăng sự an toàn cho một bức tượng lớn đặt ngoài trời, trên đồi cao và ở một nơi có cả nguy cơ động đất như Điện Biên.
Tháng 5-2003, tại Bảo tàng không quân (Hà Nội), một bức tượng đất lớn như thật với chiều cao 12,6 mét được dựng với sự chỉ đạo, thậm chí làm việc trực tiếp của các nhà điêu khắc có tên tuổi: Dương Đăng Cẩn, Lưu Danh Thanh, Tạ Quang Bạo... Đầu tháng 9-2003, khuôn tượng bằng thạch cao trộn đay xơ được hoàn thành và sau đó, một bức tượng thạch cao có tỷ lệ 1:1 ra đời, chuẩn bị cho việc dựng khuôn, đúc tượng. Cũng trong thời gian này, một công trường khác được chuẩn bị tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, nơi có nhiều công nhân thành thạo việc đúc đồng: 600m2 kho xưởng, 3.400m2 sân bê tông, lò, quạt gió, nồi nấu, xe cẩu 25 tấn phục vụ việc rót đồng. Từ 10-9-2003, bắt đầu công đoạn quan trọng nhất: đúc tượng.
Tượng đài chiến sĩ Điện Biên gồm bốn nhân vật, gồm ba chiến sĩ đứng trên nắp hầm của tướng De Castries, một người phất cờ, một người cầm súng, một người bế một em nhỏ dân tộc Thái tay cầm hoa. Tượng cao 12,6m, gồm 12 thớt, chiều dày trung bình 3 cm, chỗ dày nhất 7 cm, được đúc bằng 220 tấn đồng, tượng đặt trên bệ cao 3,6m. Trị giá của pho tượng là hơn 20 tỉ đồng. |
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều công trình, nhưng hiếm khi nào lại được nhiều người quan tâm như việc đúc tượng Chiến sĩ Điện Biên lần này" - bà Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương nói. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến kiểm tra công trường. Ông Quàng Văn Binh, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thì đến công trường tới bốn lần. Riêng lãnh đạo Bộ VHTT, Bộ GTVT thì lên tận cảng Ba Cấp, Hòa Bình để theo dõi việc vận chuyển tượng trên hồ thủy điện. Nhiều người dân khi tới thăm công trường đã lặng lẽ tháo nhẫn vàng bỏ vào lò đồng đang đỏ lửa... "Tượng đài Chiến sĩ Điện Biên là một trong những công trình chính kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên và nó xứng đáng được nhận sự quan tâm như thế" - bà Hồng nói.
"Việc vận chuyển tượng lên Điện Biên cũng là một kỳ công" - bà Lê Thị Thanh Hằng, cán bộ theo dõi dự án của Công ty Mỹ thuật Trung ương cho biết. 12 thớt tượng nằm trên 11 xe - trong đó có 4 xe chuyên dụng của Công ty dịch vụ vận tải 2, Bộ GTVT - đưa lên Điện Biên theo đường bộ và đường thủy. Ngoài Quốc lộ 6, đoàn xe xuống 7 sà lan ở Hòa Bình để tránh đoạn đường hiểm trở khu vực Mộc Châu và sau đó cập cảng Tà Hộc, Sơn La để đi lên Điện Biên theo con đường kéo pháo qua đèo Pha Đin thuở nào. Xe chở tượng cũng là loại xe đặc biệt, đầu kéo của Đức, rơ-moóc của Ý với khả năng cân bằng tự động, chống nghiêng, đổ cho dù đi vào những địa hình phức tạp.
Đi theo đoàn là một cần cẩu 150 tấn. Chưa hết, đoàn xe được một lực lượng hùng hậu cảnh sát giao thông đường bộ và đường thủy dẫn đường và hướng dẫn giao thông. Ngày chạy, đêm nghỉ, tốc độ xe được cảnh sát giao thông khống chế để đạt độ an toàn cao nhất.
Theo chương trình, ngày 1-3, tất cả các bộ phận được tập kết trên đỉnh đồi D1 để tiến hành lắp ráp và ngày 13-3 sẽ khánh thành tượng. Đây sẽ là pho tượng đồng lớn nhất Việt Nam, tương xứng với sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên nửa thế kỷ trước.
. Theo Thanh Niên
|