Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh
16:29', 4/3/ 2004 (GMT+7)

Trong suốt 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-3 (nhằm các ngày 12-13 và 14 tháng Hai âm lịch), không chỉ những người dân địa phương mà cả những người con xuất thân từ làng rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập đá, An Nhơn) dù có làm ăn xa đến đâu cũng trở về quê để tham dự lễ hội làng rèn được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Đây là một lễ hội mang tính truyền thống, thể hiện đạo đức "uống nước nhớ nguồn" của những người thợ làng rèn đối với cụ tổ sáng lập và những bậc tiền hiền trong nghề.

* Vài nét lịch sử làng nghề

Đông đảo người dân về dự hội làng rèn

Làng Tây Phương Danh hiện có 436 hộ dân thì đã có đến 300 hộ đang làm nghề rèn. Đây là một nghề truyền thống có từ lâu đời, từng làm nên một diện mạo khởi sắc khá sớm cho một vùng nông thôn. Cụ Thừa Lâm, người cao niên nhất làng rèn hiện nay (gần 90 tuổi) cho biết: "Theo truyền thuyết thì nghề rèn có mặt ở đây phải có đến 300 năm rồi. Thời này nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp nơi rất cần các loại nông cụ được làm bằng kim khí. Thời đó, cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để vừa tạo kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển. Đến thời tôi biết được từ lời kể của ông bà, cụ Huỳnh Lân, một hậu duệ của ông tổ nghề Đào Giã Tượng, đã mang nghề rèn về làng Tây Phương Danh này."

Cũng theo lời kể của cụ Thừa Lâm, cụ Huỳnh Lân là người làng Nhơn Mỹ về Tây Phương Danh ở rể rồi truyền nghề cho con là Huỳnh Thương và một số hộ dân trong vùng. Đến đời hậu duệ thứ tư của ông Huỳnh Lân thì tại đây phát triển lên được khoảng 10 lò rèn và sản phẩm vẫn chủ yếu là các loại nông cụ thô sơ. Khi phong trào Tây Sơn nổi lên, làng rèn Tây Phương Danh trở thành lò luyện binh khí và cùng với nghĩa quân Tây Sơn "hành phương Bắc" làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa. Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước 1945), do nhu cầu về binh khí để trang bị cho nhân dân kháng Pháp nên số lượng lò rèn ở Tây Phương Danh phát triển rất nhanh lên đến 30 lò. Lúc ấy, sản phẩm của làng rèn không còn chỉ đơn thuần là những loại nông cụ mà đã phát triển thêm nhiều chủng loại như: búa, rìu, rựa, dao găm, mã tấu… Bên cạnh đó, người sản xuất vẫn tranh thủ thời gian sản xuất thêm nông cụ và binh khí cung cấp cho các vùng Tây Nguyên, nhất là nông cụ để đổi thực phẩm giải quyết cuộc sống hằng ngày. Với tốc độ đó, 9 năm sau, làng rèn Tây Phương Danh phát triển đến 50 lò. Đến trước ngày giải phóng (1975) đã là 100 lò và đến bây giờ là hơn 300 lò, mỗi lò có từ 2-3 lao động tham gia làm nghề với mức thu nhập bình quân 500 ngàn đồng/người/tháng.

Làng rèn không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng sản phẩm cũng ngày được nâng cao và đa dạng hóa các chủng loại để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Có lò còn nhận cả hợp đồng sản xuất đinh ốc dùng để đóng tàu biển. Sản phẩm của làng rèn Tây Phương Danh hiện có mặt khắp nơi, nhất là các vùng đất Tây nguyên. Cũng từ nghề này, người dân làng rèn đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ đã trở nên giàu có.

* Tưng bừng lễ hội hằng năm

Để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn trên đất này, hằng năm, người dân Tây Phương Danh đã đồng tâm hợp lực tổ chức một lễ hội gọi là Lễ hội làng rèn, kéo dài suốt 3 ngày kể từ ngày 12-2 âm lịch! Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang hành nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người đang hành nghề rèn trên toàn tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con.

Đúng 4 giờ sáng ngày 12-2 âm lịch, các vị bô lão trong làng nghề trang trọng trong những bộ lễ phục truyền thống với sự có mặt của hàng ngàn người dân trong nghề, tất cả đều trang nghiêm đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền hiền khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân và cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn. Sau đó, cả một vùng nông thôn tưng bừng hẳn lên trong suốt 3 ngày đêm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: Hát bộ truyền thống, các trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm...) và các chương trình văn nghệ quần chúng của lực lượng thanh niên.

Về Phương Danh trong những ngày này, khách thăm sẽ được nhìn thấy một vùng quê rạng rỡ với những con đường làng được dọn dẹp phong quang, tất cả mọi căn nhà đều tinh tươm, nam thanh nữ tú với những bộ trang phục đẹp rộn ràng khắp các nẻo đường đi trẩy hội. Và đặc biệt, nhà nào cũng hương khói ấm áp tưởng nhớ cụ tổ của nghề rèn. Tôi chỉ là một khách lạ đến hỏi chuyện cũng trở nên thượng khách. Và nhà nào cũng thế, khách lạ nào cũng được đối xử như thế. Nhận thấy đây là một lễ hội đáng trân trọng và gìn giữ nên vào năm 2003, ngành Văn hóa tỉnh đã đầu tư kinh phí cho làng rèn cũng như hướng dẫn cách tổ chức lễ hội nên năm nay những hoạt động của lễ hội đã diễn ra quy mô hơn. Ông Nguyễn Văn Bảy, một người hành nghề lâu năm ở Tây Phương Danh, cho biết: "So với nhiều năm trước thì lễ hội năm nay diễn ra bài bản hơn với nhiều đổi mới. Nhờ sự quan tâm của các ngành chức năng của tỉnh cũng như chính quyền địa phương các cấp nên lễ hội làng rèn năm nay được tất cả các hội đoàn thể góp phần xây dựng. Là những người trong nghề, chúng tôi rất vui khi được biết là sắp đến, làng rèn Tây Phương Danh sẽ được xây dựng nơi thờ cúng vị tổ khai sinh nghề và khu sinh hoạt cho nhân dân. Người làm nghề chúng tôi chẳng những sẽ có được một nơi trang trọng, ổn định để hương khói các bậc tiền hiền mà còn có nơi để gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp để cùng nhau phát triển…".

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đã lộ dần chân dung của nhà vô địch   (03/03/2004)
Những kỷ lục của tượng đài Chiến sĩ Điện Biên   (02/03/2004)
Cách làm mới trong bảo tồn vốn cổ   (01/03/2004)
Trận thắng quan trọng đối với Bình Định  (29/02/2004)
Bình Định không thể thua thêm trận nữa trên sân nhà   (27/02/2004)
Ai ghi bàn cho Bình Định?   (27/02/2004)
Bình Định thua trận thứ hai tại AFC Champions League  (26/02/2004)
Một năm sôi động của Bảo tàng tổng hợp tỉnh  (25/02/2004)
Bình Định sẽ "buông súng" trong trận gặp Seongnam?   (24/02/2004)
Minh văn Chămpa ở Bình Định  (24/02/2004)
Bình Định lại thất thủ tại sân nhà  (22/02/2004)
Lại thêm một thử thách đối với "Ngựa ô" Bình Định   (20/02/2004)
Có một CLB cồng chiêng ở làng Kon Tơ-Lok  (19/02/2004)
Nghiên cứu nhà lá mái - giải mã một nét riêng văn hóa Bình Định   (18/02/2004)
Tinh thần và khí thế Phù Đổng sẽ được phát huy   (17/02/2004)