|
Nghệ nhân Giả Vin (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) tại Liên hoan đàn và hát dân ca tỉnh Bình Định năm 1996 |
Đồng bào Bana Vĩnh Thạnh còn có tên gọi Bana Kriêm sống trên địa bàn các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh. Riêng Vĩnh Thạnh có 7.647 người ở 26 làng dọc sông Kôn. Những làn điệu dân ca Bana còn lại ngày nay đều ở dạng truyền miệng qua trí nhớ của người già nên đã bị mất mát khá nhiều. Khối lượng dân ca Bana Kriêm ở Vĩnh Thịnh đã sưu tầm và bảo tồn cho đến nay khá phong phú và đặc sắc.
Dân ca Bana ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử xã hội và dân tộc. Hiểu dân ca Bana là phải hiểu từ cái gốc, xuất xứ và đặc điểm riêng.
Tôi muốn xem hoa rung reng đẹp
tôi muốn xem hoa còn ở trên cây
nhưng còn sợ trên cây có kiến
còn sợ con ong chưa bay đi.
Hay:
Lấy mật đừng đốt con ong
Ăn quả đừng chặt mất gốc.
Chỉ có họ, người Bana mới có cảnh như vậy, ý nghĩ như vậy. Ngay cả quan niệm về cuộc sống vũ trụ và thần linh cũng thế.
Đi đâu họ cũng thấy núi, ở đâu họ cũng gặp rừng. Thần linh và cả con ma đều ở xung quanh họ, vừa xa vời lại vừa gần gũi. Cái thế giới bên kia và thế giới bên này là một. Họ có mê tín nhưng không ngu tín, cuộc sống buộc họ phải luôn tỉnh táo đề phòng. Chính từ đặc điểm này đã sản sinh ra một nền dân ca Bana đặc sắc.
Có thể tạm chia dân ca Bana làm 3 thể loại: Khan hơ mon (tạm dịch là sử thi), hát ru và bài cúng tế trong các lễ hội. Hát ru của người Bana có những nét riêng, trước hết là kiểu cách ru của họ. Đồng bào Bana không có nôi, không có võng, thậm chí giường nằm cũng không vì phải sống và lao động ở môi trường luôn có thú dữ rình rập nên đứa con phải ở luôn bên mình. Nhỏ thì cõng trên lưng, lớn thì dắt theo bên cạnh, đàn ông mang rựa ná đi trước, đàn bà mang gùi theo sau. Người mẹ vừa trỉa bắp, trỉa lúa vừa ru; vừa giã gạo, lấy nước vừa ru. Họ ru không chỉ bằng lời mà bằng cả hơi ấm và sự chuyển động của thân thể theo những tiết tấu nhịp điệu của lời ru, vừa êm ái lại vừa nhẹ nhàng. Lời ru bay ra từ miệng quyện lẫn vào gió, vào nắng, vào hương hoa rót vào lòng đứa trẻ âm thanh huyền diệu của bao la đất trời:
Ngủ đi con ơi đừng khóc
Lớn mau chân tay như cây chò, cây trắc
Ngủ đi con đừng khóc
Cây lớn lên từ đất
Có gốc rồi mới có ngọn
Ngủ đi con ơi đừng khóc.
Hát ru của người Bana không chỉ ở người mẹ mà ở cả người bà, người chị. Trẻ con là tài sản của làng, ai cũng phải có trách nhiệm nâng niu. bảo vệ.
Người Bana có quan niệm rằng trẻ con vốn từ trời đất về với con người, có tai nhưng chưa biết nghe, sau lễ thổi tai người mẹ có nhiệm vụ phải "thông tai" cho con bằng những bài hát ngắn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc báo cho con biết con từ đâu đến, sẽ ở với ai và phải làm gì cho dân làng thương, làng quý. Lời hát như lời nhắn nhủ tâm tình chan chứa yêu thương.
Bài cúng trong các lễ hội được xếp vào dân ca bởi nó cũng có chất văn học và âm nhạc. Dân tộc nào cũng có nhiều lễ hội và có những bài cúng riêng cho từng lễ hội. Người Bana trong lao động sản xuất có những bài cúng các giai đoạn làm rẫy, từ chọn đất đến hội mừng ăn cơm mới có năm, sáu lễ cúng. Từ con người mới sinh ra đến khi nằm dưới đất, cũng lắm thứ lễ cúng. Và các lễ hội có lẽ bài cúng đâm trâu là lớn hơn cả, có bài cúng các vị thần linh, kể cả bài cúng tiễn biệt con trâu cũng khá độc đáo. Trong khi các già làng xướng lời cúng thì dàn cồng chiêng vẫn diễn tấu, làm cho buổi lễ hội thêm long trọng và thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức trong mỗi người.
Trong môi trường văn học dân gian, Khan hơ mon là một tác phẩm văn học tổng hợp, nó thu hút hầu hết các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc: thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng, để thành một tác phẩm tự sự bằng văn vần hay những làn điệu dài hơi lấy các nhân vật anh hùng làm trung tâm để biểu đạt tư tưởng, ý nguyện, quan niệm sống của cộng đồng. Sử thi ra đời sau thần thoại vào buổi bình minh của loài người, thời kỳ có giai cấp và tổ chức xã hội. Khan hơ mon là một sinh hoạt văn hóa độc đáo được kể qua những ngữ điệu trầm bổng lôi cuốn của những nghệ nhân Bana. Không gian trong sử thi Bana rất rộng, không chỉ có núi cao, rừng rậm mà còn có cõi trời bao la, cõi âm huyền bí, có sông, có biển, lại còn có cả những làng dưới đáy biển.
…Mỗi bước đi váy hé da đùi lóe sáng
làm da trời bớt xanh biển bớt sáng...
(Nàng Bia Bông trong sử thi Dyông wi win)
Chắc chắn Khan hơ mon cổ xưa còn rất nhiều ở vùng đồng bào Bana cư trú. Riêng ở Vĩnh Thạnh, sơ bộ sưu tầm cũng đã có 30 truyện, điển hình là Dyông wi win, Dyông Knoa, Dyông Kman, Dăm Dyông, Bông Dyông, Dăm pen… Rất tiếc chủ nhân của những bộ sử thi đó lại là những nghệ nhân dân gian đã quá già, việc sống chết của họ chỉ còn tính từng ngày.
Hơ mon là những bài ca dài có tính chất tổng hợp, trong đó chuyển tải một khối lượng lớn những thông tin về đời sống, tư tưởng tình cảm của một cộng đồng người trong một thời gian dài. Xã hội Tây Nguyên khi các sử thi ra đời đang ở giai đoạn cuối Công xã nguyên thủy, ý thức cộng đồng chi phối mạnh mẽ số phận con người. Sử thi Bana ngoài chất anh hùng ca còn mang đậm chất trữ tình cao cả.
Hãy xem cách Dyông cư xử với người anh phản trắc Dăm Jong. Khi Dăm Jong bị giết chết, Dyông rất đau xót tự chặt vào chân tay mình và xin Jang (Trời):
…Xin đừng hóa đỉa hóa giòi hóa vắt
bởi nó đối với tôi có ác cũng anh em
một, xin hóa nhà rông
cho dân làng có chỗ hội làng
hai, xin hóa nhà sàn
cho dân làng có chỗ ở
ba, xin hóa kho lúa
cho dân có chỗ chứa cái ăn…
Dân ca Bana là vốn văn hóa quý báu chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Chúng ta yêu thích dân ca, biết tôn trọng tài sản quý báu đó là thể hiện lòng yêu người, yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Dân ca là con người, mà ai đã yêu con người thì tất sẽ yêu dân ca. Và dân ca Bana cũng nằm trong tâm thức ấy.
. Lê H'đan
|