Trịnh Công Sơn với phố biển Quy Nhơn
17:11', 16/3/ 2004 (GMT+7)

* Từ trường Thiên Hựu (Providence) Huế đến trường Sư phạm Quy Nhơn

Trịnh Công Sơn thời kỳ học ở Quy Nhơn

Theo thầy giáo Bửu Văn (anh ruột của họa sĩ Bửu Chỉ), bạn học cùng lớp với Trịnh Công Sơn tại trường Thiên Hựu cho biết: Trịnh Công Sơn chỉ học ở trường Thiên Hựu một niên khóa (1957-1958) mà thôi. Đến tháng 6-1958, Trịnh Công Sơn cùng Bửu Văn vào Đà Nẵng để đi thi Tú Tài tại Collège Francais de Tourane (tức là trường Blaise Pascal). Qua kỳ thi ở Đà Nẵng, Trịnh Công Sơn đã đỗ Tú Tài. Trong lúc đang "khủng hoảng" vì sợ bị bắt đi lính, anh được tin Bộ quốc gia giáo dục Sài Gòn chiêu sinh để mở trường Sư phạm Quy Nhơn. Cùng với Trịnh Công Sơn, nhiều sinh viên đang học đại học (như Hồ Quang Hải tức nhạc sĩ Thanh Hải), hay đã đỗ chứng chỉ Dự bị Văn khoa (như Lê Thị Ngọc Trinh), đỗ chứng chỉ Toán Lý Hóa - MPC (như Trương Văn Thanh) cũng "lều chõng" thi vào Sư phạm Quy Nhơn và đều đỗ. Những "giáo sinh" này là những người hoạt động âm nhạc nổi tiếng từ nhiều năm trước ở Huế. Đến Quy Nhơn, những người chơi nhạc ở Huế tụ lại lấy âm nhạc để xua đi nỗi nhớ nhà. Tự nhiên ở thành phố biển Quy Nhơn xuất hiện một "ban nhạc" không chuyên Thanh Sơn Hải. Thanh tức Trương Văn Thanh "cây" violon chủ đạo trong các thánh lễ nhà thờ ở Huế; Sơn tức Trịnh Công Sơn chơi ghi-ta thùng, tác giả bài Ướt mi đang ăn khách với giọng ca trầm buồn Thanh Thúy. Hải tức Thanh Hải (biệt hiệu của Hồ Quang Hải) "ông vua" ghi-ta điện chuyên trình diễn các bài nhạc kích động như Rock, Twist trong các vũ trường, các phòng trà.

Khi trường Sư phạm Quy Nhơn ra đời, thầy Đinh Thành Chương được cử làm hiệu trưởng. Biết được tài năng của đám nghệ sĩ Huế, thầy Chương đã giao cho họ tổ chức các hoạt động văn nghệ để khai giảng khóa Sư phạm đầu tiên của trường. Trương Văn Thanh được bầu làm Trưởng ban Văn nghệ. Cùng với Trịnh Công Sơn, Thanh Hải, Ban Văn nghệ đã quy tụ được các tài năng ca múa nhạc đến từ các tỉnh miền Trung như La Quang Thanh (hát, nhảy claquette), Lê Thị Ngọc Trinh (đơn ca), Phan Thị Thăng (đơn ca), Bích Khê, Bạch Tuyết, Bạch Vân (em Tuyết), Nguyễn Văn Duệ… Văn nghệ trường Sư phạm tổ chức ba đêm Đại nhạc hội tại rạp Kim Khánh (rạp 31-3 ngày nay) rất thành công. Nhờ hoạt động của văn nghệ mà trường Sư phạm Quy Nhơn mới ra đời đã được khắp nơi biết tiếng.

* Phố biển Quy Nhơn với âm nhạc Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn chỉ huy ban hợp xướng Trường Sư phạm Quy Nhơn

Lúc mới vào Quy Nhơn, ba anh chàng nhạc sĩ Sơn - Thanh - Hải cùng thuê chung một phòng trọ ở số 70 đường Gia Long (Trần Hưng Đạo ngày nay). Những tối trời nóng ba anh em lên terrssae trên lầu đàn hát cho đến khuya. Sơn rất thích hát các bài Sometimes (dân ca của người da đen làm đồn điền ở miền nam nước Mỹ), Ave Maria của Bruno và các bài trong Trào lưu nhạc Blues của Thánh nhạc da đen. Âm hưởng của những bài nhạc này còn đọng lại trong tâm hồn Sơn và phảng phất trong những bài nhạc Sơn sáng tác tại phố biển Quy Nhơn.

Thời gian hai năm (1963-1964) học Sư phạm tại phố biển Quy Nhơn là giai đoạn Trịnh Công Sơn sáng tác khỏe nhất. Ngồi uống rượu, hút thuốc bên bờ biển, anh dùng que diêm chấm mực kẻ khuôn nhạc trên mặt trong bao thuốc lá Bastos xanh và viết nhạc. Viết xong bài nào anh đưa cho các bạn trong Ban Văn nghệ của trường xướng âm hát ngay bài đó. Bởi thế, nhiều bài nhạc anh sáng tác thời ấy không thấy anh cho xuất bản nhưng các bạn anh đều thuộc.

Để có bản sắc riêng, Ban Văn nghệ yêu cầu Trịnh Công Sơn sáng tác một trường ca để trình diễn trong Đại nhạc hội lần thứ nhất. Lúc này Trịnh Công Sơn đang say sưa đọc Huyền thoại Xi-xíp (le Mythe de Sisyphe, 1942) của Albert Camus (nhà văn Hiện sinh của Pháp, được Giải thưởng Nobel năm 1957). Huyền thoại Xi-xíp kể lại chuyện một người suốt ngày bị buộc phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi rồi thả tay cho nó lăn xuống vực. Quy trình đó cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Albert Camus đưa chuyện này ra để nói lên tính cách phi lý (I’absurde) của cuộc đời giống như chuyện dã tràng xe cát trong triết học phương Đông vậy. Trịnh Công Sơn thể hiện tư tưởng dã tràng xe cát vào trường ca mang tên Dã tràng ca. Đây là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Bài này được Ban hợp ca của trường Sư phạm trình diễn rất thành công. Hiện nay ở Huế còn nhiều thầy cô giáo đã từng hát năm ấy vẫn còn thuộc bài tràng ca. Trịnh Công Sơn còn viết bài Hoa buồn (làm cho đặc san của Trường) với những câu:

"Có nhiều đêm ngồi đây chong đèn buồn"

"Ngày sau còn ai nhắc tên mình không?"

Cùng thời với Hoa buồnChiều chủ nhật buồn, Vết lăn trầm, Nắng thủy tinh, Cát bụi,… Đặc biệt nhất là bài Biển nhớ. Đi theo bài hát này là một câu chuyện tình rất nên thơ.

* Biển nhớ tên em gọi về

Hoạt động văn nghệ trong trường Sư phạm lúc ấy có cô Bích Khê người Nha Trang. Bích Khê hát không hay nhưng cô dáng người nhỏ nhắn dễ thương. Trịnh Công Sơn khen là mi-nhon (mignonne) và đem lòng thương trộm nhớ thầm. Mùa hè năm 1963, ba anh em Thanh - Sơn - Hải không về quê. Trong lúc đó Bích Khê lại phải vào Nha Trang với gia đình. Đêm trước ngày tiễn Bích Khê, Trịnh Công Sơn hết sức xúc động. Ngồi trên bờ biển Quy Nhơn, nhìn về phố biển Nha Trang, Trịnh Công Sơn viết:

"Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về"

Lúc đó đường phố Quy Nhơn chưa có ánh điện nê-ông, nên cảnh đèn vàng đã đi vào ca từ của Sơn:

"Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng"

Dù Trịnh Công Sơn rất kín đáo nhưng bạn bè anh lúc đó đều biết anh dùng hai từ "sơn khê" trong câu:

"Trời cao níu bước sơn khê"

là có ý ghép tên anh (Trịnh Công) Sơn và tên người anh yêu (Bích) Khê.

Ngoài Bích Khê, Trịnh Công Sơn cũng có cảm tình với Phan Thị Thăng - người có giọng hát nhạc Trịnh Công Sơn đạt nhất tại Quy Nhơn lúc đó. Chính Thăng là người đầu tiên hát bài Chiều một mình qua phố trên Đài phát thanh Quy Nhơn và đã làm cho bao trái tim xao xuyến. Chất giọng của Thăng rất đặc biệt, không giống ai. Sau ngày Thăng ra trường, Trịnh Công Sơn mong Thăng tiếp tục hát nhạc của anh. Nhưng rất tiếc gia đình của Thăng muốn Thăng đi dạy hơn là đi hát. Lời yêu cầu của Trịnh Công Sơn không được đáp lại. Nếu…, biết đâu giọng hát của Phan Thị Thăng với sự giúp đỡ của Trịnh Công Sơn cũng đã trở thành bất hủ?

Ngoài Phan Thị Thăng, có Lê Thị Ngọc Trinh - người bạn từ Huế của Sơn. Trong các buổi trình diễn văn nghệ Sơn đã dành bài Lời mẹ ru để Ngọc Trinh cùng Bích Phương song ca. Sơn rất thích chất giọng Huế nhẹ nhàng của Ngọc Trinh. Về sau, Ngọc Trinh và Trịnh Công Sơn đều được bổ lên dạy học ở B’lao. Ở đó, Ngọc Trinh lại có dịp hát những bài hát mới của Trịnh Công Sơn sáng tác ở Cao nguyên bụi đỏ sương mù B’lao trong các năm 1964-1965.

Đây chỉ là những nét phác thảo về giai đoạn Trịnh Công Sơn với phố biển Quy Nhơn. Không thể hiểu đúng sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn nếu không biết giai đoạn phố biển Quy Nhơn của anh. Rất mong các anh chị bạn của Trịnh Công Sơn trong giai đoạn ấy cung cấp thêm cho chúng tôi những thông tin, những hình ảnh mà chúng tôi chưa có để góp phần hoàn chỉnh tiểu sử của người nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn.

. (Theo Trịnh Công Sơn - Có một thời như thế của Nguyễn Đắc Xuân)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Pipat đã ghi bàn  (14/03/2004)
HLV Edson Tavares trở lại Việt Nam  (14/03/2004)
Bình Định sẽ lại chia điểm thành công trên sân khách?   (12/03/2004)
Phim truyền hình dài tập: Một thế mạnh và một niềm hy vọng   (11/03/2004)
Vài ghi nhận qua Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Định năm 2004   (10/03/2004)
Hạn chế ứng viên cho danh hiệu "Cầu thủ vàng"   (09/03/2004)
Việt Nam chính thức tổ chức Tiger Cup 2004   (08/03/2004)
Dân ca Bana   (08/03/2004)
Bình Định chia điểm thành công  (07/03/2004)
Lại khó cho Bình Định  (05/03/2004)
Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh   (04/03/2004)
Đã lộ dần chân dung của nhà vô địch   (03/03/2004)
Những kỷ lục của tượng đài Chiến sĩ Điện Biên   (02/03/2004)
Cách làm mới trong bảo tồn vốn cổ   (01/03/2004)
Trận thắng quan trọng đối với Bình Định  (29/02/2004)