Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi
16:52', 22/3/ 2004 (GMT+7)

Gần năm nay, khán giả của truyền hình Bình Định (BTV) được dịp mãn nhãn với các bộ phim võ hiệp được dựng từ các tiểu thuyết của Kim Dung (gọi tắt là phim võ hiệp Kim Dung).

* Chiếm lĩnh chương trình phim 18 giờ

Trước đây, trong một thời gian dài, phim chưởng nói chung và phim võ hiệp Kim Dung không có mặt trên sóng truyền hình. Lý giải về nguyên nhân này, ông Hà Tùng Sơn - Trưởng phòng Biên tập Chương trình, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định - cho rằng: Đã có sự nhầm lẫn giữa phim chưởng nói chung và phim võ hiệp Kim Dung với phim bạo lực. Phim chưởng có cốt truyện rõ ràng, mang ý nghĩa tư tưởng, đánh nhau chỉ là cái cớ và khi cần đánh nhau đều có nguyên cớ cả. Điều quan trọng hơn là phim chưởng có ý nghĩa giáo dục. Trong khi đó, phim bạo lực không có những đặc điểm này.

Lệnh Hồ Xung - Nhân vật chính trong phim Tiếu ngạo giang hồ (ảnh: Thanh Niên)

Nhưng từ quãng tháng 8-2003 đến nay, chương trình phim 18 giờ của BTV đã liên tục trình chiếu các bộ phim võ hiệp Kim Dung. Sự "tái xuất giang hồ" của phim võ hiệp Kim Dung trên sóng truyền hình cũng còn những nguyên nhân khác. Trước hết, là sự nhận thức lại vị trí của Kim Dung và dòng tiểu thuyết võ hiệp. Trên thế giới, ngay cả Ngọa hổ tàng long (đạo diễn Lý An) và gần đây là Anh hùng (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) - hai bộ phim nhựa được đầu tư với quy mô lớn trong lịch sử điện ảnh, đã thành công rực rỡ và rất ăn khách ở Mỹ - cũng là một cách nhìn nhận lại.

Một thuận lợi khác là từ năm 1985 đến nay, Trung Quốc bắt đầu nhìn nhận lại Kim Dung. Kim Dung được xếp vào 1 trong 10 nhà văn nổi bật trong thế kỷ của Trung Quốc, chỉ sau Lỗ Tấn. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã tiến hành dựng lại, với cách thể hiện mới, một loạt tiểu thuyết của Kim Dung bằng phim truyền hình. Chất lượng các bộ phim truyền hình này hơn hẳn phim Kim Dung do Hồng Kông dựng trước đây. Tiểu thuyết Kim Dung đã sống lại trong nền điện ảnh xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Trước xu thế phim tâm lý xã hội Hàn Quốc, Đài Loan một thời ngự trị đã tỏ ra khá nhàm chán với khán giả, thì phim võ hiệp Kim Dung lại có sức thu hút khán giả lớn. Ông Hà Tùng Sơn giải thích: "Việc BTV trình chiếu phim Kim Dung không phải là chạy theo thị hiếu khán giả mà thực ra là chạy theo xu thế phát triển của nhận thức".

* Sẽ phát sóng thành "vệt" dài

Là một loại phim khá hấp dẫn khán giả nên việc chiếu các phim võ hiệp Kim Dung vào thời điểm nào cũng đã được những người làm truyền hình cân nhắc, tính toán. Chương trình phim 18 giờ sẽ không làm ảnh hưởng đến giờ giấc học hành, làm việc; đồng thời, rất thuận lợi cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau cùng thưởng thức. Qua thực tế, qua thư, qua điện thoại, qua dư luận cho thấy "vệt" phim Kim Dung này khá hấp dẫn với khán giả.

Đồng thời, phim võ hiệp Kim Dung được phát sóng một cách liên tục, tạo thành một "vệt" dài. Ngoài 4 bộ phim đã được trình chiếu: Hiệp khách hành (40 tập), Tiếu ngạo giang hồ (42 tập), Anh hùng xạ điêu (42 tập), Ỷ thiên đồ long ký (42 tập), hiện nay, BTV đang tiếp tục phát sóng Tuyết sơn phi hồ (40 tập). Bên cạnh đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định đã mua bản quyền phát sóng bộ phim Thiên long bát bộ (40 tập, phim Trung Quốc) và sẽ khởi chiếu vào tháng 6-2004. Như vậy, hiện nay, BTV đã phát sóng 170 tập phim Kim Dung trong tổng số 250 tập phim đã mua bản quyền.

Được biết, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 10 bộ phim Kim Dung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép nhập khẩu và cho phát trên hệ thống truyền hình cả nước. "Sau khi đã chiếu được 6 bộ phim truyền hình được dựng theo các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, chúng tôi sẽ lần lượt thương lượng, mua bản quyền và phát trên sóng BTV" - ông Sơn nhấn mạnh.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)
Bình Định tham dự Giải Việt dã toàn quốc lần thứ 45  (19/03/2004)
Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua  (19/03/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm  (19/03/2004)
Nhiều ngôi sao muốn giã từ M.U   (18/03/2004)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi Vua phá lưới V.League 2004?   (17/03/2004)
Bình Định tìm nguồn cầu thủ bổ sung cho giai đoạn 2 V.League 2004   (16/03/2004)
Trịnh Công Sơn với phố biển Quy Nhơn   (16/03/2004)
Pipat đã ghi bàn  (14/03/2004)
HLV Edson Tavares trở lại Việt Nam  (14/03/2004)
Bình Định sẽ lại chia điểm thành công trên sân khách?   (12/03/2004)
Phim truyền hình dài tập: Một thế mạnh và một niềm hy vọng   (11/03/2004)
Vài ghi nhận qua Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Định năm 2004   (10/03/2004)
Hạn chế ứng viên cho danh hiệu "Cầu thủ vàng"   (09/03/2004)
Việt Nam chính thức tổ chức Tiger Cup 2004   (08/03/2004)