Nơi ươm mầm những tài năng thể thao
16:15', 23/3/ 2004 (GMT+7)

Được thành lập vào năm 1984, cho đến nay, sau một chặng đường dài 20 năm định hình và phát triển, trường Năng khiếu TDTT Bình Định, nguyên là trường TDTT Bình Định, đã đóng góp cho nền thể thao tỉnh Bình Định nhiều nhân tài, tạo nên tên tuổi của TDTT Bình Định.

* Ngày ấy, bây giờ

Các VĐV đội bóng ném Bình Định

Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên là hiệu trưởng của trường từ năm 1995 đến năm 2003, nay là Phó Giám đốc Sở TDTT nhớ lại: "Trước đây, trường nằm trong khuôn viên của Sở, là sân tập bóng ném ngày nay, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, nhưng thầy trò cùng nhau khắc phục khó khăn để học tập, rèn luyện… Khó là vậy mà thành tích thì không tệ đâu nhé". Và sự cố gắng đó của thầy và trò trong những năm tháng đầu tiên đã cho "ra đời" một lứa học trò khá xuất sắc, mà cho đến ngày nay, tên tuổi của họ vẫn còn trên các đấu trường thể thao như: thủ môn Trần Minh Quang, tiền vệ Văn Hiển, Nguyễn Văn Hùng…

Năm 1995, trường TDTT Bình Định đổi tên thành trường Năng khiếu Bình Định. Theo đó Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm về kinh phí đào tạo văn hóa, Sở TDTT chịu trách nhiệm về đào tạo chuyên môn. Cơ sở vật chất của trường cũng thay đổi khi chuyển về tòa nhà 210-212 đường Phan Bội Châu (nguyên là một khách sạn được cải tạo chuyển đổi công năng). Trường nay là một cơ ngơi bề thế tọa lạc giữa trung tâm thành phố với hơn 20 phòng, có sức chứa cho hơn 100 người nội trú. Hiện nay trường có 25 cán bộ, chỉ tiêu đào tạo hàng năm là 140 VĐV. Bên cạnh đó, trường đã thiết lập hệ thống vệ tinh trên 11 huyện, thành phố nhằm phát hiện những tài năng ở các bộ môn, để từ đó có cơ sở giới thiệu với trường. Nhà trường tổ chức một hội đồng thi sát hạch để chọn những VĐV tốt nhất đưa về đào tạo tiếp.

Nhờ làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn và đào tạo nên hơn 20 năm qua, trường năng khiếu Bình Định đã "cho ra lò" những "sản phẩm mang thương hiệu" Bình Định đạt chất lượng cao trên nhiều bộ môn. Đơn cử như bóng đá có: Trần Minh Quang, Minh Mính, Văn Hiển, Khoa Thanh, Thanh Phương…; cờ vua có Châu Thị Ngọc Giao; cờ tướng có Hoàng Hải Bình; võ thuật có Trần Duy Linh, Phan Trường Hận, Lê Công Bút… Bóng ném có Từ Thanh Quang, Đoàn Tấn Phát, Tô Hà Trí…

* 20 năm ấy biết bao nhiêu tình

Quốc tế Đại sư Châu Thị Ngọc Giao: "Tôi không bao giờ quên những tháng năm còn học ở trường năng khiếu, chính khoảng thời gian theo học ở đây đã giúp tôi hoàn chỉnh những khả năng cơ bản về bộ môn cờ, để từ đó tôi có dịp nâng cao kiến thức và có được những thành tích như ngày hôm nay. Ngày ấy, lớp năng khiếu bộ môn cờ của chúng tôi ít lắm, nên chúng tôi chơi rất thân cùng nhau…"

Ông Đinh Khắc Diện, Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định: "Trong gần 20 năm qua, trường năng khiếu TDTT Bình Định đã đóng góp một phần không nhỏ vào những thành công của nền TDTT Bình Định. Rất nhiều VĐV được đào tạo từ ngôi trường này hiện nay vẫn còn đang là những trụ cột của TDTT Bình Định ở nhiều bộ môn khác nhau, trong đó đáng kể là môn bóng đá, cờ, bóng ném…".

Khi chúng tôi hỏi thăm thông tin về lịch sử ngôi trường, ông Nguyễn Văn Long, Hiệu trưởng của trường, cười: "Ờ héng! Loáng qua một cái mới đó mà đã 20 năm rồi, nhanh thật đấy. Chừng ấy năm, biết bao nhiêu lứa học trò đã vào trường, học tập, rèn luyện rồi ra trường nhỉ? Lui cui làm việc riết một hồi rồi cũng quên mất ngày tháng". 20 năm, giờ đây có người đã giã từ sự nghiệp VĐV của mình để chuyển sang công tác đào tạo, nhưng cũng có người còn phải căng sức thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của tỉnh nhà. Cùng lúc ấy, thế hệ các VĐV năng khiếu như U15, U17… lại ngày ngày xỏ giày ra sân, tối tối đến lớp học để tự trang bị cho mình kiến thức cũng như trình độ chuyên môn với niềm ước ao đau đáu là một ngày không xa sẽ thành danh. Rồi cũng có những người đã chuyển sang thi đấu cho các tỉnh bạn và ở đó họ cũng đã gặt hái không ít những thành công. Ví như kỳ thủ Hoàng Hải Bình, vừa lên ngôi vô địch ở giải cờ tướng toàn quốc năm 2004 trong màu áo của thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể những HLV, những giáo viên không thể nhớ hết có bao nhiêu VĐV tài năng từ ngôi trường này đào tạo ra. Nhưng trong mỗi VĐV đã được học tập, rèn luyện từ nơi đây hẳn trong tiềm thức của họ luôn có một vị trí trang trọng dành cho ngôi trường đã từng đào tạo mình.

. Công Tâm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi  (22/03/2004)
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)
Bình Định tham dự Giải Việt dã toàn quốc lần thứ 45  (19/03/2004)
Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua  (19/03/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm  (19/03/2004)
Nhiều ngôi sao muốn giã từ M.U   (18/03/2004)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi Vua phá lưới V.League 2004?   (17/03/2004)
Bình Định tìm nguồn cầu thủ bổ sung cho giai đoạn 2 V.League 2004   (16/03/2004)
Trịnh Công Sơn với phố biển Quy Nhơn   (16/03/2004)
Pipat đã ghi bàn  (14/03/2004)
HLV Edson Tavares trở lại Việt Nam  (14/03/2004)
Bình Định sẽ lại chia điểm thành công trên sân khách?   (12/03/2004)
Phim truyền hình dài tập: Một thế mạnh và một niềm hy vọng   (11/03/2004)
Vài ghi nhận qua Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Định năm 2004   (10/03/2004)
Hạn chế ứng viên cho danh hiệu "Cầu thủ vàng"   (09/03/2004)