Âm nhạc truyền thống: Còn ai với ai?
16:3', 26/3/ 2004 (GMT+7)

Trong những đêm diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống, khi các diễn viên rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu thì vẫn có những người lặng lẽ dưới hố nhạc, kết nối những cảnh đời, số phận trên nền thanh âm.

* Lực lượng mạnh

Dàn nhạc Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định

Theo nghệ sĩ Trần Văn Tới, Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, thì lực lượng làm âm nhạc truyền thống của Bình Định chỉ đứng sau các trung tâm như Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng này tập trung ở hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh nhà: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và Nhà hát Tuồng Đào Tấn, mỗi đơn vị có trên dưới chục nhạc công. Cái mạnh của họ không chỉ thể hiện ở số lượng mà chính yếu hơn là về chất lượng. Dàn nhạc Nhà hát Tuồng Đào Tấn hai lần được tặng bằng khen đặc biệt "Dàn nhạc xuất sắc" trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 và 1995. Những gương mặt như: NSƯT Văn Bá Anh (nhị, kèn, trống), NSƯT Dương Long Căn (trống), NSƯT Lưu Hạnh (kèn, nhị), NSƯT Nguyễn Viết (sáng tác nhạc, chỉ huy dàn nhạc), NSƯT Phạm Văn Dị (kèn, nhị, bầu), NSƯT Đào Duy Kiền (chỉ huy dàn nhạc, sáng tác nhạc), NSƯT Văn Bá Hùng (trống) - tuồng và NSƯT Hoàng Lê (chỉ huy sáng tác nhạc), NSƯT Nguyễn Cung Nghinh (kìm, tranh, sáng tác nhạc dân ca), NSƯT Nguyễn Hoài Ân (kèn, nhị), NSƯT Ngô Hữu Lai (nhị, sáng tác nhạc) - ca kịch bài chòi là một minh chứng cho lực lượng hùng hậu này.

Cùng với những nhạc công chuyên nghiệp, cũng phải kể đến những nhạc công tại 11 CLB tuồng không chuyên trong toàn tỉnh. Lực lượng này cũng không ít. Ngoài ra, rải rác tại một số địa phương, vẫn còn những người thầy đang âm thầm truyền lại nhịp phách, tiếng đàn. Tiếc thay, số những nghệ nhân này đang ít dần.

* Người thay thế chưa tới

Có lực lượng mạnh, nhưng khi nhìn vào đội ngũ những nhạc công trẻ hiện nay, chúng ta lại thấy sự thiếu vắng. Thiếu vắng những người sáng tác trẻ đã đành, ngay cả những nhạc công trẻ, thực sự nắm bắt tinh hoa của một loại nhạc cụ truyền thống nào đó, cũng khá hiếm.

"Đào tạo được một nhạc công truyền thống giỏi nghề, hoàn toàn không đơn giản" - ông Nguyễn Hồng Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh khẳng định. Ngoài chuyện phải được đào tạo bài bản ở nhà trường hoặc được một nghệ nhân giỏi nghề trực tiếp truyền thụ, để trở thành một nhạc công lành nghề, người làm âm nhạc truyền thống phải bỏ không ít tâm lực và thời gian rèn nghề. Thường thì mỗi người chỉ có thể chuyên tâm với một nhạc cụ truyền thống nào đó. NSƯT Hữu Lai cho biết: "Nói chung, mỗi một nhạc cụ đều có thế mạnh và đặc trưng riêng. Chỉ có người nhạc công có đủ khả năng khai thác thế mạnh và đẩy lên cao khả năng tiềm năng của nó hay không".

Am tường nghề đã khó, nhưng để từ một nhạc công giỏi, trở thành một tác giả sáng tác nhạc cho sân khấu truyền thống lại càng khó hơn. Người trong nghề thường nhắc nhau câu nói của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: "Đoàn Tuồng Liên khu V mời tôi viết nhạc cho vở diễn nhưng tôi từ chối. Nếu được 3 năm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhạc tuồng tôi mới nhận lời". Còn theo NSƯT Đào Duy Kiền: "Đối với các nhạc sĩ chưa am hiểu âm nhạc tuồng (mặc dầu kiến thức chung về âm nhạc của họ khá cao) sẽ dẫn đến tình trạng sáng tác nhạc tuồng thiếu tính tuồng. Ngược lại, một số nhạc sĩ tuy xuất thân từ nhạc công giỏi nhưng do kiến thức khoa học âm nhạc chưa nhiều, lại thêm nhạc cổ đã thấm sâu vào máu thịt nên khi làm nhiệm vụ của một tác giả âm nhạc thì lúng túng, không thoát ra khỏi bốn bức tường xưa". Hiện nay, số những người sáng tác nhạc cho vở diễn sân khấu truyền thống ở Bình Định chỉ đếm trên đầu ngón tay.

* Yêu nghề đã khó

Chấp nhận lặng lẽ ngồi dưới hố nhạc, kết nối các cảnh đời, số phận lại bằng âm thanh; người nhạc công còn phải chấp nhận nhiều khó khăn có thực từ áp lực của đời sống. Bởi vậy, ngoài công việc chuyên môn, một số nhạc công trẻ đành chấp nhận bươn chải, biểu diễn tại các điểm ca nhạc, phục vụ khách du lịch… Hẳn nhiên, sự chuyên tâm cho âm nhạc truyền thống cũng bị chia sẻ.

Gây men cho những người làm âm nhạc truyền thống, tạo điều kiện đào tạo thế hệ tiếp nối cho âm nhạc truyền thống là mong muốn của những người làm nghề. Một sân chơi cho âm nhạc truyền thống, vừa là nơi để họ có thể phô diễn tài năng cho khán giả, vừa tiếp tục nâng cao tay nghề và phổ biến, giới thiệu cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống là cần thiết. Hiện tại, âm nhạc truyền thống chỉ thu mình như một bộ phận của hoạt động sân khấu truyền thống, một vài chương trình truyền hình. Trên thực tế, cũng đã từng tồn tại một CLB âm nhạc truyền thống nhưng đã sớm chết yểu.

Một lực lượng làm âm nhạc truyền thống, dù mạnh, nhưng nếu không được bồi bổ, không được tạo điều kiện trau dồi chuyên sâu, thì rất có thể bị mai một. Đặc biệt là khi lực lượng trẻ của âm nhạc truyền thống hiện chưa đủ khả năng thay thế thế hệ đàn anh.

Vì vậy, tạo điều kiện để thế hệ trẻ hôm nay chuyên tâm nghiên cứu, rèn luyện để kế thừa và phát triển vốn quý này của ông cha. Một lớp nhạc dân tộc, đào tạo có bài bản, để những nghệ sĩ lớp trước có thể dồn hết tâm huyết và kinh nghiệm truyền nghề cho một đội ngũ kế cận hôm nay thiết nghĩ là hoàn toàn cần thiết.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Căng thẳng và kịch tính  (25/03/2004)
Khó khăn cho chủ nhà?   (24/03/2004)
Nơi ươm mầm những tài năng thể thao   (23/03/2004)
Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi  (22/03/2004)
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)
Bình Định tham dự Giải Việt dã toàn quốc lần thứ 45  (19/03/2004)
Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua  (19/03/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm  (19/03/2004)
Nhiều ngôi sao muốn giã từ M.U   (18/03/2004)
Cầu thủ nào sẽ đoạt ngôi Vua phá lưới V.League 2004?   (17/03/2004)
Bình Định tìm nguồn cầu thủ bổ sung cho giai đoạn 2 V.League 2004   (16/03/2004)
Trịnh Công Sơn với phố biển Quy Nhơn   (16/03/2004)
Pipat đã ghi bàn  (14/03/2004)
HLV Edson Tavares trở lại Việt Nam  (14/03/2004)
Bình Định sẽ lại chia điểm thành công trên sân khách?   (12/03/2004)