Sau 11 lượt trận đấu, giai đoạn 1 Giải bóng đá vô địch quốc gia chuyên nghiệp - V.League 2004 đã kết thúc. 11 lượt trận đấu trôi qua với đủ cung bậc vui buồn và cả những khó khăn, thử thách đang chờ đợi ở giai đoạn 2.
* Những thành công đáng ghi nhận
|
Các cầu thủ Bình Định chào khán giả sau một trận đấu |
V.League 2004 là một bước tiếp tục củng cố, hoàn chỉnh để từng bước chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam. Trong điều kiện còn khó khăn nhưng so với những mùa giải trước, giai đoạn 1 V.League 2004 đã gặt hái được những thành công ban đầu đáng ghi nhận. Đó là thành công về công tác tổ chức, về chất lượng chuyên môn, lượng khán giả đến sân…
Có thể nói, giai đoạn 1 V.League 2004 đã diễn ra khá hấp dẫn, gay cấn, với những cuộc đua tranh, rượt đuổi, "soán ngôi" ngoạn mục. Trước ngày khai mạc V.League 2004, HAGL từng bị xem là đội khó có thể bảo vệ được ngôi vô địch vì dàn cầu thủ "luống tuổi" và cả những bất ổn nội bộ. Thế nhưng, đội quân phố núi đã làm cho khán giả hâm mộ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Liên tiếp 7 lượt trận đấu, HAGL lập kỷ lục bất bại và tạm chiếm "ngôi vua" trước 1 vòng đấu. Còn cầu thủ trẻ Minh Hải (16) của HAGL cũng lập kỷ lục. Chỉ mới qua 4 lượt trận đấu đầu tiên của giai đoạn 1, Minh Hải đã ghi được 7 bàn thắng. Đây được xem là kỷ lục của giải bóng đá chuyên nghiệp từ trước đến nay. Kết quả, sau 11 lượt trận đấu, Minh Hải đã dẫn đầu danh sách ghi nhiều bàn thắng nhất với 9 bàn thắng.
Bên cạnh HAGL, một "hiện tượng" của giải được người hâm mộ bóng đá chú ý là SĐNĐ. Gần giống như HAGL, đội SĐNĐ cũng lập kỷ lục giai đoạn 1 với 5/7 trận thắng trên sân đối phương và được mệnh danh là "Vua sân khách". Kết quả trên đã đưa SĐNĐ vươn lên vị trí thứ nhì, sau HAGL. Ngoài HAGL và SĐNĐ, nhiều đội bóng khác như SLNA, LG.HN.ACB, Bình Dương, Đà Nẵng… đã góp phần làm cho những trận đấu của giai đoạn 1 thêm hấp dẫn. Theo thống kê, qua 66 trận đấu của giai đoạn 1, các cầu thủ của 12 đội bóng đã ghi được 167 bàn thắng, đạt tỉ lệ bình quân 2,53 bàn/trận. (giai đoạn 1 V.League 2003, các cầu thủ chỉ ghi được 150 bàn thắng, đạt tỉ lệ bình quân 2,27 bàn/trận). Như vậy, so với V.League 2003, tỉ lệ ghi bàn của các cầu thủ ở mùa giải năm nay tăng lên đáng kể. Đây cũng là tỉ lệ bàn thắng cao nhất ở giai đoạn 1 của 5 mùa giải qua. Chính những trận đấu hấp dẫn nói trên đã góp phần thu hút khán giả đến sân nhiều hơn. Thống kê cho biết, số khán giả đến sân bình quân đạt 8.400 người/trận. Riêng 4 lượt trận đấu cuối, lượng khán giả bình quân tăng lên đến 10.000 người/sân. Đây là lượng khán giả khá lý tưởng và là lần đầu tiên, giai đoạn 1 có số lượng khán giả đến sân đông nhất trong 5 mùa giải vừa qua.
* Còn đó nỗi buồn và cả những lo toan
Bên cạnh những thành công như đã nêu trên, giai đoạn 1 của V.League 2004 vẫn còn "những hạt sạn" và cả những tiêu cực đáng lo ngại. Trong khi khá nhiều đội bóng "tân binh" như HAGL, LG.HN.ACB, Bình Dương, SĐNĐ… đã chuẩn bị khá kỹ trước khi bước vào mùa giải thì ngược lại, một số đội bóng từng "một thời vang bóng" như Á quân V.League 2003 GĐT.LA, NHĐA, Thể Công… lại thiếu sự chuẩn bị nghiêm túc, hoặc lạc hậu với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Điều này phần nào làm hạn chế chất lượng chuyên môn của những trận đấu.
Vấn đề đã và đang được khán giả hâm mộ bóng đá quan tâm là tư cách, đạo đức của cầu thủ. Bên cạnh một số cầu thủ có "những biểu hiện nghi vấn" như Văn Sỹ Thủy (SLNA), Phạm Hùng Dũng (ĐN), Lê Văn Lưu (Bình Dương), Ngọc Thanh, Ngọc Thọ (NHĐA)… một số cầu thủ đã có những hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ, thậm chí thiếu văn hóa, mất tư cách. Ví dụ như hành động của Achilefu (LG.HN.ACB) thản nhiên tụt quần "khoe mông" trước khu kỹ thuật của đội bóng cũ SĐNĐ; hành động của Vũ Minh Hiếu túm cổ áo và lăng mạ trọng tài; hành động của Lê Thanh Xuân đòi "xơi tái" ông Calisto; vụ trọng tài Vương Tuấn Kiệt bị ném đá vào đầu trên sân Cao Lãnh (Đồng Tháp)… Đó là chưa nói đến những cuộc ẩu đả, hỗn chiến của cầu thủ trong sân cỏ, của khán giả trên khán đài và cả những cuộc "nổi lửa lên em" trên khán đài ở Hà Nội, Quy Nhơn…
Theo thống kê, qua 11 lượt trận đấu giai đoạn 1, các trọng tài đã phải rút ra 249 thẻ phạt, trong đó có 233 thẻ vàng, 16 thẻ đỏ. Đội bóng bị lãnh thẻ đỏ nhiều nhất là LG.HN.ACB (4 thẻ). Những đội bóng bị phạt thẻ vàng nhiều là: SĐNĐ (27), Hải Phòng (26). Đây quả là hiện tượng đáng lo ngại.
Một hạn chế khác của giai đoạn 1 V.League 2004 là vấn đề công tác trọng tài, giám sát. Bên cạnh những hạn chế về năng lực, khán giả hâm mộ bóng đá, nhất là Ban Huấn luyện, cầu thủ nhiều đội bóng tỏ ra bất bình về cách cầm còi của một số "ông vua sân cỏ". Có thể thấy, mới chỉ qua 11 lượt trận đấu của giai đoạn 1 mà đã có tới 7 đơn kiện trọng tài. Ngoài ra, đội ngũ giám sát viên ở V.League 2004 cũng bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế.
Giai đoạn 1 V.League 2004 đã tạm khép lại với những vui - buồn - lo lắng đan xen. Tựu trung, thành công bước đầu của V.League 2004 ở giai đoạn 1 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những hạn chế, khiếm khuyết và cả những biểu hiện đáng lo ngại vừa qua rất cần khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
. Viết Hiền
|