|
Rạp chiếu bóng 31-3 |
1. Theo báo cáo của Công ty Điện ảnh Băng hình Bình Định (ĐABH BĐ), trong năm 2003, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 4,3 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động công ích là 2,4 tỉ đồng, từ kinh doanh dịch vụ là 1,8 tỉ đồng. Đây là một sự cố gắng rất lớn của Công ty trong điều kiện còn… "trăm cái khó". Tuy nhiên, trong 1,79 tỉ đồng doanh thu chiếu bóng năm 2003 thì doanh thu chiếu phim chỉ hơn 160 triệu đồng, còn lại 1,55 tỉ đồng là ngân sách nhà nước tài trợ cho hoạt động điện ảnh và 80 triệu đồng Sở Văn hóa - Thông tin hỗ trợ để phục vụ các ngày lễ lớn. Như vậy, tuy doanh thu của Công ty đạt 100,15% so với kế hoạch, nhưng hoạt động chiếu bóng vẫn ở thế yếu, còn thấp. Nói thẳng ra là èo uột, có thể "toi" bất cứ lúc nào.
Năm 2004, Công ty chuyển từ DNNN hoạt động công ích sang hoạt động kinh doanh, số buổi chiếu do Nhà nước đặt hàng tiếp tục giảm, chỉ còn 1.718 buổi, tức là giảm gần một nửa so với năm 2003. Ngân sách nhà nước tài trợ kinh phí chiếu bóng chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng (năm 2003 là 1,55 tỉ). Lượng khán giả đến rạp vẫn ít. Ngay tại Rạp 31-3, một số đêm chiếu chỉ bán được từ 15 đến 20 vé. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hải Lan, Giám đốc Công ty ĐABH BĐ phải bán được 50 vé mỗi đêm mới hòa vốn. "Ngay cả với phim hay, khách vào rạp đông, Công ty cũng phải chiết khấu từ 50 đến 60% cho nhà phát hành nên khó khăn lắm mới cân đối được" - ông Lan cho biết thêm. Trong khi đó, số đại lý video lại có xu hướng giảm. Đầu năm 2003 có 44 đại lý, thì đến cuối năm 2004 chỉ còn 28 đại lý.
2. Cái khó trên đây là thực trạng chung hiện nay trong cả nước. Tuy nhiên, ở Bình Định, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chiếu bóng thiếu sức thu hút khán giả là do nguồn phim chưa ổn định và chậm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Lan giải thích: "Hiện nay, Fafilm Việt Nam không còn độc quyền phát hành phim như trước đây và nguồn phim Fafilm Việt Nam phát hành hiện hạn chế về số lượng, thể loại, nhiều phim tái bản, chất lượng kém. Do vậy, các trung tâm chiếu bóng ở các tỉnh phải tự tìm lấy nguồn phim. Với một số thành phố lớn, họ tự tìm nguồn, mua rồi đưa ra Hội đồng duyệt và phát hành. Tuy nhiên, với các tỉnh lẻ không có điều kiện như vậy, phải tự tìm nơi để… xin, nên nguồn phim không ổn định. Việc phát hành lại theo tuyến, với các tỉnh như Bình Định, do lượng khán giả đến rạp không nhiều, nên chỉ sau khi các thành phố lớn chiếu xong, phim mới được đưa về chiếu. Bình Định thường phải đến vòng 2, thậm chí vòng 3, vòng 4 mới có phim. Phim hay lại về chậm là vì vậy".
Cả năm 2003, rất cố gắng Công ty đã khai thác được 30 phim nhựa và 17 băng hình để phục vụ nhân dân. Tất nhiên, không phải tất cả đều đã hay và khán giả Bình Định vẫn phải chờ dài cổ mới được xem phim hay, phim nóng đang được dư luận quan tâm.
Trong khi đó, cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động chiếu bóng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trừ Rạp 31-3 vào loại tương đối hiện đại, các rạp khác vẫn chưa được đầu tư sửa chữa gì thêm, hiện đang xuống cấp và phải đóng cửa. Cả tỉnh có 13 đội chiếu bóng lưu động nhưng mới chỉ có 7 máy chiếu 100 inches; trong đó có 3 máy do Công ty đầu tư.
Mặc dù đã chuyển sang hoạt động kinh doanh nhưng trên thực tế, hiện nay Nhà nước vẫn phải đặt hàng số buổi chiếu phục vụ, một hình thức tài trợ (thay vì giao chỉ tiêu như trước đây) cho công ty ĐABHBĐ cho thấy "cơn bĩ cực" của hoạt động chiếu bóng vẫn còn rất nặng nề.
. Lê Viết Thọ