Địa chí Bình Định: mong đợi ngậm ngùi
10:19', 29/4/ 2004 (GMT+7)

Năm 2000, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS-TS Đỗ Bang (chủ biên 7 tập sau của bộ Địa chí Bình Định) từng khẳng định: đây sẽ là bộ địa chí đồ sộ nhất và có yêu cầu cao về chất lượng học thuật. Cũng theo PGS-TS Đỗ Bang, vào đúng dịp kỷ niệm 400 năm phủ thành Quy Nhơn (năm 2002) sẽ xuất bản trọn bộ 9 tập.

* Đồ sộ nhưng…

Đồ sộ thì quả là quá đồ sộ, vì nếu một số tỉnh khác họ chỉ làm địa chí một tập thì Bình Định lại làm tới 9 tập với những 3.000 trang. Ngay cả bộ Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh công phu là vậy, có giá trị là thế, do hai nhà khoa học đầu đàn là Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên cũng chỉ vỏn vẹn 3 tập với hơn ngàn trang. Hơn nữa, bộ Địa chí Bình Định thực hiện với sự cộng tác của hàng chục người, gồm các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, do PGS-TS Đỗ Bang (Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Huế) chủ biên.

Lướt qua tựa đề của các tập sách trong bộ địa chí này, tưởng cũng đủ nói lên sự đồ sộ đó: Bình Định danh thắng và di tích, Địa bạ và phép quân điền, Địa chí thiên nhiên, hành chính và dân cư, Địa chí lịch sử, Địa chí kinh tế, Địa chí Văn hóa và xã hội, Địa chí Văn học và nghệ thuật, Nhân vật Bình Định và Địa chí làng xã và đô thị.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, bạn đọc Bình Định và những người yêu Bình Định, vẫn cứ phải mòn mỏi trông đợi. Cho mãi đến thời điểm này, tức là gần giữa năm 2004, bộ địa chí đồ sộ này mới xuất bản được hai tập: Bình Định danh thắng và di tích Địa bạ và phép quân điền. Tập Địa chí thiên nhiên, hành chính và dân cư được nghiệm thu vào năm 2002, riêng Địa chí lịch sử thì đã qua hai lần nghiệm thu vào các năm 2002 và 2003, nhưng vẫn chưa được thông qua và cần tiếp tục sửa chữa vì còn nhiều sai sót.

Bình Định danh thắng và di tích dày 346 trang in, xuất bản năm 2000. Gọi là địa chí nhưng thật ra, chỉ có thể xem đây là một tập sách miêu tả, giới thiệu các danh thắng và di tích Bình Định. Xem ra, cách viết của địa chí cũng chẳng khác mấy với Di tích danh thắng Bình Định do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã xuất bản năm 1997. Đọc xong quyển sách này, người ta đâm ra băn khoăn, chẳng hiểu là viết một tập sách thuộc một bộ địa chí thì có gì khác với một sự khảo tả, giới thiệu thông thường. Nếu không thì có cần viết một tập địa chí như vậy hay không? Đó là chưa kể đến những sai sót trong cuốn sách này.

Địa bạ và phép quân điền thì quả là một công trình đặc biệt rất có giá trị của học giả Nguyễn Đình Đầu. Cuốn này được in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 8 năm 2003 (trong khi ngoài bìa đề năm 2002). Song như trong lời tựa của chính tác giả: "Cuối năm 1999, tôi được đề nghị viết một tập trong công trình Địa chí Bình Định về đề tài Địa bạ và phép quân điền xưa. Đây là một vinh dự lớn song cũng là một trách nhiệm phải viết lại (chúng tôi nhấn mạnh) đề tài sao cho vừa khoa học, vừa mang tính phổ biến thích hợp với một công trình Địa phương chí lớn" (Trang 8). Học giả dùng chữ viết lại bởi năm 1996, ông đã viết về đề tài này trong bộ sách Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn. Lần đó, phần Địa bạ Bình Định đã được xuất bản với 3 tập, tổng cộng lên tới 1.352 trang in. Như vậy, thực ra tập sách này cũng chỉ là viết lại dưới hình thức phổ thông hơn một công trình trước đó.

Một băn khoăn khác của người đọc là nếu với cách viết như vậy thì mỗi tập của bộ địa chí lại chẳng khác mấy với những cuốn sách viết riêng về từng lĩnh vực: lịch sử, lịch sử văn học, lịch sử kinh tế... của Bình Định cả. Chẳng lẽ địa chí chỉ là sự tập hợp những công trình khảo tả các lĩnh vực khác nhau về một vùng đất. Đó là chưa nói đến, cái nhìn tổng thể, nhất thống về một vùng đất - một cái nhìn rất sâu từ tổng thể lịch sử, địa lý, sinh thái và nhân văn - lại không thể có được nếu viết theo kiểu chiếc bánh chia phần này. Hơn nữa, nếu triển khai toàn bộ 9 tập, với đủ lĩnh vực như trên, liệu có dẫn đến trùng lặp?  

* 2005: có xong?

Địa chí lịch sử, qua hai lần thẩm định vào các năm 2002, 2003 nhưng vẫn chưa được thông qua. Ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, cho biết: "Trước đây đã đề nghị với phía biên soạn nên tổ chức các hội thảo. Tuy nhiên, do điều kiện người chủ biên ở xa nên không tổ chức hội thảo được nên việc nghiệm thu sẽ tiến hành làm 2 bước. Bước 1 là thẩm định, bước 2 sẽ sửa chữa theo thẩm định. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định lại những sửa chữa đó. Sau khi hoàn tất chung, mới tổ chức nghiệm thu cuối cùng. Bộ Địa chí lịch sử, qua 2 lần góp ý rất cụ thể và hiện nay, người biên soạn đang sửa chữa và cố gắng hoàn thành công việc này trong tháng 4 và sẽ tổ chức nghiệm thu lần nữa trong năm nay".

Ngoài ra, với các tập khác, theo ông Từ Mẫn Hiền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) thì trong năm 2004 sẽ cố gắng để có thể hoàn thành thêm 2 tập nữa. Với tiến độ này, xem ra mục tiêu 2005 mà những người có trách nhiệm khẳng định với chúng tôi xem chừng vẫn khó thực hiện.

* Địa chí: chưa đến tay người đọc

Biên soạn một bộ địa chí, xét cho cùng ngoài việc làm tư liệu cho các nhà nghiên cứu, quan trọng không kém là làm sao để sách đến với người dân, để người đọc thêm hiểu, tự hào về mảnh đất mình đang sống. Tuy nhiên, với hai tập sách đã xuất bản thành sách, không thể tìm thấy tại bất cứ một nhà sách nào ở Quy Nhơn, kể cả tại nhà sách của Công ty Sách và Thiết bị trường học Bình Định. Chẳng lẽ, Nhà nước tốn kinh phí hàng tỉ đồng vào một bộ địa chí, để rồi in xong lại lưu kho hoặc đem biếu, còn người cần sách thì không có?

. Khải Nhân

 

Ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định:

Lúc đầu, do không cân nhắc kỹ khối lượng công việc, nên ấn định năm 2002 hoàn thành. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm mới thấy khối lượng công việc quá lớn. Các tỉnh khác, biên soạn địa chí không có quy mô đồ sộ như Bình Định, nhưng cũng ấn định thời gian hoàn thành trong 4, 5 năm. Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, tập nào biên soạn xong chắc tập đó, hoàn thành xong tập nào thì xuất bản tập đó. Tránh việc xuất bản rồi lại phát hiện ra những sơ suất, nhất là với tập Địa chí lịch sử. Thời gian theo tôi là cần thiết, nhưng thời gian cũng phải tương xứng với chất lượng. Những tập vừa rồi đã làm kỹ và thời gian kéo dài cũng vì thế. Hiện nay, ngoài hai tập đã nghiệm thu sơ bộ, một số tập khác đang được xúc tiến biên soạn. Trong đó, gay cấn, phức tạp nhất có lẽ là tập Nhân vật Bình Định. Về thời gian, chúng tôi đã làm việc sơ bộ với phía biên soạn, có lẽ nhanh nhất là phải đến năm 2005 mới xong.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Địa chí Bình Định: mong đợi ngậm ngùi  (29/04/2004)
Tự ti  (28/04/2004)
Đoàn Bình Định đoạt 15 huy chương các loại tại Hội khỏe Phù Đổng Khu vực III  (27/04/2004)
Hoạt động chiếu bóng trong cơn bĩ cực   (26/04/2004)
Buồn, vui qua chuyến du đấu của đội Bình Định ở Indonesia   (26/04/2004)
Bình Định - Đồng Tháp 1-1: Trận cầu tẻ nhạt  (25/04/2004)
Bình Định tham dự giải bóng đá U.21 và Cúp Milo năm 2004  (25/04/2004)
Một trận đấu then chốt đối với Bình Định   (23/04/2004)
Cúp C1 châu Á: Bình Định vẫn chưa nếm mùi chiến thắng  (22/04/2004)
Những "hạt gạo" có thể rớt xuống "sàng V-League 2004"   (21/04/2004)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn phục hồi vở "Nắng soi dòng suối Păng - Pơi"  (21/04/2004)
Liên hoan văn nghệ "Âm vang Điện Biên"  (21/04/2004)
Về bức phù điêu nữ thần tài lộc Hariti phát hiện được tại thành Cha  (21/04/2004)
Một chuyến đi "lành ít, dữ nhiều" của đội Bình Định   (20/04/2004)
Maradona phải đi cấp cứu   (19/04/2004)