Quản lý, tôn tạo và phát huy di tích: Dấu xưa, xe ngựa...
16:40', 1/4/ 2004 (GMT+7)

Tháng 10 năm 2001, UBND tỉnh ra Quyết định 100 ban hành Chủ trương quản lý, tôn tạo và phát huy các di tích (DT) lịch sử, DT cách mạng và DT kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong chủ trương này, đã đưa ra phương án trùng tu tôn tạo một số DT cụ thể, mốc thời gian ấn định là đến năm 2005 (riêng DT thành Hoàng Đế là đến 2010). Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều công việc được đưa ra trong chủ trương chưa tiến hành được bao nhiêu.

* Quản lý: lúng túng, chưa khoa học 

Dân lấn chiếm DT, xây cất nhà ở, nhưng chính quyền địa phương không đình chỉ và chưa có biện pháp xử lý dứt điểm đang là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Tháp Bình Lâm là một ví dụ, ngay trong khu vực bảo vệ, gần chân tháp, bị người dân lấn chiếm cất nhà ở, chính quyền địa phương có kế hoạch di dời từ lâu, vậy mà đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. Còn DT Đèo Nhông - Dương Liễu còn 14 hộ dân sinh sống trong vành đai bảo vệ I, khu vực điều chỉnh vành đai bảo vệ II có 17 hộ dân làm ăn sinh sống tại đây từ trước khi DT được công nhận. Năm 2001, huyện Phù Mỹ tiến hành cưỡng chế nhưng chỉ tháo dỡ được… 1 hộ.

Tường rào bê tông như thế này đang chia cắt tổng thể di tích Gành Ráng

DT có chủ mà gần như thành vô chủ, một trong nhiều nguyên nhân là do chưa có sự phân cấp quản lý một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương một số nơi còn thờ ơ, buông lỏng công tác quản lý DT trên địa bàn, ngay cả khi DT trên địa bàn bị xâm phạm, vẫn có tâm lý chờ cấp trên. Chưa có sự phối hợp giữa ngành văn hóa, chính quyền địa phương và cơ quan cấp trên để tạo thuận lợi cho nhân dân trong công tác tôn tạo, giữ gìn, bảo vệ. Chùa Nhạn Sơn bị mối mọt hư hỏng nặng, có thể sập đổ trong mùa mưa sắp đến, nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp nhưng xin thủ tục sửa chữa lại quá rườm rà. 

Việc hoạch định, xác lập hồ sơ phân giới và cắm mốc DT những năm trước đây để đề nghị công nhận DT còn đơn sơ, chưa khoa học nên nhiều DT ranh giới từng khu vực không đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Có những DT khi quy hoạch có quy mô quá lớn như DT vườn cam Nguyễn Huệ diện tích tới 2.600.000 m2, hay DT Đèo Nhông - Dương Liễu là 350.000 m2… chưa phù hợp với công tác quản lý; ngược lại, lại có DT quy định khu vực bảo vệ quá hẹp, không phù hợp với cảnh quan môi trường. Tháp Dương Long (xã Bình Hòa và Tây Bình - Tây Sơn) và Bình Lâm (Phước Hòa - Tuy Phước) là hai DT cấp quốc gia, có giá trị lớn về nghệ thuật, nhưng khu vực bảo vệ hẹp, không phù hợp với tầm vóc của DT nhất là khi muốn khai thác DT phục vụ cho các hoạt động phục vụ cho du lịch. Chẳng hạn tháp Dương Long có diện tích khu vực bảo vệ và khu vực điều chỉnh là 27.250m2 nhưng lại không quy định vành đai cảnh quan môi trường và chưa được cắm mốc chỉ giới. DT Hang Đá Chẹt (thuộc quần thể DT Núi Bà), một DT thiên nhiên nhưng diện tích khu vực bảo vệ chỉ là 600 m2, nên nằm trong tình trạng không có khu vực cảnh quan môi trường. Chính vì lẽ đó mà một hộ dân được cấp phép khai thác đá dù nằm ngoài chỉ giới DT nhưng vẫn làm cho cảnh quan khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lại có trường hợp trong danh mục của Bảo tàng Tổng hợp có DT văn hóa "Hòn Vọng Phu" nhưng trong quần thể DT Núi Bà lại không có quyết định công nhận DT này.

* Phát huy di tích: chuyện còn xa

Hiện nay, nhìn chung hầu hết các DT được Nhà nước xếp hạng đều đã được tiến hành xây dựng bia bản. Những DT tiêu biểu như Đèo Nhông, Gò Loi, Bình An, Nho Lâm, chiến thắng Quy Nhơn… được xây dựng tượng đài hay biểu tượng nhằm thực hiện công tác bảo vệ và khai thác sử dụng DT. Những DT như Bảo tàng Quang Trung và cụm DT liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn, DT thảm sát Bình An (Tây Sơn), DT chiến thắng Đèo Nhông (Phù Mỹ), DT lịch sử cách mạng Đồi Mười (Hoài Nhơn)… đã được phát huy tác dụng tốt. Một số DT đã tổ chức trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp: tháp Đôi, tháp Thủ Thiện, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Phú Lốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số DT theo chủ trương của tỉnh sẽ được trùng tu tôn tạo từ 2001-2005, nhưng hiện vẫn chưa tiến hành. Đáng chú ý là trong số này, có DT đang có nguy cơ xuống cấp, cần được tu bổ, gia cố kịp thời như tháp Bình Lâm.

Ngoài ra, việc phát huy giá trị DT, phục vụ cho du lịch và thông qua du lịch khai thác nguồn thu để đầu tư phục vụ tôn tạo DT còn hạn chế. Tháp Đôi đã được trùng tu từ nhiều năm nay nhưng các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch lại hoàn toàn là con số không. Tháp Bánh Ít, một cụm kiến trúc tháp Chăm độc đáo ở Bình Định, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đầu tư kinh phí trùng tu, đến nay cơ bản hoàn thành công việc này nhưng các hạng mục phụ trợ: trồng cây xanh, đường đi… lại chưa có nên không thể kéo chân du khách. 

* Thành lập Ban Quản lý DT: nhu cầu bức thiết

Thành lập Ban Quản lý DT cấp huyện, thành phố và tổ bảo vệ trông coi DT ở mỗi DT cụ thể ở xã, phường, thị trấn là một trong những giải pháp quản lý, tôn tạo và phát huy các DT theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có huyện An Nhơn là đã thành lập Ban Quản lý DT. Ngay cả khi đã được thành lập, thì nội dung hoạt động của Ban, quy chế hoạt động như thế nào vẫn khá mông lung. Đồng thời, theo chủ trương, Ban được hưởng chế độ bồi dưỡng từ nguồn thu DT. Tuy nhiên, khi nguồn thu từ DT còn nhỏ nhoi như hiện nay, đây là điều hoàn toàn không khả thi.

Bên cạnh đó, để khắc phục những mặt còn hạn chế trong công tác quản lý DT từ tỉnh đến cơ sở, về lâu dài, phải thành lập Ban quản lý DT cấp tỉnh. Hiện nay, trong cả nước, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa thành lập Ban quản lý DT cấp tỉnh. Ở Bình Định, trước những hạn chế trong công tác quản lý DT từ tỉnh đến cơ sở như hiện nay, đây là một nhu cầu bức thiết.

. Lê Viết Thọ

 

Bình Định có 231 DT lịch sử, văn hóa, danh thắng. Bộ Văn hóa - Thông tin đã có quyết định xếp hạng 32 DT quốc gia, chiếm 51,54% các DT, với diện tích khu bất khả xâm phạm là 5.781.288 m2/5.869.619 m2 đất vành đai khu vực điều chỉnh. UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng 30 DT cấp tỉnh, với diện tích khu bất khả xâm phạm là 1.943.262,57 m2/2.642.432,97 m2 đất vành đai khu vực điều chỉnh.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Báo động tình trạng xâm phạm di tích !  (01/04/2004)
V.League 2004 - Nhìn lại nửa chặng đường   (31/03/2004)
Huỳnh Phi Thanh, người gieo mầm võ Thiếu lâm ở Hoài Nhơn  (30/03/2004)
Lebanon - Một đối thủ khó chịu  (29/03/2004)
Vài thông tin trước trận Việt Nam - Libăng  (28/03/2004)
Sở Thể dục - Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3  (28/03/2004)
Âm nhạc truyền thống: Còn ai với ai?   (26/03/2004)
Căng thẳng và kịch tính  (25/03/2004)
Khó khăn cho chủ nhà?   (24/03/2004)
Nơi ươm mầm những tài năng thể thao   (23/03/2004)
Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi  (22/03/2004)
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)
Bình Định tham dự Giải Việt dã toàn quốc lần thứ 45  (19/03/2004)
Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua  (19/03/2004)
Bình Định sẽ lại có điểm  (19/03/2004)