Kỷ niệm 3 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001 - 1.4.2004):
Em còn nhớ hay em đã quên - Bộ phim đậm nét nhạc Trịnh
16:25', 2/4/ 2004 (GMT+7)

Cảm hứng từ những tình khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn xây dựng bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên đề cập đến mối tình dang dở giữa một nhạc sĩ lãng du với hai cô người yêu trẻ đẹp và dịu hiền ở miền Nam trước ngày giải phóng. Từ đây, các tác giả ca ngợi tình yêu lứa đôi, quê hương đất nước, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh.

 

Chuyện phim xoay quanh ba nhân vật chính là Diễm, Huyền My và Quang Sơn. Họ là những người yêu nghệ thuật, yêu nốt nhạc lời ca, muốn những ca khúc và tiếng hát của mình đi vào đời, hòa nhịp vào cuộc sống để ca ngợi tình yêu lứa đôi và mong ước mọi người đều được sống hạnh phúc trong một đất nước hòa bình. Vậy mà, chiến tranh đã cướp mất đi mối tình đầu trong sáng, thơ mộng và nhiều hứa hẹn son sắt của nhạc sĩ Quang Sơn. Chiếc áo dài thướt tha ngày nào của Diễm chỉ còn cái bóng, cứ gợi lại trong ký ức của Quang Sơn ngậm ngùi nhớ thương với giai điệu êm ái, dìu dặt qua tình khúc Diễm xưa "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"… Và, như định mệnh giữa dòng đời phiêu bạt anh lại gặp Huyền My - cô ca sĩ có giọng ca trữ tình đã chia sẻ cùng chàng niềm vui, nỗi buồn và cả ước mơ hạnh phúc. Nhưng chiến tranh, thế thái nhân tình đã buộc Huyền My phải lặng lẽ chia tay với chàng, để ra đi đến tận phương trời xa thẳm với nỗi day dứt khôn nguôi. Giờ đây, trong thế giới âm thanh và nhạc điệu, nhạc sĩ Quang Sơn chỉ còn lại cây đàn ghi ta, cô đơn, nhớ nhung hoài vọng qua những lời tự tình của hai người yêu nhau. "Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…" (Biển nhớ). Căm phẫn chiến tranh, nhạc sĩ Quang Sơn đã kêu gọi sinh viên Sài Gòn đứng lên đấu tranh đòi hòa bình bằng những bài ca tranh đấu hùng tráng "Yêu quê hương nay đã không còn" (Người con gái Việt Nam da vàng). Chính vì thế, Quang Sơn đã trở thành biểu tượng của những người yêu nước, yêu hòa bình, của những sinh viên tham gia phong trào chống Mỹ.

Qua từng trường đoạn phim trên nền minh họa các ca khúc phù hợp với ngữ cảnh, các tác giả đã xây dựng nhân vật Quang Sơn thành hình tượng chuẩn mực của một thế hệ nhạc sĩ có tư tưởng tiến bộ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sự mất mát và nỗi đau của Quang Sơn không chỉ vì tình yêu lứa đôi mà còn là sự trăn trở khát vọng đất nước Việt Nam sớm giành lại độc lập, hòa bình. Những chuỗi khuôn hình nối tiếp nhau trong phim đã làm sống lại không khí binh lửa năm nào, gắn với một cuộc đời nghệ sĩ, một giai đoạn của một đất nước trong cơn lốc chiến tranh. Thân phận trôi dạt, phiêu lãng của nhạc sĩ Quang Sơn đúc kết thành một con người được bộc lộ qua các ca khúc: Diễm xưa, Biển nhớ, Tình nhớ, Cát bụi, Một cõi đi về, Để gió cuốn đi, Như cánh vạc bay, Nắng thủy tinh, Em còn nhớ hay em đã quên…

Bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên được xây dựng khá công phu. Các nhà làm phim đã bóc được những sợi tơ tình tiềm ẩn trong đời thường của con người bằng sự giản dị đầy chất thơ, bằng nhạc cảm, bằng những thủ pháp điện ảnh đã ghép mỗi khuôn hình trên nền nhạc chạy theo dòng suy tưởng của các nhân vật trong phim. Từ đám cỏ xanh đến cành hoa phượng đỏ, từ gợn sóng biển đến tà áo dài bay trong gió hay sương sớm bên hồ Xuân Hương… mỗi khuôn hình đều sắc sảo, tinh tế nên thơ. Hình ảnh nào cũng chứa chan cái đẹp thiên nhiên và tâm hồn đa cảm của con người. Đặc biệt, với sự sáng tạo ngôn ngữ điện ảnh, các tác giả tập trung khai thác những hình ảnh giữa thực và mơ, giữa quá khứ và hiện tại được gắn kết chặt chẽ với nhau nhờ mối liên tưởng đặt ngầm trong mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim. Một số hình ảnh ngụ ý trong các cảnh phim như: một em bé lộn người xem đám cưới ngược, những giọt sương thanh khiết chạy lăn tăn rồi tan nhanh trên lá sen, chiếc thuyền giấy bị dòng nước cuốn trôi, một chiếc khăn quàng cổ màu trắng bay thướt tha trên bờ biển xanh… tất cả hòa quyện vào những nét nhạc như một lời tâm tình về thế thái nhân tình, về suy tư tình người, tình đời để thấu tỏ hết nỗi buồn lắng đọng tiềm ẩn vào cái thiện, cái lung lung cõi tình.

Mặc dầu còn vài hạn chế đáng tiếc, nhưng Em còn nhớ hay em đã quên đã đạt được những mặt thành công về nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc.

. Võ Văn Liễn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quản lý, tôn tạo và phát huy di tích: Dấu xưa, xe ngựa...  (01/04/2004)
Báo động tình trạng xâm phạm di tích !  (01/04/2004)
V.League 2004 - Nhìn lại nửa chặng đường   (31/03/2004)
Huỳnh Phi Thanh, người gieo mầm võ Thiếu lâm ở Hoài Nhơn  (30/03/2004)
Lebanon - Một đối thủ khó chịu  (29/03/2004)
Vài thông tin trước trận Việt Nam - Libăng  (28/03/2004)
Sở Thể dục - Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3  (28/03/2004)
Âm nhạc truyền thống: Còn ai với ai?   (26/03/2004)
Căng thẳng và kịch tính  (25/03/2004)
Khó khăn cho chủ nhà?   (24/03/2004)
Nơi ươm mầm những tài năng thể thao   (23/03/2004)
Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi  (22/03/2004)
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)
Bình Định tham dự Giải Việt dã toàn quốc lần thứ 45  (19/03/2004)
Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua  (19/03/2004)