Bộ phim "Việt Nam" của Roman Carmen: Điện Biên Phủ, như vừa mới hôm qua...
16:18', 5/4/ 2004 (GMT+7)

Chiến thắng (cảnh trong phim)

Sau chương trình thời sự 19 giờ ngày 5-4, VTV1 sẽ trình chiếu bộ phim "Việt Nam". Đây là bộ phim đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Carmen được Viện Lưu trữ phim Matxcơva - Liên bang Nga lưu giữ suốt 50 năm nay với hình ảnh màu vẫn nét, vẫn đẹp và lời bình của chính tác giả.

Trước đây, "Việt Nam" từng đến với khán giả Việt Nam với tên gọi "Việt Nam trên đường thắng lợi" qua bản đen trắng và lời bình của Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ trước một số người có trách nhiệm liên quan đến việc giúp đạo diễn Carmen thực hiện bộ phim cũng đã từng được xem bản màu. Bản màu để lại Việt Nam thì đã hư hỏng. Rất may là vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua được bản quyền bộ phim này trong 1 năm với thỏa thuận được phép trình chiếu 3 lần, cũng như bản quyền về một số tài liệu và nhật ký cảnh quay, trong đó có những cảnh quay không được sử dụng trên phim.

Với thời lượng gần 90 phút, "Việt Nam" thực sự là Việt Nam của 50 năm về trước. Không có bài học lịch sử nào về con người Việt Nam trong giai đoạn này cho những nhà làm phim, đạo diễn muốn làm phim về chiến tranh chống Pháp thuyết phục hơn. Màu sắc thật của phim sẽ là nguồn tham khảo cho các đạo diễn làm phim về chiến tranh chống Pháp, về chiến dịch Điện Biên Phủ, về phục trang, dụng cụ lao động sản xuất, vũ khí chiến đấu được quân dân ta sử dụng thời bấy giờ. Có những trường đoạn rất thú vị như tướng De Castries nói về sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh. Rất nhiều hình ảnh thật như cảnh bộ đội kéo pháo vượt đèo dốc, dân công hỏa tuyến, các lớp bình dân học vụ... Ngay cả những cảnh dựng như cảnh bộ đội hành quân cũng vẫn còn tính thời sự vì được thực hiện sau chiến thắng chỉ trong thời gian rất ngắn (năm 1955), nên vẫn lồ lộ nội lực của dân tộc Việt Nam và ngùn ngụt tỏa sáng sau 50 năm trên những thước phim tài liệu.

Nội lực đó chính là nét êm đềm của con sông, cánh đồng miền Nam đầy nắng, tiềm ẩn trong những khu rừng sâu miền Bắc khi con người đến xây dựng các xưởng cơ khí, nơi in báo, sản xuất giấy, trường học của những cán bộ ngành y. Trong rừng sâu heo hút có cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ, có lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khu căn cứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các tướng lĩnh. Chưa khi nào hình ảnh của Bác Hồ lại sống động đến thế: màu áo Người mặc, cây bút Người sử dụng, những bước đi trên con đường mòn. Rồi hình ảnh của những người cán bộ phát hành báo đạp xe hỏa tốc vượt dốc vượt đèo đưa những tờ báo vừa được in thủ công đi các nơi, thời gian thư giãn của các chiến sĩ khi được tập trung xem văn công múa hát, biểu diễn múa sạp...

Cảnh đoàn tù binh Pháp mệt mỏi giữa mấy người lính Việt Nam nhỏ bé dẫn giải xem như kết thúc những tháng ngày trận mạc nghiệt ngã nơi chiến trường Điện Biên Phủ. Ở Hà Nội, những quân nhân Pháp còn lại cũng chuẩn bị ra đi rất trật tự song cũng có những cảnh ngộ nghĩnh như chụp ảnh lưu niệm - mà theo lời bình của R.Carmen, người ta đang cố chụp những bức ảnh cuối cùng ở Việt Nam. Ngày 9-10-1954, bộ đội đã tiếp quản một số vị trí quan trọng của thủ đô. Ngày 10-10-1954, thành phố rực rỡ cờ hoa, những lá cờ đỏ sao vàng có 5 cánh không dài và nhọn mũi sao như hiện nay. Những hàng cây dọc hai bên đường phố Hà Nội nay nhiều phố vẫn đủ số lượng như xưa, chỉ khác cây 50 năm trước thì còn nhỏ. Toàn cảnh Hà Nội cũng được quay từ trên cao xuống với màu sắc của 50 năm trước. Nhìn lại để thấy Hà Nội từng được quy hoạch hài hòa và trật tự, nền nếp ra sao. Sau niềm vui bùng nổ của ngày giải phóng, những tà áo dài của nữ sinh Hà Nội lại xuất hiện trên sân trường. Nhà ga, nhà máy điện được khôi phục lại hoạt động. Trên đồng ruộng miền Bắc, người nông dân hớn hở trồng cấy vụ mùa mới. Nhưng đất nước chưa thống nhất, những người con của miền Nam một số lên đường tập kết ra Bắc, còn lại ở lại quê hương thầm lặng chờ đợi và chuẩn bị cho một cuộc chiến mới đầy đau thương nhưng đã giành được thắng lợi vẻ vang.

. Theo Thanh Niên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kết thúc giai đoạn 1 V-League 2004: Gập ghềnh vó ngựa ô   (04/04/2004)
Em còn nhớ hay em đã quên - Bộ phim đậm nét nhạc Trịnh   (02/04/2004)
Quản lý, tôn tạo và phát huy di tích: Dấu xưa, xe ngựa...  (01/04/2004)
Báo động tình trạng xâm phạm di tích !  (01/04/2004)
V.League 2004 - Nhìn lại nửa chặng đường   (31/03/2004)
Huỳnh Phi Thanh, người gieo mầm võ Thiếu lâm ở Hoài Nhơn  (30/03/2004)
Lebanon - Một đối thủ khó chịu  (29/03/2004)
Vài thông tin trước trận Việt Nam - Libăng  (28/03/2004)
Sở Thể dục - Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3  (28/03/2004)
Âm nhạc truyền thống: Còn ai với ai?   (26/03/2004)
Căng thẳng và kịch tính  (25/03/2004)
Khó khăn cho chủ nhà?   (24/03/2004)
Nơi ươm mầm những tài năng thể thao   (23/03/2004)
Truyền hình - Chưởng Kim Dung lên ngôi  (22/03/2004)
Minh Mính lập công to  (21/03/2004)